Đất khách muôn trùng…
“Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông…”
(Trịnh Bửu Hoài)
Thường thì, những con người “bỏ xứ mà đi” lòng vẫn luôn canh cánh nhớ thương, lo nghĩ về quê cha đất tổ, về gia đình. Hễ có dịp gặp “những đồng hương chưa quen” nơi xứ lạ, lòng lại rưng rưng một niềm xúc động, rồi tự nhiên kết nối như đã thâm tình…
Tôi đã gặp họ trong những tình huống khác nhau ở xứ Hàn nhưng đều có chung một cảm xúc: thương mến, cảm phục pha lẫn tự hào. Tôi thương những nỗi vất vả, nhọc nhằn; những cay đắng ngậm ngùi, những khổ đau cùng cực mà họ phải chịu đựng. Tôi cảm phục sự nhẫn nhục, sức làm việc quên mình bất kể thời gian hay thời tiết khắc nghiệt; sự mạnh mẽ để vượt lên hoàn cảnh, vượt lên số phận của họ. Tôi xúc động trước tinh thần đoàn kết, ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống và niềm tự hào dân tộc mãnh liệt của họ. Nhìn cách những bạn trẻ kỳ công chuẩn bị cho Lễ hội diễu hành rước đèn lồng nhân mùa Phật Đản hay ngày đêm chuẩn bị cho Lễ hội Cát Tường vào dịp Tết trên xứ người, mới thấy họ yêu quê hương và tự hào về dân tộc mình đến mức nào.
Nhưng ít ai biết được phần lớn trong số họ đều đã và đang trải qua những nghịch cảnh éo le. Đó có thể là những lao động bất hợp pháp, sống chui sống nhủi ở xứ Hàn. Phần lớn họ là những lao động trẻ đến từ nhiều vùng quê nghèo trên đất nước Việt Nam. Áp lực công việc quá lớn, mức lương lại thấp, không đủ trang trải chi phí ở một quốc gia mà mọi thứ đều đắt đỏ, chưa kể còn gánh trên lưng một khoản nợ khổng lồ khi xuất khẩu lao động đã khiến họ phá vỡ hợp đồng, ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Hay đó là những phụ nữ đã chọn con đường kết hôn để mong tìm một chốn nương thân nhưng vì những hoàn cảnh riêng đã rời khỏi gia đình chồng và trở thành lao động bất hợp pháp; là những du học sinh bỏ dở con đường học hành để lao vào cuộc mưu sinh… Tất cả trở thành những người đứng bên lề xã hội, sống một cuộc đời đầy cay đắng, rủi ro nơi xứ người. 39% lao động bất hợp pháp (1.600 người) trên tổng số khoảng 46.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc là con số không nhỏ. Vì vậy, trước các chiến dịch truy quét lao động bất hợp pháp diễn ra rất căng thẳng ở Hàn Quốc, những người lao động Việt Nam, dù không phải là “người trong cuộc”, cũng đều cảm thấy hoang mang. Nhiều người lao động bất hợp pháp đã bị trục xuất về nước sau những cuộc truy quét kinh hoàng đó.
Biết việc làm của họ là trái pháp luật nhưng chứng kiến cảnh họ dù bị truy quét, dù phải sống chui nhủi vẫn không tắt niềm hy vọng vào cuộc mưu sinh để cải thiện cuộc sống, không thể không thương cảm. Trong thời gian làm việc ở Hàn Quốc, tôi thường có cảm xúc đặc biệt đối với những phụ nữ đến xứ người với hy vọng được đổi đời qua những cuộc hôn nhân đầy may rủi. Trong số họ, có những người may mắn, được hưởng cuộc sống hạnh phúc nhưng cũng không ít những người rơi vào tình cảnh thương tâm. Những câu chuyện trong cộng đồng cô dâu xứ Hàn kể hoài không hết và luôn được những người mới kể tiếp, chưa có hồi kết. Sự lựa chọn nào cũng chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết. Nhưng tôi luôn ngưỡng mộ những phụ nữ biết tự mình bước qua nghịch cảnh.
