Lo ngại thực phẩm không an toàn
Triển khai thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Trung Thu, ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Bất an với bánh trung thu
Cơ sở sản xuất bánh kẹo Sáu Tư do ông Lưu Văn Vui (thôn Dưỡng Mông Tây, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) làm chủ đã không tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh ATTP. Ông Vui có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tuy nhiên giấy xác nhận công bố về chất lượng sản phẩm bánh trung thu đã hết hạn từ… tháng 5/2017.
Cơ sở này có 4 lao động nhưng chỉ có 2 người có giấy khám sức khỏe định kỳ. Về điều kiện thực hành sản xuất bánh trung thu, khu vực sản xuất sắp xếp, bố trí lộn xộn, không đảm bảo vệ sinh. Các dụng cụ, thiết bị trực tiếp tiếp xúc với bánh, kẹo sản xuất chưa được vệ sinh sạch sẽ. Bánh kẹo thành phẩm chưa được che đậy mà để lăn lóc dưới sàn nhà, ruồi nhặng bám đầy. Công nhân không được trang bị bảo hộ lao động, cơ sở không có chỗ để thay bảo hộ lao động. Bao bì sản phẩm bánh kẹo trung thu không có công bố hợp quy. Bao bì các loại bánh kẹo không ghi rõ các thành phần, nguyên liệu sản xuất bánh kẹo, không công bố trọng lượng sản phẩm…
Ông Trần Bốn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản (Sở NN&PTNT) trao đổi cụ thể với ông Vui về các sai phạm và ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động. Ông Lưu Văn Vui cam kết sẽ hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục và khắc phục các sai phạm để có thể tái sản xuất bánh kẹo, đảm bảo ATTP, bảo vệ người tiêu dùng.
Vào cuộc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra ATTP dịp Tết Trung Thu của UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của huyện Thăng Bình đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường của tỉnh xử phạt hành chính, tiêu hủy các loại bánh trung thu xuất xứ Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP. Ông Trương Công Thuận – Phó Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, một cơ sở tạp hóa ở thôn Hà Bình (xã Bình Minh) đã bán các loại bánh trung thu Trung Quốc nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Ông Đoàn Ngọc Sơn – quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi buộc phải xử phạt hành chính cơ sở tạp hóa ở xã Bình Minh và tiêu hủy các loại bánh trung thu được nhập lậu về từ Trung Quốc. Các loại bánh này rất nguy hiểm vì không đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP nhưng lại trông rất bắt mắt, giá rẻ nên người tiêu dùng rất dễ bị đánh lừa”.
Theo Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, đơn vị đang tập trung các nguồn lực để kiểm tra vận chuyển, sản xuất kinh doanh các nguyên liệu làm bánh trung thu như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, nước đường, trứng muối… để kịp thời xử lý, ngăn chặn các sai phạm. Công tác hậu kiểm ATTP đối với mặt hàng bánh trung thu cũng được chú trọng để bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt, chú ý kiểm tra các loại bánh trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, tự làm, không công bố chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Thực phẩm không an toàn
Tại khu phố chợ Nam Phước, đoàn công tác của tỉnh do Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản dẫn đầu đã kiểm tra cơ sở tạp hóa Văn Phú Hải, phát hiện, xử lý nhiều sai phạm về bán hàng thực phẩm không đảm bảo các tiêu chuẩn ATTP.
Cụ thể, cơ sở đã bán nhiều mặt hàng thực phẩm không có nhãn mác hàng hóa, không ghi cụ thể ngày sản xuất, hạn sử dụng. Hàng thực phẩm của Thái Lan được bày bán nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Nhiều thực phẩm là bánh, kẹo, dăm bông, bò khô, mứt… được bố trí, sắp xếp, bảo quản không đúng quy định.
Ông Văn Phú Hải buộc phải tiêu hủy nhiều mặt hàng không đảm bảo ATTP và khắc phục các vi phạm nói trên. “Nhiều khi mình bán hàng thực phẩm mà không biết rõ các quy định. Chúng tôi sẽ khắc phục các thiếu sót để kinh doanh thực phẩm bài bản, lâu dài, đáp ứng các quy định, bảo vệ người tiêu dùng” – ông Hải nói.
Đi kiểm tra ở chợ Nam Phước (Duy Xuyên), đoàn công tác đã phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh chả không an toàn. Cụ thể, chả được bày bán không ghi chủ cơ sở sản xuất, không có ngày sản xuất, không có hạn sử dụng. Đoàn công tác đã nhắc nhở các tiểu thương bán chả phải tuân thủ các quy định về kinh doanh ATTP, đồng thời lấy mẫu chả, gửi kiểm nghiệm các thành phần bên trong để có hình thức xử lý thỏa đáng với chủ cơ sở sản xuất chả đã cung cấp sản phẩm cho các tiểu thương bán ở chợ Nam Phước. Đáng nói, toàn bộ thịt heo được bán ở chợ Nam Phước đều không có dấu kiểm dịch chứng nhận ATTP.
Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP Quảng Nam đã xây dựng, triển khai Kế hoạch số 112/KHBCĐLNVATTP về thanh tra, kiểm tra ATTP trong dịp Tết Trung Thu năm 2019. Mục đích kế hoạch là đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, ưu tiên tập trung các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Trung Thu. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. |
Ông Nguyễn Thiện – Trưởng ban Quản lý chợ Nam Phước cho rằng, thịt heo không có dấu kiểm dịch thì không đảm bảo các quy định về ATTP. Ban Quản lý chợ Nam Phước chỉ có thể tuyên truyền, vận động các tiểu thương bán thịt heo cần phải đưa heo vào mổ ở các cơ sở giết mổ tập trung, được lăn dấu kiểm dịch nhưng bất cập ở chỗ do buôn bán nhỏ lẻ nên các tiểu thương giết mổ… tự túc, không thực hiện kiểm dịch.
Trao đổi với đoàn công tác, ông Nguyễn Thiện nói: “Chúng tôi không có chức năng xử phạt các tiểu thương không đáp ứng các điều kiện về bán thịt heo đảm bảo ATTP. Mong các lực lượng chức năng của tỉnh vào cuộc, xử phạt mạnh tay, đưa việc buôn bán thịt heo vào nền nếp”. Ông Trần Bốn cho rằng, cần phải rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ, chức trách của các ngành chức năng, ban quản lý chợ để có thể tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh có giải pháp chấn chỉnh tình trạng bán thịt heo không đảm bảo ATTP.
Việt Nguyễn
Theo Quảng Nam Online