Bánh Tula và chuyến tàu đêm nước Nga
Chỉ cần có quê hương trong lòng mình, đi đâu và ở xa đến mấy cũng dễ dàng tìm thấy mùa Xuân thân quen…
Tôi đưa con gái đi đánh răng rửa mặt về thì Đức Trung vừa từ Hungary sang đã lồng xong vỏ chăn cho mẹ tôi. Điện phụt tắt, cả nhóm lúi húi bật đèn pin, soi tìm chỗ ngủ. Những chiếc bánh Tula và vài chai nước nhà ga phát đã yên vị trên bàn nhỏ trong khoang giường nằm chuyến tàu đêm từ Saint Petersburg về Moscow. Và lòng tôi lúc ấy, bỗng tràn đầy những ý nghĩ bâng quơ*...
Lạ chưa. Cứ tưởng kịp khoác chiếc áo dạ đỏ, đội mũ nồi đỏ đứng giữa Hồng trường là tôi xong một kỷ niệm đẹp lưu lại ở Nga. Không phải. Trở về sau một tuần đến thăm nước Nga vào Thu, hình ảnh làm tôi nhớ nhung nhất lại là chiếc sảnh chờ ở trung tâm thương mại Incentra của người Việt tại Moscow. Nơi ấy, nhóm bạn Nga gốc Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang… đã biến đêm mùa Thu thành đêm trắng mùa Hè. Họ thay nhau chờ đợi, đón – tiễn hơn một trăm người bạn đồng niên cấp ba khóa 1991 – 1994 từ khắp thế giới đổ về Nga hội ngộ. Chi Lan, định cư ở Thụy Sĩ kịp chụp lại khoảnh khắc đẹp: giữa đoàn người rầm rập kéo vali vào ga bỗng nổi lên một quầng sáng ấm ánh đèn pin của “anh hồng quân” đứng soát vé trước từng toa tàu. Có người thốt “Các anh ấy còn đội chiếc mũ Boris đó ư?”
Những ngày qua, các chuyến tàu đêm đi – về giữa Moscow và Saint Petersburg chính là tâm hồn Nga thấm sâu nhất lòng tôi. Nhiều ký ức, kỷ niệm tưởng đã phai đi như những thước phim xước vỡ, như những cuốn sách bức ảnh ẩm mốc nằm bẹp trong tủ cũ, vậy mà người Nga vẫn giữ nguyên vẹn cho tôi qua từng nếp sinh hoạt, qua chiếc mũ, miếng bánh hàng ngày. Người soát vé tàu đang đứng đó, vẫn đội chiếc mũ lông Ushanka Nga huyền thoại với ngôi sao bạc sáng lên trong đêm lạnh. Chúng tôi tứ xứ đổ về, dồn cả vào một toa tàu đêm. Chật chội và đụng chạm. Chịu đựng và nhường nhịn. Cứ thế mà gần nhau hơn.
Bao nhiêu tiền du lịch thu giúp bạn bè, cô nàng Châu Long dồn vào chiếc túi da đen. Kiểm tra mọi người chăn êm nệm ấm xong, hơn một giờ đêm Châu Long mới nhẹ nhàng trèo lên giường tầng, nằm đối diện tôi. Chiếc túi da đen để cạnh gối, cô nhẹ nhàng thiếp vào giấc ngủ. Mẹ tôi, con gái tôi đi cùng chuyến này cũng đã say giấc. Còn tôi thấp thỏm chiếc túi kia nhỡ đâu biến mất trong ánh vàng đục của những cột điện, tòa nhà, hàng cây vụt lướt qua cửa sổ đêm. 800 km giữa Moscow và Saint Petersburg. Khoảng cách đó người ở Bỉ chúng tôi lái xe xuyên Hà Lan, Đức, Áo để sang miền Bắc Ý được rồi. Càng thấm tháp chiều kích của tâm hồn Nga và nước Nga rộng lớn. Quả ban đầu có chút ngạc nhiên khi đến trung tâm thương mại hay vào cửa khách sạn đều có nhân viên cầm máy soi túi. Chiếc vé tàu cũng phải khớp hộ chiếu. Nhưng Hậu sống ở Nga đã 16 năm, không còn cảm thấy phiền toái với cách kiểm soát máy móc này. “Mình thậm chí còn yên tâm hơn khi đi chơi chốn đông người.” Châu Long chắc cũng quen rồi, nên cô có giấc ngủ ngắn, nhưng hẳn là ngon trên tàu mà không quá bận lòng về chiếc túi da đen như tôi.
Còn thấy rõ Nga cũng ít cảnh người nhập cư, vô gia cư vật vờ nhộn nhạo tụ tập chốn trung tâm như tại Tây Âu. Hai người bạn Việt từ Mỹ sang ngạc nhiên thấy mấy anh lính dậy sớm, đeo găng tay đội mũ ấm cần mẫn quét lá đầu Thu trong một khoảnh sân nhỏ xíu trước bảo tàng quân đội. Quét đến đâu lá lại rụng đến đó. “Ở Mỹ có máy thổi lá, phù một cái xong.” Nền nếp quy củ kiểu Nga gói bọc cả vào từng miếng bánh mì đen nhỏ xíu phát cho khách. Chưa muốn ăn có thể bỏ túi mang về. Nhà hàng dọn những món đủ ngon, đủ dùng. Và Mạnh – hướng dẫn viên gốc Việt ở Nga không quên nhắc về sự kiện bi thương thời Thế chiến thứ Hai. Người Nga từng phải ăn rễ cây, lá cây để tồn tại. Vị của chiếc thắt lưng da trong nồi súp trở thành thứ mùi những người còn sống sót đến nay không muốn nhắc nữa. Too good to waste – dân châu Âu luôn vận động nhau bảo vệ môi trường, tránh lãng phí từ miếng ăn đến ngụm nước uống. Vì một không gian sống an toàn – các bạn cùng khóa cấp ba tại Hà Nội của tôi cũng vừa đồng loạt thay avatar trên Facebook, truyền thông điệp không khác nghĩa trên là mấy.
Mải tham quan, quá trưa, bụng chúng tôi sôi gào mãnh liệt. Nhóm bạn từ Séc sang bỗng rút ra những chiếc bánh gom từ chuyến tàu đêm. Bánh của vùng Tula cứng vỏ chắc bột, lúc lửng dạ phải uống cùng trà đen mới dễ ăn. Bây giờ bẻ ra chia nhau, ấm mùi mật ong và quế trong cơn mưa tuyết đầu mùa, ngon thơm quý giá biết nhường nào.
Người Nga yêu những chiếc bánh Tula cũng như người Việt yêu thanh kẹo lạc giòn tan, thích miếng mứt dừa quyện đường kính trắng muốt. Những hình ảnh, mùi vị này gợi sự sum vầy quần tụ của gia đình, làng xóm, ngõ phố vào thời điểm lễ tết hội hè. Tula cũng là nơi sản xuất ra chiếc ấm samova để uống trà nổi tiếng trong truyền thống của người Nga. Vào dịp lễ hội, người ta đặt bánh Tula nhiều hình dáng bên cạnh ấm trà samova để mời nhau thưởng thức. Cũng như vào ngày đầu năm mới, người Việt bày bánh mứt kẹo bên bình trà ướp sen, chờ khách đến xông nhà cho câu chuyện chúc tụng nhau thêm phần đậm đà ấm áp. Càng hiểu ra, chỉ cần có quê hương trong lòng mình, đi đâu và ở xa đến mấy cũng dễ dàng tìm thấy mùa Xuân thân quen.
Kiều Bích Hương
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh
*Ý thơ Puskin