Chị D.T.H.T. (Đồng Nai) đang sống ở Hong Seong, tỉnh Chungnam quyết định lấy chồng Hàn Quốc với hy vọng được đổi đời. Nhưng để thực hiện được giấc mơ ấy, chị trải qua những tháng ngày cay đắng cùng cực. Đến bây giờ chị sống ở Hàn Quốc đã hơn 12 năm, đã có hai con, một trai, một gái, nhưng khi được hỏi về tình trạng các cô dâu Việt bị bạo hành, chị còn bị ám ảnh. Lúc mới về làm dâu, chị cũng bị đối xử rất tệ, thường xuyên bị chồng, mẹ chồng và em chồng đánh, nhưng chị không biết cầu cứu ai vì không nói được tiếng Hàn. Cuộc sống quá tủi nhục trong gia đình chồng khiến chị bị rối loạn tâm thần, chồng chị phải đưa chị về lại Việt Nam. Sau khi chị được gia đình cho đi chữa bệnh, người chồng sang xin lỗi, rồi lại đưa chị về Hàn Quốc. Lần “trở lại” ấy, chị đã hoàn toàn thay đổi. Người phụ nữ yếu đuối ngày nào trở nên mạnh mẽ hơn. Chị nhận thức được nguyên nhân bi kịch đời mình là do không nói được ngôn ngữ của họ, không thể làm cho người khác hiểu mình. Nhờ tự học và giao tiếp nhiều với người Hàn nên bây giờ chị nói tiếng Hàn rất giỏi. Chị là một trong những cô dâu Việt đã làm cho những bà mẹ chồng Hàn Quốc phải nể phục. Mọi việc trong ngoài giờ đây mẹ chồng đều nhờ chị. Chồng chị tin tưởng và giao toàn quyền quyết định cho chị, từ quản lý tiền bạc đến việc nuôi dạy con cái.
Nhưng sự thành công của chị Nguyễn Thị Thanh (quê ở Bắc Ninh) mới thực sự làm tôi ngưỡng mộ. Sau khi kết thúc cuộc hôn nhân đầy sóng gió với người chồng cũ, năm 2003 chị sang Hàn theo diện xuất khẩu lao động. Ba năm sau, qua lời giới thiệu của người quen, chị kết hôn với anh Kim – người đàn ông chưa từng lập gia đình. Đến năm 2008, với sự chịu thương chịu khó và khéo léo trong ứng xử của mình, chị được chồng và gia đình chồng đồng ý làm thủ tục đón hai con sang Hàn để mẹ con được đoàn tụ và để con có tương lai. Lúc đó, con gái lớn của chị (Nguyễn Thị Ngọc Anh) được 14 tuổi và con gái nhỏ (Nguyễn Lan Anh) mới 9 tuổi. Nhưng cũng từ đó, gánh nặng gia đình càng đè lên đôi vai chị. Bởi chị hiểu, tình thương hay lòng bao dung của con người – nhất là những người xa lạ với mình về mọi mặt, vốn có giới hạn… Chị có lợi thế hơn nhiều cô dâu Việt khác là đã có thời gian làm việc ở Hàn Quốc, đã có những trải nghiệm thực tế và phần nào hiểu được cuộc sống sinh hoạt cũng như văn hóa của người Hàn trước khi kết hôn. Nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chị lại gặp nhiều khó khăn hơn vì khi đến với hôn nhân, chị đã lỡ một lần đò và còn phải lo cho hai cháu nhỏ nơi quê nhà. Vì vậy, để gia đình chồng chấp nhận mình, để sống cho trong ấm ngoài êm và có cuộc sống khá hạnh phúc như hôm nay, hơn mười năm qua, người phụ nữ ấy phải cố gắng từng ngày.
