Triển lãm tôn vinh áo dài
Triển lãm Chuyện áo dài giới thiệu tới công chúng những tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh và thời trang.
46 tác phẩm, trong đó có 30 tranh, 10 ảnh và sáu áo dài của nhiều tác giả được trưng bày tại 70 Nguyễn Du từ ngày 26/12 – 6/1/2020. Triển lãm do nhóm G39 tổ chức, mang thông điệp áo dài là câu chuyện, lịch sử của người Việt.
Giám chế Lê Thiết Cương chia sẻ ý tưởng triển lãm bắt nguồn từ tình yêu với trang phục truyền thống dân tộc. Từ những năm 1930, nhà thiết kế Cát Tường cách tân áo tứ thân thành hai thân, tức áo dài. Năm 1938, Nguyễn Gia Trí lần đầu đưa trang phục vào hội họaqua tác phẩm Các thiếu nữ bên hồ sen, chất liệu sơn mài. Sau đó là Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân, Thiếu nữ bên hoa sen của Nguyễn Sáng… Giám chế mong muốn họa sĩ trong nước tăng cường sáng tác nghệ thuật liên quan đến áo dài. Anh nói: “Áo dài quá đẹp. Nếu không đẹp, nó đã chết cả trong đời sống lẫn nghệ thuật. Tôi hy vọng hàng chục năm sau vẫn có nhiều nghệ sĩ đưa áo dài vào trong tác phẩm của mình một cách độc đáo nhất”.
Họa sĩ Nguyễn Minh Hiếu cho biết ý tưởng vẽ áo dài rất đơn giản, từ chính hình ảnh của bà, mẹ đi lễ chùa hay cô bạn người yêu thời cấp hai diện đồng phục. “Áo dài tựa như hơi thở của người Việt Nam nên việc sáng tác không gặp chút khó khăn nào. Những dịp quan trọng, phụ nữ trong gia đình tôi đều mặc trang phục này với niềm tự hào về nét đẹp truyền thống của dân tộc“, anh nói. Triển lãm còn trưng bày những tác phẩm của họa sĩ Võ Lương Nhi, Nguyễn Hồng Phương, Hoàng Phương Liên, Nguyễn Quốc Thắng, Phạm Trần Quân, Lâm Đức Mạnh, Tào Linh, Hoàng Phượng Vỹ, Lê Thiết Cương, Bình Nhi, Lê Thị Minh Tâm.
Triển lãm thực hiện khoảng năm tuần, đa phần tác phẩm sáng tác từ trước, được Lê Thiết Cương tập hợp. Anh gặp nhiều khó khăn khi sưu tầm những bức tranh cũ. “Họa sĩ Lưu Công Nhân qua đời năm 2007. Để có được tác phẩm Thiếu nữ Hà thành (1978) trong triển lãm, tôi phải vào TP HCM thuyết phục một nhà sưu tầm cho mượn tranh và hứa bằng danh dự kết thúc sự kiện trả lại nguyên vẹn“, anh nói. Anh cũng phải thuyết phục con gái cố họa sĩ Nguyễn Bích cho mượn bức Đi chùa (1995) – vẽ bốn vợ con ông mặc áo dài đi lễ chùa.
Chị Hương Huyền (35 tuổi, Cầu Giấy) đánh giá cao khi sự kiện tập hợp được tác phẩm của nhiều tác giả, ở nhiều giai đoạn. “Triển lãm giúp tôi thêm tự hào về tà áo dài của dân tộc Việt Nam. Chúng ta cần có thêm nhiều hoạt động để phát triển và bảo vệ trang phục truyền thống này“.
Ngoài tranh vẽ, sự kiện còn trưng bày bộ ảnh chụp thiếu nữ mặc áo dài của nhiếp ảnh gia Dzungart Nguyen và sáu thiết kế do Nga Cocoon, Trịnh Bích Thủy, Ngô Thị Bình Nhi thực hiện.
Hiểu Nhân
Theo VnExpress
Link nguồn: https://vnexpress.net/giai-tri/trien-lam-ton-vinh-ao-dai-4034148.html