Mưa lớn gây hư hại rau, hoa
Các đợt mưa lớn liên tiếp từ cuối tháng 10/2019 đến nay đã gây thiệt hại về rau, hoa khiến nhiều hộ dân rất lo lắng, nhất là khi cái Tết đang cận kề.
Đợt mưa lớn vào đầu tháng 11 đã làm các luống rau mùi, thơm, quế, húng, cải, muống… của bà Lê Thị Xảo trồng ở vùng rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) bị hư hại. Sau đợt mưa kéo dài từ ngày 10 đến 11/11, thêm các luống hành cũng bị úng và khó có thể hồi phục. Cả 5 luống rau tần ô mới trồng cũng bị trôi và bà phải lên lại luống mới để xuống giống.
“Hành lá và các loại rau màu khác bị hư hại nặng vì mưa nhiều quá. Cả vườn rau gần 1.000m2 đất của tôi bị hư hại hết. Thiệt hại tiền mua hạt giống và phân bón thì ít mà tốn công thì nhiều vì phải làm lại đất mới để xuống giống tiếp”, bà Lê Thị Xảo nói.
Mưa lớn làm ngập úng diện tích 500m2 đất trồng rau má, muống, khoai lang, ngót của bà Trần Thị Chiến ở vùng rau La Hường. Bà Chiến phải đội mưa tranh thủ cắt rau má, muống, khoai lang… còn non ở khu vực cao ráo đem ra chợ bán vì chỉ cần mưa thêm 1 buổi là bị úng, hư hại toàn bộ.
“Nhà nông lấy công làm lời nên phải tranh thủ ra thu hoạch được chút nào hay chút đó kẻo mưa tiếp là hư hại toàn bộ. Trồng rau hết đất rộng 500m2 mà bây giờ thu hoạch chỉ được 2 gánh rau”, bà Chiến buồn bã nói.
Hiện có khoảng 30% diện tích vùng rau La Hường được trồng rau trước vụ đông. Nhiều diện tích rau bị thiệt hại nặng qua các đợt mưa lớn từ cuối tháng 10 đến nay. Các luống mới gieo hạt bị trôi giống.
Các giàn mướp đắng, mướp ngọt, bầu… đều bị héo lá, quả còn non cũng bị hư hại do ngâm trong nước. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hộ trồng rau, do việc thi công kè chống sạt lở vùng rau La Hường ở khu vực hạ lưu kênh Phong Bắc có cao trình đỉnh kè cao hơn mặt đất và chỉ bố trí vài ống thoát nước có đường kính nhỏ nên nước mưa chậm thoát, bị ứ đọng. Sau này, khi nhiều người cùng xuống giống rau vụ đông, nếu gặp mưa lớn, sẽ càng bị thiệt hại nặng vì ngập úng…
Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn La Hường cho biết: “Hiện có ít hộ trồng rau và gặp thiệt hại do mưa. Qua ngày 23-10 âm lịch, nhiều hộ trồng rau sẽ đồng loạt xuống giống rau vụ đông. Còn về kè chống sạt lở vùng rau, chúng tôi đã có ý kiến với phường Hòa Thọ Đông cũng như đơn vị thi công về phản ánh, kiến nghị của các hộ trồng rau liên quan đến cao trình đỉnh kè”.
Trong khi đó, tại vùng rau an toàn Túy Loan Tây (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), các đợt mưa lớn vừa qua không gây thiệt hại nặng do nước sông Túy Loan chưa dâng lên ngập vùng rau, nhưng cũng có khoảng 200m2 đất trồng đậu bắp bị thiệt hại.
“Nhìn chung, các hộ trồng rau thiệt hại không đáng kể. Chúng tôi dự kiến sẽ vận động toàn bộ các thành viên hợp tác xã cùng trồng rau vụ đông ngay sau ngày 23-10 âm lịch”, ông Bùi Dũng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) DVSX-TT Rau an toàn Túy Loan cho hay.
Trong các đợt mưa lớn vừa qua, các vùng hoa Tết trên địa bàn thành phố không bị ngập nước nhưng mưa nắng thất thường làm nhiều cây hoa cúc bị úa vàng, chết hoặc chậm lớn.
Tại vườn hoa cúc bên đường Nguyễn Hữu Thọ của các hộ dân ở phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), có hơn 200 chậu cúc đại đóa bị úa vàng với tỷ lệ từ 30 – 50%. Trong ngày 11/11, tranh thủ ngớt mưa, các hộ dân xới đất để chống úng và nhổ bỏ các cây hoa bị úa vàng, trồng dặm thêm cây vào chậu.
Ông Trần Bình (phường Hòa Cường Bắc) cho hay: “Chúng tôi trồng hoa được gần 2 tháng nhưng thời tiết nắng và mưa lớn đột ngột làm nhiều cây cúc đại đóa bị chết. Nếu trời mưa còn kéo dài thì sẽ có nhiều cây hoa bị úng”.
Trong khi đó, tại vườn hoa cúc pha lê, kim cương, rạng đông ở tổ 25, phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), nhiều cây hoa cúc non bị đợt mưa rất to vào rạng sáng 2/11 làm dập lá, gãy cành non.
Đến ngày 10/11 thì tiếp tục bị gió mạnh và mưa lớn kéo dài, nguy cơ làm cây chậm lớn. “Mong trời sớm dứt mưa để xới đất, bón phân, thúc cho cây lớn, bù vào khoảng thời gian bị ảnh hưởng”, ông Trần Văn Chinh, một người trồng hoa ở đây nói.
Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho hay, có rất ít diện tích trồng rau trước vụ đông và đều trồng ở nơi cao ráo nên thiệt hại về rau trong các đợt mưa lớn vừa qua là rất thấp. Hiện nay, các địa phương đã xuống giống hoa cúc với số lượng hàng chục ngàn chậu.
“Sắp đến, huyện Hòa Vang sẽ triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2019 – 2020 với diện tích trồng rau chuyên canh khoảng hơn 45ha và trồng hơn 300.000 chậu hoa các loại phục vụ Tết Nguyên đán. Ngay sau ngày 23/10 âm lịch, nhiều nông dân sẽ xuống giống rau, hoa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo lắng là thời tiết sẽ có nhiều đợt mưa lớn ngay từ đầu vụ Đông Xuân”, ông Nguyễn Văn Lý nói.
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, hiện các đơn vị, địa phương đang thống kê thiệt hại về hoa màu do ảnh hưởng bởi các đợt mưa lớn.
Qua ghi nhận ban đầu, thiệt hại về hoa màu nhỏ vì thời điểm này chưa đến vụ sản xuất chính, diện tích trồng trọt ít. Mặt khác, tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp nên khuyến cáo nông dân khoan vội trồng trọt để tránh những thiệt hại. Sở cũng đang chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương chuẩn bị chu đáo việc triển khai tổ chức sản xuất vụ đông xuân.
Đà Nẵng vẫn còn mưa lớn trên diện rộng Chiều 11/11, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho hay, do ảnh hưởng của cao lạnh lục địa suy yếu kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên trong ngày 12/11, thành phố Đà Nẵng tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Tổng lượng mưa dự báo tại huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ phổ biến từ 20 – 50mm, có nơi trên 60mm; tại quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn từ 30 – 50mm, có nơi trên 70mm; tại quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu từ 30 – 50mm, có nơi trên 70mm. |
Bài & ảnh: Hoàng Hiệp
Theo Đà Nẵng Online
Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5404/201911/mua-lon-gay-hu-hai-rau-hoa-3264879/