Với người Hàn Quốc, Tết Trung Thu (Chuseok) là một ngày hội lớn. Đây là dịp để gia đình sum họp, để người phụ nữ trong gia đình nấu những món ăn truyền thống dâng cúng tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn; để mừng một mùa màng bội thu. Đến thăm gia đình chị nhân dịp Trung Thu, tôi mới hiểu hết tấm lòng của chị dành cho gia đình chồng. Từ hôm trước, chị đã lo chợ búa, mua sắm những vật phẩm và làm các món bánh, nấu sẵn những món ăn để kịp cúng lễ vào sáng sớm. Tôi hồi hộp chờ đợi xem chị bày mâm cỗ. Nhìn cách chị thành tâm, tỉ mẩn làm món ăn và bày biện cỗ bàn, không ai nghĩ đó là một cô dâu Việt. Khi bố mẹ chồng ra đi, là con dâu thứ nhưng đều đặn mỗi năm 4 lần, chị lo toan mọi việc cúng kiếng, giỗ kỵ thay cho anh trai của chồng, để giữ tròn chữ Hiếu.
Trong khi không ít cô dâu Việt chấp nhận lấy những người chồng Hàn Quốc lớn tuổi hơn mình và coi đó là một sự thiệt thòi, luôn cảm thấy không hài lòng về cuộc sống của mình thì chị lại suy nghĩ rất nhân văn: “Khi quyết định lấy chồng Hàn Quốc là mình phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ và trước hết phải xác định họ không được như những người đàn ông khác nên mới phải lấy mình – người vợ ngoại quốc với quá nhiều khác biệt. Đó cũng là một thiệt thòi của họ”. Theo chị, không phải lúc nào khi xảy ra chuyện, cũng là lỗi của người Hàn, thực ra trong đó có lỗi bị cám dỗ đời thường của người Việt mình… Nghe chị tâm sự mà tôi thấy thương chi lạ. Sau bao nhiêu năm sống ở Hàn Quốc chị vẫn gìn giữ văn hóa Việt với một niềm tự hào. Trong đó, điều làm tôi ngưỡng mộ nhất ở chị là ý thức giữ gìn văn hóa Việt và tiếng mẹ đẻ cho con. Nhìn bàn thờ và di ảnh ba mẹ chị được đặt trang trọng trong ngôi nhà bày biện theo phong cách Hàn Quốc và mọi thứ đều in đậm chất Hàn, tôi thực sự xúc động. Từ ngày sang Hàn, chị không được dự ngày giỗ của bố mẹ nên ở nơi xa, chị vẫn làm bát cơm để tưởng nhớ đến bố mẹ. Và với chị, đó là cách dạy cho các con biết nhớ ơn ông bà, tổ tiên trong những ngày làm cơm cúng giỗ, cũng là nhớ văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Để con không quên tiếng Việt, chị giữ đúng nguyên tắc là khi ở nhà, chỉ nói chuyện với con bằng tiếng Việt. Vì vậy, dù sử dụng được hai, ba ngôn ngữ (tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Trung) nhưng các con chị vẫn nói tiếng Việt chuẩn như những trẻ em sinh sống tại Việt Nam. Đây là điều không phải người mẹ nào cũng làm được.
Càng hiểu nỗi lòng họ, càng yêu mến và cảm phục họ, tôi càng băn khoăn tự hỏi: Yêu quê hương, đất nước là thế; tự hào và cố gắng gìn giữ hồn Việt khi sống tha hương là thế; ly biệt, hiểm nguy là thế, sao những người con Việt vẫn bỏ xứ mà đi? Những câu hỏi này cứ trở lại trong tôi mỗi khi nghĩ về họ mà mãi tôi vẫn không tìm được câu trả lời. Có những điều chúng ta chỉ nhìn thấy, chỉ hiểu được, cảm nhận được nhưng khó nói được thành lời. Tự trong đáy lòng, tôi luôn mong những người con đang sống xa quê chân cứng đá mềm, vượt qua được những chông gai, sóng gió trên hành trình đi tìm cuộc sống nơi xứ người.
Và tôi cũng hy vọng một ngày nào đó, những người con Việt tìm thấy hạnh phúc trên chính đất nước mình, không nhấp nhỏm mơ về một chân trời xa lạ để phải trải qua những bi kịch đau lòng hay ngày đêm mang nỗi ưu hoài của những thân phận ly hương…
Trần Thị Mai Nhân
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh