Bó rau cọng cải của mẹ
“Một sớm lên đường, mẹ ra sau vườn, hỏi thăm trái bí trên giàn đầy hoa…”. Mỗi lần nghe câu hát ấy của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là tôi lại nhớ đến mẹ, hình ảnh mẹ với áo nâu sờn vai trong suốt những tháng năm tuổi nhỏ của tôi.
Cái thời còn “gạo châu củi quế”, ở quê tôi đa số cư dân đều khó khăn như nhau cho nên có những anh chị, những bạn bè vì sự vất vả đó mà phải thôi học sớm, có những gia đình cũng xuôi ngược vào Nam ra Bắc vì miếng cơm manh áo. Thế nhưng ba mẹ tôi vẫn chịu khó chịu khổ để nuôi sáu anh em nhà tôi đến nơi đến chốn, kẻ học chữ người học nghề lập thân, nhưng dù theo con đường nào thì rồi anh em tôi cũng ổn định cuộc sống theo cách của mình, tuy không giàu sang khá giả nhưng cũng tạm tạm với cuộc nhân sinh. Công lao đó là nhờ ơn ba mẹ tôi, nhưng chính xác là nhờ rất nhiều vào sự chịu khó thầm lặng của mẹ tôi trong những buổi sớm chợ quê.
Những tháng năm đó cái ăn cái mặc khó lắm, nên mỗi sáng thức dậy đi học run run với mấy tấm áo cũ mỏng tanh, trên con đường làng mưa phùn gió bấc lạnh thấu xương. Vậy mà mẹ tôi đã đi chợ từ sớm, lúc chúng tôi còn yên giấc ngủ ngon. Chợ cách nhà tôi ba cây số. Chợ quê nên người đi chợ cũng ít. Mẹ tôi chủ yếu gom góp những bó rau hay những quả cà, đọt chuối sau vườn từ chiều hôm trước.
Sau nhà tôi với hơn sào đất, mẹ khéo léo trồng đủ thứ rau cải, mùa nào loại ấy. Quê tôi miền Trung mùa Đông hay có “gió bấc”, thứ gió vào những ngày mưa lùn phùn rất lạnh, nên rau quả cũng rất khó trồng. Những năm bão lụt triền miên thì càng vất vả hơn. Ngược lại, mùa Hè gió Lào nắng gắt, cây cối lên không nổi, nước tưới tầm mười giờ đã khô khốc, có năm hạn hán nước khan hiếm nên việc tưới càng khó khăn hơn. Hai vai mẹ gồng gánh cùng mưa nắng đã chai sần tự lúc nào. Nhưng mẹ tôi bằng kinh nghiệm bao năm, đã biết cách vận dụng để luôn có “hàng” đi chợ hằng ngày, một phần lại có rau xanh cho gia đình dùng trong những bữa cơm mẹ nấu, cải thiện được một phần nhỏ kinh tế khó khăn lúc bấy giờ.
Nói thế, nhưng để có những bữa chợ đó thì mẹ tôi phải vất vả từ chiều hôm trước. Sau bữa cơm trưa là mẹ lại lúi húi sau vườn, nhiều lúc mất cả chiều chỉ hái được một rổ rau má nho nhỏ hay có lúc phải ngồi cả buổi để thái mỏng những đọt chuối rồi làm om dưa dành bán cho những buổi chợ sau. Bóng dáng ấy với chiếc nón lá thầm lặng sau vườn ngày này qua năm khác mà không hề than vãn. Những khi anh em tôi đến phụ một tay với mẹ, bà nói các con chỉ làm cho vui, cho có tí lao động chứ việc tụi con chính là học. Vì lúc nhỏ không có cơ hội học hành nên mẹ tôi rất quý việc “chữ nghĩa” của anh em tôi, bởi vậy bà luôn động viên chúng tôi chăm lo học hành để sau không phải ruộng đồng nương dâu phơi sương phơi nắng như bà nữa.
Nhớ lắm những buổi chợ mùa Đông, có những ngày lạnh rét chúng tôi thở phà ra khói nhưng mẹ tôi chỉ mang mỗi tấm tơi cói ra đi từ sớm đến trưa mới về, mà “hàng hóa” của bà có gì đâu ngoài vài bó rau vài bó cải, có lúc chỉ quả bí quả bầu hoặc vài ba lạng ớt. Có những ngày bán không hết mẹ lại vội vã mang về chế biến cho chúng tôi những món ăn bắt miệng. Mùa Đông có chén cơm nóng hổi, tôi ngồi co ro lại cho ấm người để ăn. Những quả ớt giòn rụm mẹ tôi trồng được ăn giặm vào trong bữa cơm, cay xé đến chảy nước mắt nước mũi, dù chỉ chấm muối hột giã nhuyễn nhưng đủ để đưa những chén cơm mùa khốn khó qua bao năm tháng tuổi thơ tôi.
Có những hôm hàng nhiều anh em tôi phụ mẹ gánh rau ra chợ. Quê tôi hồi ấy rau khoai lang cũng có giá lắm, đoạn rau ở đầu đọt thì người ăn, đoạn ở gốc thì bán từng bội cho những nhà nuôi lợn. Những hôm phụ bán được kha khá tôi được mẹ cho vài đồng, thường thì tôi chạy vèo đi mua bánh sắn. Tôi rất thích những chiếc bánh sắn được gói trong lớp lá chuối, loại bánh được làm từ củ sắn mì xay thô, bên trong có nhân đậu phụng sau khi rang xong giã nát, ăn deo dẻo rất đã miệng. Bây giờ không thiếu gì kẹo bánh nhưng tôi vẫn không quên cái mùi vị bánh sắn khoái khẩu ấy.
Mẹ tôi giờ đã già rồi và chúng tôi cũng đã lớn, nhưng không ai có thể quên những tháng năm tảo tần một nắng hai sương của mẹ. Mảnh vườn nho nhỏ sau hè của mẹ tôi, với những luống rau lang, những hàng cải xinh xắn gọn gàng hay những quả vả luôn sum suê trái… là những hình ảnh khắc cốt ghi tâm. Hạt muối chia đôi, tình anh em tôi nhờ mẹ cha nuôi dưỡng mà lớn lên theo năm tháng, dù giờ đây mỗi người sống một nơi.
Mẹ giờ không còn làm vườn nữa nhưng mỗi khi ngồi với con với cháu mẹ luôn say sưa kể chuyện, nhắc lại những ngày rau cải năm xưa. Bà bày vẽ cách trồng ớt sao cho nhiều trái, cách trồng mướp sao cho ngon, nấu nướng sao cho tiết kiệm mà đủ chất… Nhìn bà kể về những buổi chợ năm xưa với bao kỷ niệm không bao giờ quên của mình, trên gương mặt hằn sâu vết thời gian ấy vẫn ánh lên một nụ cười mãn nguyện…
Mẹ thường nấu canh rau “tập tàng” nóng hổi, thơm lựng. Đây là “hỗn hợp” rau do các bà nội trợ tùy cơ ứng biến lúc khó khăn mà ra, chứ làm gì mà có cây rau tên “tập tàng”. Đa số nhà ở quê đâu cũng có quanh vườn những loại cây mọc dại có thể ăn được, như rau má, đọt cây bát bát, vài cọng tía tô, thêm vài đọt khoai lang, rau chân vịt, đôi khi còn có vài cọng rau tàu bay…, vậy là có một tô canh giải nhiệt ngày Hè, ấm lòng ngày Đông…. |
Bài & ảnh: Lao Thinh
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh