Choáng ngợp với tư liệu, hình ảnh Nam Kỳ và Sài Gòn xưa

Triển lãm Sài Gòn từ thành thị phong kiến đến thành phố kiểu phương Tây vừa mở cửa đón công chúng tại số 2 Ter Lê Duẩn, TP.HCM chiều 3/1.

Hình vẽ liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh trận Kỳ Hòa năm 1861.
Hình vẽ liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh trận Kỳ Hòa năm 1861.

Chuyên đề triển lãm do Trung tâm Lưu trữ quốc gia II thực hiện nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống lưu trữ Việt Nam (Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành thông đạt số 01 C/VP ngày 3/1/1946).

Triển lãm giới thiệu gần 200 tài liệu lưu trữ quốc gia, gồm: Mộc bản triều Nguyễn – tư liệu di sản thế giới, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV; tài liệu phông Phủ thống đốc Nam Kỳ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II; tài liệu thời kỳ thuộc địa Pháp tại Lưu trữ hải ngoại Pháp (ANOM)… và hình ảnh sưu tập của nhiều cá nhân, nhà nghiên cứu về Sài Gòn – Gia Định.

Công chúng sẽ có dịp nhìn tận mắt các hình ảnh và tư liệu, văn bản Hán Nôm, bản khắc gỗ, văn bản chữ Pháp, tranh khắc, ảnh chụp… liên quan đến vùng đất Nam Kỳ và Sài Gòn từ khi những lưu dân Việt đầu tiên vào khai phá và lập làng vào cuối thế kỷ XVI.

Triển lãm cũng ghi nhận địa danh Cochinchina (Nam Kỳ) chính thức xuất hiện trên bản đồ hải trình của các nhà thám hiểm phương Tây vào thế kỷ 17.

Một loạt văn bản Hán Nôm và mộc bản thể hiện quá trình chúa Nguyễn Phúc Ánh chiếm Gia Định và quy hoạch nơi đây thành kinh kỳ.

Khách tham quan triển lãm trong buổi khai mạc. Ảnh: L.ĐIỀN
Khách tham quan triển lãm trong buổi khai mạc. Ảnh: L.ĐIỀN

Theo dòng lịch sử, sau khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng đánh vào Đà Nẵng năm 1858, đến năm 1859 liên quân này tiến đánh Gia Định.

Triển lãm này giới thiệu một số hình ảnh hiếm thấy về cuộc chiến đánh thành Gia Định năm 1859, hình vẽ cận cảnh trang phục vóc dáng binh lính Pháp và Tây Ban Nha, hình vẽ trận liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công phòng tuyến Kỳ Hòa ngày 24/2/1861, tranh vẽ quân Pháp chiếm pháo đài Rạch Tra năm 1861, pháo đài chùa Kiểng Phước năm 1861, hình vẽ chánh sứ Phan Thanh Giản và thiếu tướng Bonard (Pháp) ký kết hòa ước ngày 5/6/1862…

Tất cả những sự kiện lịch sử trên đã dần đưa Sài Gòn từ một thành thị phong kiến trở thành đô thị của người phương Tây khi rơi vào tay Pháp.

Triển lãm dành một số không gian tiền sảnh của Trung tâm Lưu trữ bố trí các ảnh Sài Gòn xưa, nhìn những hình ảnh chụp đô thị từ hàng trăm năm trước đang hiện diện trên bề mặt công trình hôm nay, sự tương phản mang lại nhiều cảm xúc.

Một góc triển lãm tại tiền sảnh Trung tâm Lưu trữ quốc gia II. Ảnh: L.ĐIỀN
Một góc triển lãm tại tiền sảnh Trung tâm Lưu trữ quốc gia II. Ảnh: L.ĐIỀN

Cảnh sinh hoạt của người dân Sài Gòn cũng được trưng bày với các hình ảnh độc đáo hiếm thấy: Hàng rong của người An Nam trên đường phố Sài Gòn, chợ làng của người An Nam ở Sài Gòn, nông trại của nông dân An Nam, trạm xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn, người dân trên thuyền ở rạch Bến Nghé vào những năm 60 của thế kỷ 19…

