Không có tiền ai dám vào bệnh viện?
Không có tiền chẳng ai dám vào bệnh viện. Đó là một thực tế từ nhiều năm nay rồi, huống hồ bây giờ khi giá hơn 1.900 dịch vụ y tế đã được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở mới từ ngày 20/8.
Nói gì thì nói, người nghèo không buồn quan tâm đến việc các bệnh viện (BV) trang bị giường nằm tiện nghi đến cỡ nào, họ chỉ biết nếu mình bệnh mà không có tiền thì… cứ ra các nhà thuốc gần nhà khai bệnh mua thuốc uống theo ngày! Bởi vậy các nhà thuốc tây ở Việt Nam đều kiêm luôn việc chữa trị là vậy! Có cầu ắt có cung thôi.
1. Các BV nổi tiếng ở Sài Gòn thường quá tải bệnh nhân, bởi không chỉ có bệnh nhân ở Sài Gòn mà còn bệnh nhân các tỉnh đổ lên mỗi ngày. Các anh chị tôi ở Tây Ninh mỗi lần bệnh nặng đều thuê xe xuống BV Đại học Y Dược (Q.5) từ lúc nửa đêm để bốc số khám chữa bệnh. Mỗi một chuyến xuống Sài Gòn trị bệnh như vậy, anh chị tôi phải vay mượn từ 5 – 10 triệu đồng mới dám đi. Anh rể tôi từng bị lao màng não suýt chết khi chữa trị ở BV tỉnh Tây Ninh và khi quyết định đưa anh xuống BV Phạm Ngọc Thạch điều trị, chị tôi phải vay một cây vàng của ông chú để có tiền chữa trị cho anh. Sau một năm điều trị ở BV Phạm Ngọc Thạch, anh rể tôi khỏi bệnh và đến nay vẫn khoẻ mạnh. Chị tôi thường nói: “Nếu không có tiền đem anh xuống Sài Gòn chữa trị chắc anh đã chết rồi”.
Giữa tháng 8/2019 trên chuyến xe 16 chỗ từ Sài Gòn đến huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào buổi trưa, tôi gặp ít nhất 6 người quê ở huyện Châu Đức vừa đi khám chữa bệnh trở về. Anh bạn ngồi kế bên tôi kể: “Tui bắt chuyến xe đi từ nhà từ lúc 2 giờ sáng, lên BV Bình Dân lúc hơn 4 giờ sáng, ngồi chờ đến 7 giờ mới được khám và nội soi dạ dày, kết quả bao tử chưa loét nhưng có vi khuẩn phải mua bịch thuốc về uống với tổng chi phí hơn 2 triệu đồng”. Hỏi anh sao không mua thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh ở BV tỉnh cho khỏe mà đi Sài Gòn chi cho cực, anh cười: “Nếu mua bảo hiểm y tế tự nguyện thì cũng phải có giấy chuyển viện từ BV tỉnh mới sử dụng được chị ơi, chưa kể khám bảo hiểm y tế bác sĩ cho thuốc dở lắm, uống không hết, thôi thì trả tiền khám dịch vụ cho rồi. Bệnh nhẹ thì tụi tui đến trạm xá chứ bệnh nặng thì lên Sài Gòn, chứ vào BV tỉnh họ giữ lại chữa có khi chết oan đó chị. BV xây to đẹp nhưng ít bệnh nhân lắm”.
2. Người bệnh ở Việt Nam dù có thẻ bảo hiểm y tế thì vẫn có những tình huống không sử dụng được hoặc được trừ cũng chẳng là bao. Ba tôi hơn 80 tuổi, ông được nhà nước phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và khi khám chữa bệnh được ưu tiên khỏi xếp hàng. Nhưng vì thẻ bảo hiểm y tế của ông chỉ định BV huyện gần nhà, khi ông bị thoát vị bẹn và phải phẫu thuật, vì lo sợ ông đã lớn tuổi dễ bị biến chứng, chúng tôi quyết định đưa ông lên Sài Gòn phẫu thuật. Khi đưa ông lên một bệnh viện tư nhân có nhận khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế, chúng tôi phải đóng tiền cọc cho ông 5 triệu đồng lúc nhận giường nằm chờ phẫu thuật. Trước đó tiền khám bệnh cộng với chỉ định thử máu, xét nghiệm các kiểu từ sáng tới trưa của ba tôi là hơn 3,5 triệu đồng. Khi xong ca mổ và hồi phục sau ba ngày nằm bệnh viện, ba tôi được xuất viện và toàn bộ chi phí phải trả là 23,5 triệu đồng, vì bảo hiểm chỉ chi trả 3 triệu đồng.
Một người thầy của tôi tuổi gần 80 cũng bị thoát vị bẹn, dù có bảo hiểm y tế tại BV Nguyễn Trãi nhưng một bác sĩ – học trò của thầy, khuyên thầy nên đến BV Đại học Y Dược TP.HCM để phẫu thuật vì thầy đã từng bị mổ đặt stent mạch vành. Kết quả ca phẫu thuật của thầy thành công nhưng gia đình thầy phải đóng 18 triệu đồng. Thầy bảo: “Tổng cộng ca phẫu thuật của thầy hơn 20 triệu đồng, nhờ có bảo hiểm y tế bớt được mấy triệu, phải đóng 18 triệu đồng”.
Giờ thì hầu như BV nào dù công hay tư cũng chia ra hai kiểu giá khám bệnh khác nhau: giá bình thường và giá dịch vụ. Thậm chí trong giá dịch vụ sẽ còn chia ra tiếp: giá thấp (với bác sĩ thường) và giá cao (với bác sĩ nổi tiếng). Chẳng hạn như trẻ em vào bệnh viện Nhi Đồng 2 khám dịch vụ sẽ có hai lựa chọn: khám dịch vụ 150.000 đồng với bác sĩ thường hoặc 300.000 đồng với bác sĩ là trưởng phó khoa hoặc tiến sĩ giáo sư. Chung quanh khu phố tôi ở chả thấy phụ huynh nào có con dưới 6 tuổi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế miễn phí do Nhà nước cấp mỗi lần cho con đi khám chữa bệnh.
BV Bình Dân còn chia thành hai khu rõ rệt: khu thường và khu chất lượng cao. Khám dịch vụ bên khu thường giá 200.000 đồng, còn khám bên khu chất lượng cao được chọn bác sĩ giá từ 300.000 đồng – 500.000 đồng. Mới đây, một thiếu niên 13 tuổi mà tôi biết khi cần phẫu thuật tái tạo bàng quang giả sau khi bàng quang đã bị cắt bỏ vì khối u ung thư 7 năm trước phải trả chi phí tổng cộng 100 triệu đồng, vì đây là loại phẫu thuật kỹ thuật cao chỉ có BV Bình Dân nhận làm. Sau khi phẫu thuật tái tạo bàng quang xong chừng một tháng mới phát hiện niệu đạo của cậu bé bị hẹp do 7 năm chỉ sử dụng đường ống đưa nước tiểu ra ngoài. Thế là cậu bé phải vào khu kỹ thuật cao của BV Bình Dân để nong niệu đạo vì ông bác sĩ từng phẫu thuật cho cậu bé chỉ làm việc bên khu kỹ thuật cao. Chi phí nong niệu đạo hơn 18 triệu đồng nữa, dù cậu bé có thẻ bảo hiểm y tế dành cho học sinh.
3. Thủ tục đặt tiền cọc khi nhập viện ở các BV hiện nay cũng gây khó cho người bệnh, khiến họ hoặc không dám bệnh hoặc lờ bệnh khi trong túi không có tiền. Trẻ em bị ung thư vào khoa Nhi BV Ung Bướu TP.HCM phải đặt tiền cọc 3 triệu đồng. Còn cậu bé phải tái tạo bàng quang như tôi kể trên khi phải nong niệu đạo, lúc nhập viện làm thủ tục đã phải đóng tiền cọc 20 triệu đồng. Sau khi cháu xuất viện, BV tính toán trả lại cho cha cậu bé hơn 1 triệu đồng. Tôi dù có thẻ bảo hiểm y tế thì khi đi khám chữa bệnh thông thường cũng phải thủ sẵn trong túi vài triệu đồng. Bởi tiền khám bệnh 150.000 đồng, khi trình thẻ bảo hiểm chỉ được bớt có 33.000 đồng, siêu âm 245.000 đồng được bớt 42.100 đồng, xét nghiệm máu mỗi loại gần 200.000 đồng được bớt khoảng 60.000 đồng… Còn nếu nặng hơn phải nhập viện thì phải có sẵn trong túi 5 triệu đồng để đặt cọc.
Có khi chỉ vì không có vài triệu đồng đặt cọc nằm viện mà người ta có thể lờ đi căn bệnh ung thư đang phát triển ở giai đoạn đầu, để mặc nó phát triển đến mức di căn rồi chết. Có khi chỉ vì không có 3 triệu đồng đặt cọc để đưa con vào BV Ung Bướu chữa trị, người mẹ nghèo sẽ ngậm ngùi đưa con về hốt thuốc nam, thuốc cây cỏ… uống cầm cự cho qua ngày. Và đó là thực tế đáng buồn mà đáng lẽ ngành y tế Việt Nam phải quan tâm sửa đổi chứ không phải chỉ chăm chú vào việc nâng cấp các phòng bệnh trong các BV công có đủ tiện nghi nhằm thu hút nhóm khách bệnh nhân có tiền. Bởi có một điều khôi hài là cho dù phòng nằm ở bệnh viện sang đến mấy – thậm chí tiện nghi như khách sạn 5 sao thì thử hỏi có ai thích vào bệnh viện để nằm? Và nếu chỉ dựa vào việc trang bị phòng nằm cho bệnh nhân tiện nghi như khách sạn thì ngành y tế có đủ sức thu hút nhóm khách có điều kiện lựa chọn ra nước ngoài chữa trị với hy vọng khỏi bệnh nhờ chất lượng điều trị chuẩn quốc tế?
Thái Lan đã chăm sóc sức khỏe toàn dân như thế nào? Mặc dù không nằm trong số các nền kinh tế giàu nhất thế giới, Thái Lan đã thành công trong việc giới thiệu một hệ thống y tế có giá cả phải chăng, cải thiện mạnh mẽ sức khỏe của người dân. Các cải cách sâu rộng trong đó chăm sóc sức khỏe được tài trợ thông qua thuế đã biến đất nước này trở thành nơi đáng học hỏi về hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân. Năm 2001, Thái Lan đã giới thiệu Chương trình bảo hiểm toàn cầu (Universal Coverage Scheme – UCS), được mô tả là “một trong những cải cách chăm sóc sức khỏe đầy tham vọng nhất từng được thực hiện ở một nước đang phát triển”. Được tài trợ thông qua thuế, UCS đặt gánh nặng chi phí lớn nhất lên những người có khả năng chi trả cao nhất. Do đó, những người hưởng lợi lớn nhất của chương trình này là những người có thu nhập thấp nhất, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Các khoản tài trợ công cộng khác bao gồm Chương trình phúc lợi y tế công chức (CSMBS), Chương trình bồi thường lao động (WCS) và Chương trình an sinh xã hội (SSS). Trong một thập niên kể từ khi UCS được giới thiệu, mối tương quan giữa nghèo đói và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh Thái Lan đã biến mất. Đến năm 2011, chương trình UCS bao phủ 48 triệu người Thái, tương đương 98% dân số. Công dân Thái Lan có thẻ Sức khỏe bảo hiểm toàn cầu (Universal Coverage Health card) do Văn phòng An ninh Sức khoẻ Quốc gia (NHSO) cấp sẽ được điều trị miễn phí các dịch vụ ngoại trú, nội trú và cấp cứu. Sự thành công của hệ thống UCS Thái Lan là bằng chứng cho thấy việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn cầu cho người dân là điều có thể làm ở các nước thu nhập trung bình thấp. Và UCS Thái Lan là một mô hình bảo hiểm y tế toàn dân một cách hiệu quả mà những nước khác có thể học hỏi. Bài học ở Thái Lan là một hệ thống y tế được nghiên cứu kỹ lưỡng với sự lãnh đạo tận tâm có thể cải thiện sức khỏe người dân với một giá hợp lý. (Tổng hợp từ World Economic Forum, Expat và The Guardian) |
Anh Mi
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh