Mỹ cảm Mỹ Sơn
Trong khúc Tưởng niệm Văn Cao, khi nhà thơ Ngô Minh viết:
Đời gọi ông Tiếng – Gà – Báo – Thức
Ông là rớt hồn thu
Ông bên trời giọt Tháp
Ông sum suê như mùa,
người ta đã tự hỏi, có mối dây liên hệ nào giữa người nhạc sĩ Thiên Thai nổi tiếng với Tháp Chàm kia không? Còn ông, nhà thơ Văn Cao, trong những ngày cuối đời khi đi qua miền Trung nắng cháy đã thấy ở miền đất nhọc nhằn này:
Từ trời xanh
rơi
vài giọt Tháp Chàm
Hình ảnh sắc đỏ gạch nung mang thần thái kiến trúc duy mỹ vĩnh hằng thành một nốt nhạc “rơi” và “giọt” trong thơ ông, người ta có thể trả lời: ngọn nguồn sự liên hệ quen thuộc và lạ lùng kia chính là nghệ thuật!
Giờ đây, nhân loại mới có thể nhận diện ít nhiều được lộ trình – vận mệnh của một dân tộc mạnh mẽ vào bậc nhất của Đông Nam Á xa xưa mà nay chỉ còn trong cổ sử và huyền thoại. Vẫn còn đấy cả một nền nghệ thuật vừa hùng vĩ, vừa duyên dáng, vừa mang nặng tính hư ảo, vừa đầy vẻ phồn thực với những Thành Lồi (Huế), Mỹ Sơn, Đồng Dương (Quảng Nam), Đồ Bàn (Bình Định), tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà), tháp Po Klong Garai, Pôrômê, Hòa Lai (Ninh Thuận)…
Amaravati là tên gọi xưa của một vùng đất Quảng Nam được bi ký Chàm nhắc đến như là trái tim của vương quốc Champa trong nhiều thế kỷ. Tiểu vương quốc này được thành lập bởi Bhadravarman, trị vì vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV.
Dựa theo quan niệm Hindu về sự hình thành các tiểu quốc trong mandala Champa, mỗi tiểu quốc được hình thành dựa vào một Ngọn núi thiêng, tượng trưng cho thần Siva; và một Dòng sông thiêng tượng trưng cho nữ thần Ganga, vợ thần Siva. Dọc theo dòng sông thiêng này mỗi tiểu quốc thiết lập ba trung tâm trọng yếu, đó là Cửa biển thiêng; nơi giao dịch buôn bán, trung tâm hải thương; Thành phố thiêng, nơi cư ngụ của vua và hoàng tộc, trung tâm vương quyền; Ðất thiêng, nơi thờ tự thần linh và tổ tiên, trung tâm thần quyền.
Căn cứ vào những yếu tố địa lý và những di tích lịch sử của Champa ở địa bàn Quảng Nam ngày nay, ta có thể tìm thấy mô hình về sự hình thành của một tiểu quốc được bộc lộ như sau: Ngọn núi thiêng là núi Mahaparvata/Đại Sơn Thần hay núi Răng Mèo; Dòng sông thiêng Ganga hay sông Thu Bồn; Cửa sông hay cảng-thị là Đại Chiêm Hải Khẩu/Cửa Đại tọa lạc ở vùng Hội An; Hoàng thành là Simhapura/Thành phố Sư tử ở vùng Trà Kiệu; Thánh đô là Srisanabhadresvara hay Mỹ Sơn.
Dựa vào ngọn núi thiêng Mahaparvata nghĩa là Ðại Sơn Thần, nay gọi là núi Hòn Ðền Mỹ Sơn, Ðại vương Bhadravarman đã chọn thung lũng Mỹ Sơn làm đất để thờ phượng đấng thần-vua/devaraja Bhadresïvara – Đấng bảo hộ vương quyền và xứ sở.
Đây là khu di tích tôn giáo kỳ vĩ nhất, đặc trưng nhất của người Champa, được xây dựng liên tục trong suốt hơn 1.000 năm. Được khởi công từ thế kỷ IV bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho nhiều giai đoạn lịch sử Champa. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các đền tháp phần lớn quay về hướng Đông – phương mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh; ngoại trừ một vài tháp quay về hướng Tây hoặc cả hai hướng Đông – Tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.
Mỹ Sơn là một thung lũng hẹp tượng trưng cho một tiểu Mandala, nên những Kalan ở Mỹ Sơn vừa xoay về hướng Đông, vừa xoay về hướng Tây. Kalan chính thờ một bộ linga-yoni, được bao quanh bởi sáu ngôi đền nhỏ nằm đối xứng nhau, thờ các vị Hộ Thần Bát Phương Thiên / Dikpalakas như: Phương Đông, thần Sấm Sét Indra; Phương Đông – Nam, thần Lửa Agni; Phương Nam, Diêm Vương Yama; Phương Tây, thần Nước Varuna; Phương Tây – Nam, thần La-sát Nairrta; Phương Tây – Bắc, thần Gió Vayu; Phương Bắc, thần Tài Lộc Kuvera; Phương Đông – Bắc, đấng Tự Tại Is’ana.
Kalan Mỹ Sơn B1 là trung tâm của khu đền tháp Mỹ Sơn, thờ linga của thần – vua Bhadresvara. Bao quanh B1 là những đền-tháp khác như: tháp lễ vật/tháp lửa; tháp chứa nước thánh tẩy; đền thờ thần Chiến tranh Skanda và thần Hạnh phúc Ganesa, hai vị con trai của thần Siva và nữ thần Parvati. Trên hai cửa sổ có tháp trang trí hai cặp voi tượng trưng cho nữ thần Gaja Lakshmi/nữ thần Sắc Ðẹp và Thịnh Vượng; còn trên mái có tháp dựng hình thần Visnu ngồi dưới rắn Naga nhiều đầu.
Ngoài ra, có nhóm tháp có bảy ngôi đền nhỏ, thờ bảy vị thần Tinh tú Grahas như: Thần Mặt Trời/Surya, với con ngựa; Thần Mặt Trăng/Candra, với toà lâu đài; Thần Hỏa Tinh/Mangala, với con tê ngưu; Thần Thủy Tinh/Budha, với con thiên nga; Thần Mộc Tinh/Brhaspati, với con voi; Thần Kim Tinh/Sukra, với con bò đực; Thần Thổ Tinh/Sahni, với con trâu.
Ðền tháp ở Mỹ Sơn được xem như tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo Champa. Ngôi đền chính hay Kalan là kiến trúc quan trọng nhất trong quần thể đền-tháp. Kalan tượng trưng cho một tiểu vũ trụ. Theo quan niệm của Ấn Ðộ giáo, Kalan có 3 phần: Ðế tháp gọi là Bhurloka tượng trưng cho thế giới trần tục; Thân tháp gọi là Bhuwarloka tượng trưng cho thế giới tâm linh, nơi con người tự thanh tịnh chính mình để có thể tiếp xúc với tổ tiên đã hòa nhập với thần linh; Mái tháp gọi là Swarloka tượng trưng cho thế giới thần linh, nơi chư thần tụ tập.
Vẻ đẹp của khu đền tháp Mỹ Sơn được bộc lộ qua những kiểu thức kiến trúc đa dạng, những kiểu cách hoa văn trang trí độc đáo, kỹ thuật xây dựng được cải tiến liên tục qua nhiều thế kỷ đã đi đến chỗ hoàn thiện. Những kiểu thức hoa văn đã tạo cho đền tháp Champa một tiết điệu kiến trúc đặc sắc, mang lại vẻ đẹp nên thơ, giàu nhạc tính…. Hai bên cửa chính của tháp trang trí những trụ cửa bằng sa thạch chạm trổ hình cánh sen cách điệu thành những kiểu thức đa dạng, hình dáng của những trụ cửa này là một cống hiến độc đáo của nền kiến trúc Champa vào nghệ thuật Ðông Nam Á đương thời.
Tuy chỉ xây dựng những công trình có kích thước vừa phải, nhưng những kiến trúc ở Mỹ Sơn đã chắt lọc được mỹ cảm tinh tế và tài hoa của nghệ sĩ Champa qua nhiều thế hệ. Kết hợp với một kỹ thuật xây dựng hoàn hảo và nghệ thuật trang trí điêu luyện, người xưa đã khéo tạo cho đền-tháp ở Mỹ Sơn một vẻ đẹp tráng lệ và trang nghiêm.
Thời gian và chiến tranh đã khiến những kiến trúc của Mỹ Sơn bị tàn phá nặng nề. Tuy không còn nguyên vẹn nhưng những gì còn lại vẫn biểu hiện đây là di tích duy nhất thể hiện vũ trụ quan và tín ngưỡng của người Champa cổ.
Vẻ đẹp, giá trị văn hóa và tín ngưỡng độc đáo của Mỹ Sơn có thể so sánh với những di tích quan trọng khác ở Ðông Nam Á như Borobudur (thế kỷ thứ VIII-IX của Indonesia); Angkor (thế kỷ XI-XIII của Cambodia); Vat Phu (thế kỷ thứ IX-XIII của Lào); Pagan (thế kỷ XI-XIII của Myanmar).
Vương quốc Champa cổ từng có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng. Họ tôn thờ Nữ Thần Mẹ của vương quốc là Pô Inư Nagar theo truyền thống tín ngưỡng Mẫu hệ lâu đời của cư dân Đông Nam Á. Sau khi tiếp nhận những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, tôn giáo chính thống của người Champa là Ấn Độ giáo, thờ một hay cả ba vị Thần của Tam vị nhất thể là Brahma – Visnu – Siva. Tuy nhiên người Champa tôn sùng thần Siva hơn cả. Siva được xem là Chúa tể của muôn loài, là cội rễ của nước Champa. Thần Siva thường được thờ bằng ngẫu tượng sinh thực khí nam (linga).
Thần Siva là một phức thể huyền bí trong thần thoại Ấn Độ. Trong nghệ thuật điêu khắc Champa, Siva là vị thần mười cánh tay đang múa điệu Tandarva, có khi ngài là vị thần cưỡi bò Nandin với hai mươi tám cánh tay cầm nhiều loại vũ khí khác nhau,… Có nhiều hình ảnh cho Siva khác nhau như sự biến thiên kỳ ảo của Ngài trong huyền thoại, nhưng nổi bật lên ở hình tượng của ngài là sức mạnh can trường, là huỷ diệt để tái tạo,…
Cùng với hình ảnh những vị thần linh, thế giới nghệ thuật đậm chất duy mỹ này còn có một loạt các hình ảnh khó quên, đó là những thiên nữ Apsara. Bên cạnh những con bò đá nằm canh giữ vòm trời tinh tú cứ trầm tư như một nhà hiền triết, không chịu ngủ yên trong kiếp đá muôn đời, những thiên nữ apsara như đang nhảy điệu luân vũ tràn đầy gợi cảm và sắc màu hoan lạc trần thế… Các vũ nữ Trà Kiệu, các thiên nữ Apsara có phong cách nghệ thuật tương đồng với điệu múa thiêng Tandarva của thần Siva, biểu tượng cho sự vận động của sinh diệt miên viễn của vạn vật. Linh nghiêm mà gần gũi, trừu tượng mà vẫn xác thực, huyền nhiệm mà xao xuyến,… đó là những gì của dòng chảy mỹ cảm từ thế giới nghệ thuật đền tháp Mỹ Sơn đã đem lại cho chúng ta ngày hôm nay.
Ngày nay, trong ánh bình minh hoặc chiều tà, hay trong những đêm đầy trăng sao, du khách đến Mỹ Sơn, hãy đi từ đông sang tây, và trầm tư lắng nghe, sẽ cảm thấy như Mỹ Sơn vẫn còn chuyển động. Những thân thể đá như bước ra từ đền tháp để rập rờn những điệu múa nghê thường, những thần linh còn đi lại trên vòm trời để giữ cho mặt đất sự bình an.
Đêm đêm, thần Krisna đánh xe ngựa về làng múa hát với mục đồng và chơi dùa với những cô thôn nữ xinh đẹp. Thần Siva cưỡi con bò Nandin lang thang trên các triền đồi và những làng mạc để canh giữ ma quỷ. Thần Brahma cưỡi con thiên nga lông trắng, thần Visnu cưỡi chim thần Garuda từ ngọn núi thiêng bay khắp xứ sở để cứu giúp những linh hồn đau khổ. Thỉnh thoảng trong đêm, người ta thấy những ánh lửa từ rừng rậm bay về múa lượn trên đền tháp và nghĩ rằng đó là những vị cao tăng ẩn cư xuất hồn đi dạo… Ngồi ngắm sao trời và suy ngẫm về sự vận hành của vũ trụ, của các tinh tú, du khách sẽ thấy gần gũi thân mật với thiên nhiên, và hình như giữa con người và thiên nhiên không còn phân cách. Trong giây phút tĩnh lặng ấy, du khách sẽ nghe thiên nhiên và nghệ thuật đền tháp Mỹ Sơn lên tiếng.
Hoa lá trên những vòm cửa đền tháp như xanh rờn lại, và những ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, bò thần Nandin, voi, sư tử, mặt nạ Kala, rắn thần Naga cùng với những vũ nữ, nhạc công như đang vẫn quây quần với chư thiên đứng hộ trì cho các ngôi đền với khuôn mặt thành kính và thanh tịnh. Xa xa là những thuỷ quái Makara, những ngọn lửa thiêng bập bùng cháy dưới một vũ trụ bao la và huyền bí. Trên Núi thiêng Đai Sơn, thần Siva đang ngồi thiền định… Sự sống vũ trụ cơ hồ như vẫn tuôn chảy qua những dòng sông, qua ánh sáng ngân hà,…
Vào lúc bắt đầu bình minh, rừng Mỹ Sơn chầm chậm sáng lên, một thứ ánh sáng non nớt bao trùm lên cảnh vật và đền tháp. Những ngọn tháp Mỹ Sơn giống như vừa được tắm gội, những viên gạch lấp lánh sáng, và ửng hồng dần trước bình minh. Khi ấy du khách hãy đi thật chậm quanh cái đền thờ theo chiều quay trái đất từ đông sang tây. Đi như thế nhiều vòng, du khách sẽ thấy những hiện tượng đặc biệt xảy ra trong nội tâm… Có người thấy mình như một kẻ lữ hành cô độc vất vưởng trong thế giới lạ lùng của đền tháp, trong ảo ảnh của thung lũng, cây cỏ và núi rừng.
Đâu đó trong không gian vọng lên tiếng trống Ginăng, Paranưng, tiếng kèn Saranai, và cả lời người con gái Chăm Nhờ-va nói với chàng trai Chăm Chum-ây ngày nào: “Thần linh sẽ đổ chì nóng vào miệng em nếu em nói yêu anh… nhưng em đã bao lần nói như thế và sẽ mãi nói như thế”.
Trong nhiều thế kỷ, Mỹ Sơn từng là nơi hành đạo, thánh tẩy tâm hồn của người dân Champa. Giờ đây, trước dòng lưu chuyển cuồn cuộn của đời sống hiện đại, người ta lại trở về trước những ngọn tháp, đứng bên cạnh những thiên thần, vũ nữ, cây lá và thú vật sống động trên đá để tắm mình trong một thế giới huyền thoại, để đắm mình trong suy tư, và để tìm kiếm những xúc cảm từ một nền nghệ thuật điêu khắc hùng vĩ mà duyên dáng, mang nặng tính hư ảo mà thấm đẫm vẻ đẹp phồn thực.
Mỹ cảm Champa lúc ấy dường như được hồi sinh trong dáng hình Mỹ Sơn, dáng hình của một thánh địa uy nghiêm, kỳ vĩ mà lãng mạn bay bổng lạ thường.
Tuệ Lãng
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh