Đầu tư phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô
Ngày 28/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh làm việc với Sở Du lịch thành phố và các đơn vị liên quan về đề án “Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô”. Đây là đề án nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng tài nguyên du lịch địa phương để tạo sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và tiện ích phục vụ lợi ích công cộng khu vực vịnh Nam Ô, quận Liên Chiểu.
Tạo dựng sản phẩm du lịch mới
Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô” có tổng kinh phí đầu tư khoảng 25,7 tỷ đồng nhằm mục tiêu khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch địa phương, khai thác du lịch kết hợp bảo tồn các di sản văn hóa, giới thiệu các tập quán, sản phẩm làng chài đến với du khách, hình thành khu vực để du khách khám phá, trải nghiệm khi đến với biển Đà Nẵng; tạo điều kiện cho cư dân địa phương tham gia làm du lịch…
Phạm vi nghiên cứu của đề án nằm trong khu vực vịnh Nam Ô và cộng đồng dân cư lân cận thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu với diện tích khoảng 115ha trong đó có dự án Khu du lịch Nam Ô của Công ty CP Trung Thủy nằm xen kẽ trong khu vực nghiên cứu dự án. Khu vực này có 4 lợi thế chủ yếu về thiên nhiên cảnh quan, câu chuyện di tích, làng nghề truyền thống, ẩm thực địa phương.
Theo đó, ngành du lịch thành phố sẽ có các giải pháp khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng tại Nam Ô như xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động kinh doanh tại khu vực trong đó có công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, hỗ trợ về chuyển đổi ngành nghề, về sản xuất kinh doanh sản phẩm lưu niệm, về vay vốn, đào tạo, quảng bá, bảo đảm vệ sinh môi trường, liên kết hợp tác để tạo nên sự phát triển đồng bộ, đa dạng dịch vụ…
Sở Du lịch cũng đưa ra một số sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ khai thác trong đề án như: trải nghiệm bình minh, hoàng hôn ở vịnh Nam Ô trên thuyền thúng với hoạt động đưa du khách đi tham quan, ngắm cảnh bình mình vào sáng sớm và ngắm hoàng hôn vào buổi chiều trên vịnh Nam Ô; tắm biển ở bãi tắm Nam Ô; tham quan, tìm hiểu câu chuyện về các di tích như tại giếng vuông, một di tích văn hóa kiến trúc độc đáo của khu vực Nam Ô, miếu Âm hồn, miếu bà Liễu Hạnh…; hình thành bảo tàng ốc và trải nghiệm các hoạt động văn hóa; tham quan làng nghề truyền thống và thưởng thức ẩm thực địa phương Nam Ô; chụp ảnh tại khu vực ghềnh Nam Ô; dịch vụ lưu trú homestay trải nghiệm tại nhà dân, tham quan làng bích họa; đi bộ tham quan ghềnh Nam Ô…
Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, UBND quận Liên Chiểu rất vui mừng nếu đề án này được thông qua và triển khai. Trong quá trình hình thành đề án, quận đã cùng với Sở Du lịch đi khảo sát thực tế để hình thành các sản phẩm cụ thể trong đề án.
Con đường mòn quanh ghềnh đá hiện mới chỉ có bảng chỉ dẫn và đặt các thùng rác thôi thì chưa đủ. Thông qua đề án nên cải tạo lại con đường này theo đường mòn sẵn có, có thể làm bằng đá hoặc gỗ để lối đi được đẹp đẽ và hoàn thiện hơn nhằm phục vụ du khách trong việc tham quan, ngắm cảnh. Mong rằng các sở, ngành góp ý để đề án sớm thành hiện thực và được triển khai.
Phát triển du lịch nhưng phải bảo đảm môi trường
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, đề án cần đề cập rõ giải pháp khi thành phố và doanh nghiệp cùng đầu tư vào dự án này thì việc khai thác sẽ được triển khai như thế nào, mô hình hoạt động sao cho hiệu quả. Sau đầu tư cần phân cấp quản lý để gia tăng hàm lượng tính chất phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phân tích thêm: trong khảo sát trước kia của Khu du lịch sinh thái Nam Ô thì có 5 di tích nhưng rộng ra cả khu vực đề án thì có tới 9 di tích. Những di tích này đều có mối liên hệ với nhau, vì thế nên liên kết, hình thành cụm di tích trong đề án.
