Khi Ngũ Hành Sơn đã mất cái view trăm năm!
Khách tham quan chùa Linh Ứng đều có chung một niềm tiếc nuối: cái view rất đẹp hướng ra biển của ngôi chùa cổ trên Ngũ Hành Sơn đã biến mất!
Ngôi cổ tự có view đẹp nhất Ngũ Hành Sơn
Chùa Linh Ứng trên ngọn Thủy Sơn của Ngũ Hành Sơn, là một trong những ngôi chùa cổ nhất của danh thắng quốc gia này và cũng là một trong những chùa cổ nhất ở Đà Nẵng.
Cũng cần phải nói một chút đến lịch sử hình thành ngôi chùa này. Một vị đến ẩn tu khoảng nửa đầu thế kỷ XVII đã lập ra một thảo am trước động Tàng Chơn, gọi là Dưỡng Chơn am, sau đó tu sửa thành chùa và đổi tên thành Dưỡng Chơn đường. Trong một lần đến Ngũ Hành Sơn, vua Gia Long đã cho xây lại quy mô hơn và đổi tên thành Ngự chế Ứng Chơn tự.
Đến năm 1825, thời vua Minh Mạng, chùa được xây dựng lại bằng gạch ngói khang trang hơn, được sắc phong Quốc tự và đổi tên thành Ứng Chơn tự. Vào năm 1891, khi ngự giá đến Ngũ Hành Sơn viếng chùa và tổ chức trai đàn cầu quốc thái dân an, vua Thành Thái sợ chữ “Chơn” phạm húy đến một vị vua triều Nguyễn (là vua Dục Đức cha của mình) nên đã đổi tên chùa thành Linh Ứng tự.
Chùa được xây dựng lại sau khi bị bão tàn phá năm 1901. Sau bao năm, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu và nhất là hai bảng vàng do vua Minh Mạng và vua Thành Thái sắc phong là Ngự chế Ứng Chơn tự Minh Mạng lục niên (phong Quốc tự năm Minh Mạng thứ 6 – năm 1825) và Cải chế Linh Ứng tự Thành Thái tam niên (đổi tên thành chùa Linh Ứng năm Thành Thái thứ 3 – 1891).
Bên phải chùa Linh Ứng có một mỏm đá lớn nhô ra, nằm cao hơn chùa. Nơi đây có tấm bia bằng sa thạch, khắc 3 chữ lớn Vọng Hải đài và mấy chữ Hán nhỏ Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật tức bia được lập vào ngày tốt, tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837). Đây là nơi có thể nhìn ra biển Đông bao la, thấp thoáng ngoài khơi xa là Cù Lao Chàm. Vọng Hải đài, cùng với Vọng Giang đài đã góp phần giúp cho danh thắng này trở nên độc đáo hơn khi cùng trên một ngọn núi có hai nơi để ngắm biển và sông. Hầu như ai đến Ngũ Hành Sơn cũng đều muốn được nhìn ngắm cảnh chung quanh từ những vị trí này.
Thật ra, với nhiều khách du lịch đến với Đà Nẵng sau này, dễ bị nhầm lẫn là Đà Nẵng chỉ có chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà. Đây là ngôi chùa hoành tráng nhưng được xây dựng sau cùng, là một trong 3 ngôi chùa mang tên Linh Ứng ở Đà Nẵng mà tổ đình đầu tiên là ngôi Linh Ứng tự nằm ở Ngũ Hành Sơn. Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính, linh thiêng nhất thành phố Đà Nẵng, ẩn chứa trong đó nhiều câu chuyện tâm linh nhuộm màu sắc huyền bí, để rồi theo thời gian, trở thành địa chỉ tâm linh quan trọng của người dân quanh vùng.
Có hai con đường bậc cấp dẫn lên núi: đường ở cổng phía Tây dẫn lên chùa Tam Thai với 156 bậc cấp và đường ở cổng phía Đông dẫn lên chùa Linh Ứng có 108 bậc cấp được xây dựng từ thời vua Minh Mạng. Ngày nay, hai con đường này vẫn còn được giữ gìn và hầu hết du khách lên Thủy Sơn đều lên theo cổng phía Tây và đi xuống ở cổng phía Đông. Cho nên, hành trình xuống núi luôn được lựa chọn sau khi viếng chùa Linh Ứng, ngắm biển từ chùa.
Với những ai từng đến hòn Thủy Sơn của Ngũ Hành Sơn, từng leo cả trăm bậc tam cấp để đến cổng tam quan của chùa Linh Ứng, đều phải trầm trồ trước view tuyệt đẹp từ cổng tam quan chùa nhìn ra biển. Chùa cổ trên núi thì nhỏ thôi, không gian chùa không quá rộng, men theo địa hình của sườn núi, nhưng không gian phía trước chùa thì rất thoáng. Sau khi bạn vừa trải qua một hành trình leo núi khá mệt, được đứng dưới vòm cổng tam quan, thả tầm mắt ra biển cả bao la phía trước thì quả là cảm giác thật dễ chịu và thư giãn.
View trăm năm đã mất, và…
Một thời gian rất dài, hàng trăm năm qua, trước khi chùa Linh Ứng Bãi Bụt được xây dựng, nếu muốn được ngắm biển Đông từ một ngôi chùa trên núi ở xứ Đà, thì người ta chỉ có thể leo núi lên Linh Ứng Non Nước. Đâu dễ kiếm một ngôi chùa được vua đến chơi, ban chữ, vinh danh và chọn làm chốn vọng hải đài như ngôi chùa này!
Vì thế, khi trở lại nơi này, không ít du khách đã ngạc nhiên và ngao ngán khi tình trạng xẻ thịt bờ biển làm mất lối xuống biển, mất bãi tắm công cộng ở Đà Nẵng có ngày lại ảnh hưởng trực tiếp đến ngôi cổ tự linh thiêng này. Đối diện tầm nhìn của chùa, nay đã là một công trình cao ốc sừng sững. Khá lạ là chiều cao xây dựng các resort, công trình ven biển vốn luôn bị khống chế theo quy định nhưng công trình nằm ngay ngã 3 đường Trường Sa – Huyền Trần Công Chúa che chắn tầm nhìn của chùa Linh Ứng này là một trong những công trình góp phần nhấn chìm, làm những ngọn núi Non Nước lọt thỏm giữa một rừng bê tông lớn nhỏ.
Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn đã được Bộ VH – TT&DL công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia từ rất lâu. Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn cũng được quy hoạch từ rất lâu, ì ạch mãi vẫn chưa tới đâu. Sau 10 năm, dự án này đã nhiều lần được Đà Nẵng mời gọi đầu tư nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia, nhưng những công trình các loại xung quanh nơi này thì được xây dựng với tốc độ chóng mặt.
Cụm danh thắng quốc gia đặc biệt này vẫn không ngừng đứng trước nguy cơ bị đe dọa bằng nhiều hình thức trong nhiều năm qua! Cách đây khá lâu, việc xây dựng thang máy lên Ngũ Hành Sơn, mà điểm đến là ngay hông chùa Linh Ứng, cạnh ngôi tháp Xá Lợi, đã hứng nhiều dư luận khác nhau.
Một thời gian dài những ngọn núi này bị phá để lấy đá, đến mức từng có những vụ đá rơi rất nguy hiểm. Sau khi bị cấm khai thác đá từ những năm 90, cụm 5 ngọn ngũ hành này tưởng chừng được yên thân hơn nhưng có đứng ở Vọng Giang đài hay bất cứ nơi đâu trên đỉnh ngọn Thủy Sơn, bạn sẽ thấy 5 ngọn núi như bị bao vây chằng chịt bởi nhà cửa và rừng bê tông khô khốc chung quanh. Sự mở rộng các con đường, tốc độ đô thị hóa của một nơi từng là vùng ven đô thị đã khiến cá cụm núi lọt thỏm nhỏ nhoi trước sự chen chúc dày đặc của các khu dân dư chung quanh.
Nhất là kể từ khi con đường Lê Văn Hiến chạy trước Ngũ Hành Sơn và con đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc chạy phía sau, áp sát rạt danh thắng này khiến những hòn non bộ xinh đẹp của xứ Đà vốn luôn thanh tịnh, bình yên này mỗi lúc như những ốc đảo lẻ loi giữa rừng bê tông đô thị. Và bây giờ, đến khoảng không gian đẹp đẽ hướng biển còn sót lại ấy cũng bị “xâm lăng” nốt!
Bỗng thấy, di tích quốc gia đặc biệt này sao mong manh quá đỗi!
Bài & ảnh: L.M.Hạ