Hiến kế phát triển nông nghiệp bền vững

Chiều 26/12, UBND tỉnh tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới” nhằm ghi nhận ý kiến, tìm kiếm giải pháp ổn định, phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian đến. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội thảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra mô hình của Công ty CP nuôi tôm công nghệ cao QN Tek (Bình Hải, Thăng Bình). Ảnh: V.S
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra mô hình của Công ty CP nuôi tôm công nghệ cao QN Tek (Bình Hải, Thăng Bình). Ảnh: V.S

Nhiều khởi sắc

Thông qua những thành tựu của ngành nông nghiệp đạt được trong giai đoạn 2016 – 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, ngành nông nghiệp của tỉnh đã có sự nỗ lực lớn, qua đó mang lại nhiều thành quả và chuyển biến tương đối rõ nét. Trong đó, giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản toàn tỉnh năm 2019 ước đạt hơn 13.688 tỷ đồng, tăng 1.722 tỷ đồng so với năm 2015. Để đạt kết quả, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được chuyển giao đến nông dân và áp dụng rộng rãi vào sản xuất với quy mô ngày càng lớn.

Ông Trần Bá Cương John – Giám đốc Công ty CP Nuôi tôm công nghệ cao QN Tek (Bình Hải, Thăng Bình) cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ, việc chăm sóc con tôm và tránh được dịch bệnh cho tôm đã giúp tăng năng suất cho các đìa tôm của doanh nghiệp. Từ đó có thể thấy, ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp để ngành nông nghiệp hạn chế được việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón cân đối, hợp lý.

Cần nhân rộng mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa để nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo đầu ra ổn định cho nông dân.Ảnh: V.S
Cần nhân rộng mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa để nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo đầu ra ổn định cho nông dân.Ảnh: V.S

Một điều khá được quan tâm tại hội thảo chính là việc phát triển lâm nghiệp tại Quảng Nam, trong đó cây dược liệu của miền núi đã có những kết quả nhất định. Ông Lê Ngọc Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện Quảng Nam đã trồng được hơn 55.000ha rừng, thực hiện khoán quản lý bảo vệ rừng thông qua các hình thức giao khoán cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư, tổ đội quản lý bảo vệ rừng.

Cùng với đó, việc triển khai cơ chế hỗ trợ phát triển dược liệu như sâm Ngọc Linh, quế Trà My đã có kết quả bước đầu. Hiện nay đã có 6 tổ chức thuê môi trường rừng để trồng sâm với diện tích là hơn 198ha… Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh xuất hiện ngày càng nhiều; mô hình nông nghiệp gắn với phát triển du lịch giúp thay đổi đời sống của nhiều cộng đồng.

Hiến kế vì sự bền vững

Dù bức tranh nông nghiệp khá khởi sắc, nhưng nếu so với mục tiêu và tiềm năng trên địa bàn Quảng Nam vẫn còn rất thấp. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, thời gian tới, Quảng Nam bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển và giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, do vậy, yêu cầu phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần phải được đặt lên hàng đầu.

Tại hội thảo, các đại biểu nhìn nhận nông nghiệp Quảng Nam tuy đang phát triển nhưng vẫn còn nhiều yếu tố chưa bền vững, bị tác động bởi nhiều yếu tố rủi ro cao như dịch bệnh vật nuôi, hạn hán, nhiễm mặn, thiếu tính liên kết. Do vậy chưa tạo được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thiếu tính liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ, dẫn đến khả năng của nhiều loại nông sản còn thấp. Chưa kể, quy mô sản xuất còn manh mún, kinh tế hợp tác, hợp tác xã chưa mạnh. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp nhưng không có quỹ đất, chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất hộ quy mô nhỏ, không đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp cụ thể để ngành nông nghiệp Quảng Nam tiến tới phát triển bền vững, góp phần tái cơ cấu lại ngành trong thời gian đến. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải liên kết và xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, mô hình HTX kiểu mới trong nông nghiệp, tạo sự gắn kết giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp nông thôn, đa dạng hóa thu nhập của cư dân nông thôn.

Đối với giải pháp thúc đẩy quản lý rừng, ông Đào Công Khanh – Phó Viện trưởng Viện Quản lý Rừng bền vững và chứng chỉ rừng chia sẻ, phải tạo ra được sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhóm hộ nông dân, trồng rừng hỗn giao cây bản địa lấy gỗ lớn và cây mọc nhanh lấy gỗ trung bình và nhỏ phục vụ công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Với khai thác thủy sản bền vững vùng ven biển của Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh Tùng – Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản đề xuất giải pháp khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản trên sông Trường Giang và ở các vũng, đầm nước lợ sát biển, hỗ trợ ngư dân ứng dụng chuyển giao công nghệ khai thác tiên tiến, có chính sách tín dụng phù hợp để cá nhân, tổ chức đầu tư vào hoạt động khai thác thủy hải sản và bảo quản sản phẩm khai thác…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ghi nhận các ý kiến đóng góp từ chuyên gia, nhà kinh tế, doanh nghiệp, các đơn vị nhằm đóng góp cho Quảng Nam trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời cho rằng phát triển nông nghiệp gắn với nông thôn mới phải là điểm sáng của Quảng Nam trong thời gian tới.

Văn Sự – Lê Quân

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/nong-nghiep-nong-thon/hien-ke-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-82778.html

Cùng chuyên mục