Phòng bệnh theo y học cổ truyền

Những ngày qua, bệnh dịch do virus Corona đã khiến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều người bị đảo lộn. Chúng ta lúng túng trong vô số những thông tin thật giả lẫn lộn.

Không phải bây giờ con người mới đối mặt với bệnh tật. Trong lịch sử loài người, những trận dịch ghê gớm nhất đã từng xảy ra từ trước Công nguyên. Mọi loại bệnh tật đều song hành xuất hiện cùng với con người từ thuở hồng hoang. Và vì thế, người xưa đã biết cách phòng và chống bệnh tật như một kỹ năng sống ngàn đời.

Y học cổ truyền (YHCT) nước ta đã có từ hàng nghìn năm trước. Từ thời Hùng Vương, y học chỉ có tính truyền miệng, nhưng người xưa đã biết ăn trầu cho ấm cơ thể, nhuộm răng để bảo vệ răng, dùng vôi để sát khuẩn… Sau thời kỳ Vua Hùng, YHCT đã có thêm những giao lưu và tiếp thu nền y học Trung Quốc. Các vị thuốc Nam của nước ta đã sớm được đưa sang Trung Quốc như: ý dĩ, sắn dây,  đậu khấu, sử quân tử, sả, trầu, cau, hương bài, bí ngô, trầm hương… Những vị thuốc Nam được ghi chép đầy đủ trong các tài liệu dược điển Trung Hoa. Một số thầy thuốc Trung Quốc sang Việt Nam trị bệnh như: Đổng Phụng, Lâm Thắng…, còn danh y Tuệ Tĩnh đã sang Trung Quốc làm việc và trở thành danh y nổi tiếng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhưng những ghi nhận lịch sử rõ ràng nhất bắt đầu từ triều nhà Lý. Các triều đại phong kiến nước ta đã sớm xây dựng hệ thống y học nước nhà để phục vụ nhân dân. Thời nhà Lý, Ty Thái Y được thành lập chăm lo bảo vệ sức khỏe cho vua quan trong triều, việc chữa bệnh cho nhân dân do các thầy thuốc dân gian đảm nhiệm. Thời này đã qui hoạch phát triển việc trồng cây thuốc… Thời nhà Trần, đổi thành Viện Thái Y. Triều đình chủ trương mọi lương y phục vụ toàn dân, chứ không riêng triều đình. Lương y có nhiệm vụ phát thuốc cho nhân dân ở các vùng có dịch bệnh. Tổ chức trồng và thu hái thuốc để dùng cho đất nước. Thời kỳ này xuất hiện danh y Nguyễn Bá Tĩnh (Tuệ Tĩnh).  Quá trình đó cứ tiếp tục hoàn thiện và phát triển, đến thời Hậu Lê có Bộ luật Hồng Đức có đặt quy chế về nghề Y: trừng phạt thầy thuốc kém đạo đức, ban hành quy chế pháp y khám án mạng tử thi…

Quan niệm phòng chống bệnh tật của YHCT rất đơn giản, nhưng lại đầy đủ và có tính triết lý sâu sắc. Có 3 nguyên nhân gây bệnh, đó là Nội nhân, Ngoại tà, và nguyên nhân không do Nội nhân hay Ngoại tà (như bị tai nạn, bom đạn…).

Nội nhân là 7 loại tình chí trong tâm lý con người: vui mừng, giận dữ, lo lắng, suy nghĩ, buồn rầu, sợ hãi, kinh dị. Theo YHCT, 7 loại tình chí hay còn gọi là thất tình, có ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh ra bệnh tật. Ví như giận hại gan, nghĩ ngợi nhiều hại tỳ (ăn không ngon), sợ hại thận (sợ vãi đái), lo lắng quá hại phổi (thở dài, thở hắt ra,…), vui buồn quá mức hại tim,…

Ngoại tà là 6 loại tà khí bên ngoài: phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả. Chủ yếu nhất, và thường xuyên nhất trong việc phòng bệnh chính là phòng chống Ngoại tà xâm nhập. Các bệnh cảm, cúm,… chính là do các ngoại tà như vi khuẩn, virus xâm nhập và gây bệnh cho cơ thể. Là một nước nhiệt đới gió mùa, các loại bệnh nhiệt đới phát sinh nhiều, chính vì vậy mà YHCT đã sớm có nhiều cách phòng chống bệnh tật. Như một sự công bằng của tạo hóa, các loại kháng sinh tự nhiên có rất nhiều trong gia vị của người Việt. Những thức ăn thường dùng như gừng, tỏi, sả, hành, hẹ, ớt,… đều chính là những vị thuốc tốt quanh ta. Những vị thuốc “vườn nhà” vừa có tác dụng ngăn chặn ngoại tà truyền nhiễm, lại vừa có tác dụng nâng cao “chính khí” bảo vệ cơ thể, và đương nhiên là những gia vị ngon không thể thiếu trong đời sống.

Công dụng của một số gia vị dùng trong phòng chống bệnh tật vào những lúc giao mùa, bệnh dịch hoành hành.

Hành

Hành có tác dụng giải độc, kích thích tiêu hóa, điều hòa hô hấp. Hành có tính ấm, làm tan lạnh, thông khí, giải cảm, và đặc biệt là sát trùng. Khi bị cảm lạnh, dùng hành, tía tô nấu cháo nóng sẽ giải cảm rất nhanh.  Liều lượng dùng không giới hạn, dùng được cả lá và củ.

Tỏi  

Có vị cay, hăng, tính ấm. Tỏi dùng để hạ khí, giải độc, tiêu đờm, chữa sốt do truyền nhiễm. Liều lượng mỗi lần dùng khoảng 10-20g. Trong nhà, ngâm một chai rượu tỏi là luôn sẵn có kháng sinh để điều trị những lúc cảm cúm.

Gừng

Gừng có vị cay đắng, tính ấm, tác dụng tán phong, trị trúng gió, trị lạnh bụng khó tiêu. Gừng ôn ấm cơ thể rất tốt, vì thế mà chống được hàn tà. Các loại vi khuẩn hay virus thường dễ xâm nhập trong điều kiện lạnh mát, vì thế gừng là khắc tinh với nhiều loại vi trùng. Gừng dùng tốt nhất vào buổi sáng.

Sả

Có vị cay đắng, tính ấm. Sả dùng nhiều trong chế biến các món ăn có tính hàn, có công dụng làm ấm bụng, giải cảm. Tinh dầu sả chống muỗi, chống cúm và bệnh truyền nhiễm rất tốt. Có thể dùng sả kết hợp với gừng, tỏi, hành.

Một số cách đơn giản làm tại nhà để phòng chống dịch bệnh

  • Uống gừng pha với mật mía và nước ấm vào buổi sáng để tăng cường đề kháng cho hệ miễn dịch.
  • Nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Chỉ cần xà phòng diệt khuẩn và xả nước kỹ là đủ sạch. Không nên dùng lạm dụng các loại nước sát khuẩn mạnh, vì sẽ bị hỏng da.
  • Trong mùa dịch, nên dùng nhánh tỏi và nhánh gừng, gói lại và đút vào túi áo, túi quần để phòng tà khí xâm nhập cơ thể.

Luyện thở bụng để nạp đủ oxy cho phổi, phòng chống việc suy yếu hệ hô hấp. Khi hít vào thì đưa khí xuống bụng (phình bụng ra), khi thở ra thì đẩy khí từ bụng ra ngoài (hóp bụng lại)

LY. Vũ Đặng Trung Dũng

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục