Haiku kết nối tâm hồn Việt – Nhật
Sang trọng, bặt thiệp và tinh tế như bản thân thể loại, từ nhiều năm nay, Haiku – thể thơ truyền thống có hơn 400 năm tuổi của xứ sở hoa anh đào, đã trở thành nhịp cầu đặc biệt trên lĩnh vực ngoại giao nói chung và ngoại giao văn hóa nói riêng giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản.
Phát biểu tại lễ trao giải cuộc thi thơ Haiku lần thứ 7 diễn ra hồi trung tuần tháng 12/2019 tại TP.Hồ Chí Minh, ngài Kawaue Junichi – Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh đã một lần nữa khẳng định điều đó; đồng thời bày tỏ hy vọng, trong tương lai, “sự giao lưu từ trái tim đến trái tim của người dân hai nước thông qua thơ Haiku sẽ tiến xa thêm”.
Với Quảng Nam – mảnh đất có rất nhiều duyên nợ với xứ sở Phù Tang, phong trào sáng tác thơ Haiku phát triển khá mạnh. Nhiều hội viên Hội VHNT Quảng Nam, như Nguyễn Bá Hòa, Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, Đỗ Thượng Thế, Thảo Nguyên, La Trung, Trương Nguyên Ngã, Phạm Thúc Hồng… từ nhiều năm nay đã âm thầm, miệt mài sáng tác thơ Haiku.
Riêng ở Hội An, dù không có hội đoàn riêng, nhưng vùng đất nhân tình thuần hậu này đã quy tụ chừng 100 người làm thơ Haiku…
Trong số đó, những cái tên như Minh Nhàn, Huỳnh Trọng Cát, Tăng Xuyên, Hùng Phương, Ánh Tuyết, Mộng Đào, Lê Lộc Bích, Lê Kim Hoa, Phan Văn Tám, Nguyễn Nguyên Khương… đã trở nên quen thuộc với người yêu thơ Haiku phố Hội và cả nước.
Trong các cuộc thi thơ Haiku nhân lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản hằng năm ở Hội An, số lượng tác giả là người Hội An cũng luôn chiếm phần áp đảo.
Trong 7 mùa thi thơ Haiku do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP.Hồ Chí Minh tổ chức, không lần nào vắng mặt các tác giả Quảng Nam. Đặc biệt, có tới 3 lần những người thơ đến từ xứ Quảng được “bảng vàng đề tên”.
Mới nhất, trong cuộc thi lần thứ 7, vượt lên hơn 600 tác giả trong cả nước, Quảng Nam có 4 người có tác phẩm lọt vào chung kết. Trong đó, nhà thơ Đỗ Thượng Thế đoạt giải nhì với một bài Haiku “lạ” khi được viết bởi cảm hứng sinh thái – một trào lưu sáng tác văn học đang rất “nóng” trên toàn cầu: “San hô nổi/ Trắng bãi bờ/ Đại dương mất máu”. Không có quý ngữ, không đẫm vị thiền như Haiku nguyên bản, nhưng bằng thủ pháp tượng trưng, thể hiện cảm xúc cô đọng trong giới hạn chữ, bài thơ này của anh vẫn là một bài Haiku đích thực. Mới thấy, thơ Haiku nói chung và thơ Haiku ở Việt Nam nói riêng, đã và đang có một sự chuyển động tinh tế, mới mẻ và hết sức “đương đại”.
Từ mối đồng cảm thi ca, sự trân trọng đối với cốt cách, tâm hồn người Nhật cũng như mối bang giao lâu đời và tình cảm trong sáng của hai dân tộc Việt Nam – Nhật Bản, thơ Haiku của nhiều tác giả Quảng Nam ngợi ca các giá trị nhân văn của hai đất nước, hai dân tộc… trong sự mực thước, gần với nguyên bản nhất có thể của thi pháp thể loại.
“Chùa Cầu/ Em qua/ Âm vang tình yêu Việt – Nhật” của Minh Nhàn không chỉ là một cái nhìn thường hằng từ Lai Viễn Kiều mà đằng sau đó là cả hành trình dài của quan hệ Việt – Nhật.
Hay, “Ngõ xưa vàng hoa nắng/ Gã họa sĩ Phù Tang lang thang/ Áo dài bay cuối phố” của Trương Nguyên Ngã không chỉ là một câu chuyện kể mà còn là một sự kết nối, truyền dẫn những thông điệp có giá trị về truyền thống văn hóa, hữu nghị đến với những trái tim.
Nhiều bài thơ Haiku của các tác giả Quảng Nam “rất Haiku” không chỉ ở hình thức, ở âm điệu, ở những lớp nghĩa ẩn tàng mà còn ở độ lắng của chữ. Từ một cảnh vật quen thuộc, bài thơ của Huỳnh Trọng Cát: “Nhà phố cổ/ Đôi mắt cửa/ Ngắm ai?” mở ra hồi niệm dằng dặc trong hữu hạn của chữ.
Hay, “Biển đêm/ Người vạn chài thả lưới/ Kéo mặt trời lên” của Nguyễn Mậu Hùng Kiệt là một lát cắt mỏng và dứt khoát nhưng đủ để phác dựng một bức tranh hân hoan tươi mới cùng mối giao hòa giữa thiên nhiên và con người.
Có thể chưa “tinh chất” và hoàn thiện như một bài Haiku mẫu mực, nhưng với những câu thơ như thế, vẫn có thể thấy sức biểu đạt của nó đã vượt ra ngoài sự hữu hạn về từ, về âm tiết của Haiku truyền thống. Và Haiku Việt lại đượm nồng trong mối bang giao giữa hai đất nước, hai dân tộc, trong mối đồng cảm thi ca tinh tế: “Lai Viễn Kiều/ Thức giấc/ Đôi mắt cửa nhìn nhau” (Tăng Xuyên).
Bảo Anh
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/haiku-ket-noi-tam-hon-viet-nhat-83538.html