Một số công trình của Sài Gòn xưa xuất hiện trong đợt triển lãm này với các góc máy mới lạ: Bến đò của cư dân An Nam năm 1896, nhà tranh bên rạch Thị Nghè đầu thế kỷ 20, đặc biệt là hình vẽ khu phố Sài Gòn đầu thế kỷ 19 nhìn giống như một góc làng quê, toàn cảnh Sài Gòn nhìn từ nhà thờ Đức Bà đầu thế kỷ 20, rạch Bến Nghé thập niên 60 thế kỷ 19, cầu Đa Kao năm 1931, cảnh Kênh Lớn của Sài Gòn năm 1860, đại lộ Charner cuối thế kỷ 19, đại lộ Marins Chợ Lớn năm 1931…

Đặc biệt, dịp này có bức hình bản đồ Sài Gòn và mẫu tàu Franklin do viên sĩ quan hải quân Hoa Kỳ John White vẽ năm 1820 do nhà sưu tập Trần Hữu Phúc Tiến đóng góp.

Không gian triển lãm còn một điểm nhấn thú vị là góc trưng bày các sản vật và gợi lại gian bếp của người Sài Gòn xưa như đèn dầu, các loại gạo, nếp, đậu, mè, cá khô, đòn ngồi, quang gánh…

Công chúng xem triển lãm vào cửa tự do. Triển lãm kéo dài cho đến khi có sự kiện mới.

Dịp này, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II cũng phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV triển lãm chuyên đề: Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới; đồng thời triển lãm chuyên đề: Phái đoàn Quốc hội Việt Nam khóa I thăm hữu nghị Cộng hòa Pháp năm 1946 – Biểu tượng của khát vọng hòa bình.

Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh triển lãm và giới thiệu ấn phẩm: Làn sóng phản đối chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam (1965 – 1973).

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Bản đồ Sài Gòn và mẫu tàu Franklin do John White vẽ, trích từ sưu tập của Trần Hữu Phúc Tiến
Bản đồ Sài Gòn và mẫu tàu Franklin do John White vẽ, trích từ sưu tập của Trần Hữu Phúc Tiến.
Góc trưng bày sản vật và không gian bếp xưa của người Sài Gòn. Ảnh: L.ĐIỀN
Góc trưng bày sản vật và không gian bếp xưa của người Sài Gòn. Ảnh: L.ĐIỀN
Khu phố Sài Gòn đầu thế kỷ 19.
Khu phố Sài Gòn đầu thế kỷ 19.
Chợ làng An Nam ở Sài Gòn.
Chợ làng An Nam ở Sài Gòn.
Bến đò tại Sài Gòn năm 1896.
Bến đò tại Sài Gòn năm 1896.
Cầu Đa Kao năm 1931.
Cầu Đa Kao năm 1931.
Hàng rong trên đường phố Sài Gòn.
Hàng rong trên đường phố Sài Gòn.
Kênh Lớn ở Sài Gòn năm 1860.
Kênh Lớn ở Sài Gòn năm 1860.
Đại lộ Charner (nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ) cuối thế kỷ 19.
Đại lộ Charner (nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ) cuối thế kỷ 19.
Đại lộ Marins Chợ Lớn năm 1931.
Đại lộ Marins Chợ Lớn năm 1931.
Trạm xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn.
Trạm xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn.
Toàn cảnh Sài Gòn nhìn từ nhà thờ Đức Bà đầu thế kỷ 20.
Toàn cảnh Sài Gòn nhìn từ nhà thờ Đức Bà đầu thế kỷ 20.
Dinh Thống đốc giai đoạn 1862 – 1872.
Dinh Thống đốc giai đoạn 1862 – 1872.
Pháp chiếm pháo đài Rạch Tra năm 1861.
Pháp chiếm pháo đài Rạch Tra năm 1861.
Pháo đài chùa Kiểng Phước năm 1861.
Pháo đài chùa Kiểng Phước năm 1861.
Binh lính liên quân Pháp – Tây Ban Nha trong trận đánh Gia Định năm 1859 – 1861.
Binh lính liên quân Pháp – Tây Ban Nha trong trận đánh Gia Định năm 1859 – 1861.

Lam Điền

Theo Tuổi Trẻ Online

 

Link nguồn: https://tuoitre.vn/choang-ngop-voi-tu-lieu-hinh-anh-nam-ky-va-sai-gon-xua-20200103201019544.htm

Cùng chuyên mục