Chuyển động mới ở vùng Tây Thăng Bình
Huyện Thăng Bình đang huy động các nguồn lực, có cơ chế chính sách hỗ trợ để khơi dậy tiềm năng, tạo động lực phát triển vùng Tây.
Sôi động
Các xã vùng Tây Thăng Bình đang triển khai nhiều hoạt động kinh tế – xã hội sôi nổi. Ở xã Bình Phú, cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động các tầng lớp nhân dân tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu từ nay đến năm 2020. Đây là mô hình điểm của cả huyện nói chung.
Ông Lê Văn Phú – Bí thư Đảng ủy xã Bình Phú cho biết, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tựu trung lại vì mục đích giúp người dân phát triển mạnh kinh tế, tăng chất lượng cuộc sống. Theo đó, địa phương cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển hợp tác xã (HTX), cơ giới hóa nông nghiệp. Xã tập trung xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Sản xuất hàng hóa chủ lực là cây lúa gắn với chuyên canh các vùng trồng tiêu, các loại cây dược liệu.
Là nông dân sản xuất giỏi – ông Nguyễn Đức Tâm (thôn Đức An, xã Bình Phú) cho biết: “Từ thành công bước đầu của mô hình kinh tế vườn, tôi đang tiếp cận các chính sách hỗ trợ của huyện để nâng lên thành kinh tế trang trại với đầu tư trồng tiêu, nuôi bò, nuôi cá nước ngọt, nuôi thỏ, gà, vịt”. Trong năm này, với đầu tư 250 choái tiêu, nuôi gà, vịt, gia đình ông Tâm đã thu lợi xấp xỉ 200 triệu đồng.
Ở xã vùng tây khác của huyện Thăng Bình là Bình Chánh, việc tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa lớn bằng cơ giới hóa cũng đang được địa phương chú trọng triển khai ở 2 thôn Mỹ Trà và Ngũ Xã với tổng diện tích 79ha. Sau khi tích tụ, tập trung ruộng đất, đường giao thông nội đồng, kênh thủy lợi được đầu tư khá đồng bộ. Đặc biệt, người dân hiến hiến 1.205m2 đất để phục vụ đắp đường, xây kênh thủy lợi, qua đó, sản xuất nông nghiệp ngày càng thuận lợi hơn.
“Trên địa bàn đã hình thành những thửa đất lớn, xóa dần những thửa đất nhỏ lẻ. HTX Nông nghiệp Bình Chánh đã xây dựng được sân phơi lúa, đang trình phương án để UBND huyện phê duyệt xây dựng 720m đường bêtông giao thông nội đồng và gần 1km kênh bê tông thủy lợi. Chúng tôi cũng đã liên kết với Công ty Giống Thái Bình sản xuất giống ĐV108 ở vụ đông xuân và vụ hè thu năm nay khá đạt, năng suất lúa và giá trị kinh tế mang lại cao hơn nhờ ổn định đầu ra” – ông Nguyễn Xuân Vũ – Chủ tịch UBND xã Bình Chánh nói.
Tạo đà phát triển
Theo ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, vùng tây đang từng bước hình thành các cánh đồng tập trung, cánh đồng mẫu lớn để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu vào các loại cây trồng như lúa, bắp, đậu phụng, rau, đậu các loại. Tiến bộ kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học từng bước được ngành chức năng tập huấn, chuyển giao giúp người dân ứng dụng như canh tác, tăng năng suất, sản lượng. Bà con nông dân đã áp dụng chương trình “3 giảm 3 tăng” trong sản xuất lúa, ứng dụng cơ giới hóa vào trong khâu làm đất, thu hoạch.
Các mô hình sản xuất khác như bún khô, bánh đa nem, nuôi bò, nuôi gà thả vườn, trồng nấm, cây dược liệu, trồng tiêu, trồng rừng sản xuất cũng phát triển từng bước. Hiện nay, vùng tây Thăng Bình có 3 sản phẩm OCOP nổi bật là cao chè vằng Bình Phú, bánh tráng Bình Trị và bột ngũ cốc Bình Định Bắc. Tuy vậy, các ngành công nghiệp ở vùng tây chưa phát triển đúng tiềm năng, chủ yếu là chế biến gỗ rừng trồng. Thương mại – dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân song chưa lớn mạnh nên huyện sẽ có quy hoạch tổng thể, phát triển theo lộ trình và cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Ông Phan Công Vỹ – Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, địa phương đang huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển vùng tây bền vững, tập trung phát triển trên mọi lĩnh vực. Các yếu tố hạ tầng sẽ được xây dựng đồng bộ để kết nối liên vùng, tạo đà phát triển. Trong trồng trọt, ngân sách địa phương hỗ trợ người nông dân trồng cây dược liệu, cây ăn quả, cây tiêu với mức 10 – 25 triệu đồng/ha. Về chăn nuôi, hỗ trợ nuôi gà vùng đồi với mức 30 triệu đồng/mô hình, nuôi gà trên nền đệm lót sinh học với mức 10 triệu đồng/mô hình, nuôi bò nhốt bán thâm canh với mức 50 triệu đồng/mô hình. Các nông hộ còn được hỗ trợ đầu tư máy móc phục vụ chăn nuôi với mức 12 triệu đồng/máy.
Về trồng rừng gỗ lớn khai thác sau 10 năm tuổi trở lên, ngoài hỗ trợ 8 triệu đồng/ha theo cơ chế của tỉnh, huyện hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/ha. Đối với trồng cây dược liệu dưới tán rừng, hỗ trợ 20 triệu đồng/ha với diện tích từ 2 – 5 ha. Đối với trồng mây dưới tán rừng, địa phương hỗ trợ 15 triệu đồng/ha với diện tích 2 – 5 ha. Để khơi thông thế mạnh thương mại, dịch vụ, Thăng Bình hỗ trợ các địa phương kinh phí nâng cấp chợ Bình Định Bắc, Bình Lãnh, Bình Trị, Bình Quế… Các nhà đầu tư cũng được huyện hỗ trợ xây dựng cửa hàng xăng, dầu, siêu thị mini.
Việt Nguyễn
Theo Quảng Nam Online