Sau khi ổn định vấn đề quy hoạch của khu vực này thì nên quan tâm đến vấn đề trùng tu, tôn tạo các di tích ở đây. Những di tích nằm ở khu vực đề án này chủ yếu là di tích tâm linh. Hiện nay thành phố cũng chưa đặt vấn đề thu phí trong việc tham quan, chủ yếu tập trung vào trùng tu, tôn tạo phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân địa phương và du khách.
Bên cạnh đó, ông Hà Vỹ cũng cho rằng, trong đề án có sản phẩm “Đi bộ quanh ghềnh Nam Ô”, việc đi bộ sẽ gắn với cầu, đường nhưng hiện nay đề án chưa đề cập khảo sát, hình thành đường đi cho khách đi tham quan. “Có thể là những cây cầu gỗ, hoặc cải tạo, nâng cấp đường đi, cảnh quan… thì chưa đủ cho một sản phẩm tại ghềnh Nam Ô. Cần phải có những sản phẩm mới xác định nhu cầu đầu tư”, ông Hà Vỹ nói.
Trong khi đó, ông Lê Thành Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố cho rằng ghềnh Nam Ô có địa hình khá hiểm trở, có những chỗ có độ dốc cao nên đường đi bộ quanh ghềnh Nam Ô cần có những chỉ dẫn, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho khách khi đi bộ trên ghềnh.
Với các hoạt động dưới nước, vị trí đặt cầu tàu cần có ý kiến của Sở Xây dựng về việc quy hoạch điểm dừng, đón đối với hoạt động dưới nước vì khu vực này nằm trong vùng nước của cảng biển, nên có ý kiến thống nhất của các đơn vị liên quan. Các loại hình vui chơi dưới nước nên nghiên cứu thêm về các quy định để bảo đảm an toàn…
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng An cho rằng, hiện nay các dự án đều đang đi theo hướng tăng trải nghiệm cho du khách, tức là du khách được trải nghiệm các hoạt động văn hóa, ăn uống với người dân địa phương… Do đó, đề án này sẽ tạo được sự mới mẻ cho khách nhưng phải bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc chiến lược Tập đoàn Trung Thủy cho hay, tập đoàn sẽ đầu tư kinh phí và chiến lược để làm đề án này, trong đó có hỗ trợ người dân trong việc phát triển các kỹ năng liên quan đến làm du lịch và sau khi đầu tư sẽ giao lại cho quận và thành phố quản lý. Tuy nhiên cũng cần quan tâm đến các vấn đề như an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách… làm sao không ảnh hưởng đến cảnh quan, thiên nhiên và con người nơi đây.
“Khi đầu tư xây dựng, Tập đoàn Trung Thủy muốn hình thành một cụm du lịch sinh thái trong đó có nhà chờ, có khu dừng chân, tham quan (Bảo tàng Ốc), có trải nghiệm văn hóa địa phương (đi thuyền thúng, tham quan làng nghề)… tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân địa phương như tham gia vào hoạt động chèo thuyền thúng phục vụ khách; Bảo tàng Ốc sẽ trưng bày các sản phẩm liên quan đến ốc biển, có thể trưng bày, bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người dân làm từ ốc…
Chúng tôi mong muốn sẽ xây dựng Nam Ô thành một điểm du lịch ngay trong thành phố gắn liền với thiên nhiên, với văn hóa trải nghiệm địa phương. Tương lai sẽ là một điểm đến thu hút khách, trở thành một phần trong hành trình điểm đến của khách”, ông Thành cho biết.
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Trương Thị Hồng Hạnh đề nghị Tập đoàn Trung Thủy sớm có văn bản gửi cho thành phố đăng ký, cam kết các nội dung sẽ đầu tư cho thành phố, kinh phí sẽ đầu tư, đề xuất các nội dung khai thác…
Sở Du lịch sẽ tổng hợp ý kiến từ các sở, ngành để tham mưu cho UBND thành phố về các nội dung liên quan. Vai trò của UBND quận Liên Chiểu rất lớn, quận nên chủ động vào cuộc, chủ trì phối hợp với các sở, ngành để có kế hoạch triển khai đề án một cách cụ thể, trong đó nêu rõ về các hạng mục kinh phí đầu tư, tiến độ, các sản phẩm sẽ hình thành được quản lý, khai thác ra sao…
Thu Hà
Theo Đà Nẵng Online
Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5404/201911/dau-tu-phat-trien-du-lich-cong-dong-nam-o-3265791/