Tìm tre

Một người tình cờ quen trên đường đi, tự giới thiệu là làm nhạc, dân Sài Gòn, hiện cư trú ở Pháp, một năm về Việt Nam vài ba tháng. Ông nói là đã đi hết nông thôn rồi, cảm nhận là có thay đổi nhiều, nhưng căn cốt chưa mất. Tôi không đồng ý và hỏi: Vậy, anh có thấy nông thôn bây giờ mất đi cái gì quen thuộc nhất không? Ông lắc đầu, tôi nói rằng đó là tre. Ông quay nhìn tôi, vỗ vai cái bốp, ừ, đúng, tiếc thiệt.

Hãy chạy về làng mình mà coi đi, mất sạch rồi. Thời buổi của nhựa, sắt, đồ làm sẵn lên ngôi, rồi tấc đất tấc vàng, cá mắm ao hồ sông suối không còn, tre và vật dụng từ tre, lặng lẽ bị con người hóa kiếp, phụ bạc. Nhà cửa, đồ đồng áng, dụng cụ đánh bắt, củi, lá, giường chiếu, ngay cả hồi mới giải phóng ra, xe đẩy con nít làm chi có, người ta đóng xe tre… Tất cả nhìn tre, tựa tre mà sống. Nó đã rời khỏi chúng ta.

Cây tre dần mất đi ở các vùng quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cây tre dần mất đi ở các vùng quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Cứ nhìn ở Quảng Nam, vùng đồng bằng thôi, còn bao nhiêu tre? Ngay cả những khúc sông xung yếu, tre giữ bờ bãi, dần dần cũng mất đi. Nước mình có cái lạ, phá bỏ cho đã đời đi, rồi quay lại làm bảo tàng, khu sinh thái, xúm lại khen, hô hào, nuối tiếc, mà lẽ ra nó đã không xảy ra như thế. Hiển nhiên, sẽ có người cự rằng, để làm chi khi nó vô tác dụng. Ừ, cứ chặt phá đi, để bây giờ ngẩn ngơ, là giấc mơ ngày cũ “Tre xanh/ Xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…” như con cá đã mất là con cá lớn. Lịch sử, ca dao ghi đầy ra đó về tre, in tạc “văn hóa tre” trong tâm khảm người Việt. Mình dân nhà quê, ăn đũa gỗ, đũa nhựa, thấy cái vị tô mỳ Quảng bớt ngon đi, cứ ăn đôi đũa tre đã mòn nhẵn, lên nước, thấy… đã đời.

Mất gần hết rồi. Có lẽ, chặt một cây tre, đem ra quy thành tiền, rẻ quá, nên nó bị coi thường và hủy hoại. Sản phẩm từ tre rẻ, bình dân (dù có một số cá nhân, đơn vị làm tre xuất khẩu), có lẽ đây là yếu huyệt khiến nó chết, bởi dân Việt Nam  lạ lắm, chẳng giàu hơn ai nhưng có tính coi thường bình dân, chẳng giỏi hơn ai nhưng hay bày đặt bác học. Người tiêu dùng quay lưng vì chê nó rẻ, cũng bởi tại người sản xuất thiếu sáng tạo. Đồ dùng từ tre, đơn điệu lắm. Tôi về Bến Tre, ngợp trong nguyên liệu, vật dụng từ dừa. Thân, lá, trái, đủ thứ sản phẩm bền, đẹp, ngon từ dừa ra đời và xuất sang nước ngoài. Còn tre thì có được mấy đâu. Sự nhàm chán của sản phẩm từ tre, khiến người ta không còn ưu ái cho nó phát triển, sinh trưởng và như thế, đường đến hủy diệt chỉ chừng một bước nhảy.

Tôi đọc trên mạng, thấy Việt Nam xếp hạng thứ 7 trên thế giới về tre, nhưng thực trạng từ vùng nguyên liệu đến sản phẩm tre, cứ nhìn trong nước là thấy, èo uột. Nó không được quan tâm đúng mức. Chính mình quay lưng với mình. Nghiên cứu khoa học nông nghiệp từ tre ít ỏi, nên công nghệ chế tác xử lý không có nhiều. Thiếu chiến lược bảo tồn và phát triển, đó là cái gốc của mọi chuyện. Ở Ấn Độ, cây tre là cây xóa đói giảm nghèo. Người ta cũng chứng minh, đất trồng tre không phải giảm đi độ màu mỡ do rễ tre ăn đất như ta nghĩ, mà chính nó đem lại độ mùn, ẩm tốt. Ở Mỹ, có hiệp hội nhiếp ảnh về tre; Canada người ta thi sáng tác kiến trúc tre… Châu Âu, châu Mỹ, châu Phi cũng nhiều tre và họ đặt vấn đề nghiên cứu lâu rồi. Hiệp hội tre thế giới ra đời năm 1991. Đại khái, công nghệ về tre đã làm thay đổi cái nhìn của thiên hạ về tác dụng và vốn quý của tre từ lâu rồi, xuất phát từ việc người ta quảng bá, phát triển nhận thức cộng đồng, khuyến khích phát triển, còn nước mình thì lúc… buồn giở ca dao ra lẩm nhẩm chơi, sách giáo khoa trẻ con vẫn đọc thuộc lòng, nhưng nếu cái đà này, không bao lâu nữa, hỏi cây tre là cây gì, chắc chịu thua.

Trung Việt

Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục