Sông phố, sông quê

Cùng chung một dòng nhưng từng quãng sông lại mang những “phận đời” khác nhau. Con sông cũng tựa đời người, chảy từ quê xuống phố rồi hòa mình ra biển cả, phải trải nhiều khúc quanh co.

Vu Gia – Thu Bồn là hệ thống sông lớn nhất ở xứ Quảng, bao đời nay cả hai đều uốn lượn qua những làng quê thanh bình để rồi vắt ngang qua và trở thành “trái tim” của các đô thị nhộn nhịp. Từ vài thế kỷ trước khi mà đô thị còn là khái niệm xa lạ, những dòng sông dềnh dàng con nước chính là nơi quần tụ cư dân và hình thành những điểm nhấn sôi động mà điển hình nhất là chợ. Nương vào sông Thu Bồn, một thời chợ Trung Phước, Bến Dầu, hay Phú Thuận dập dìu kẻ mua, người bán. Chợ quê – đó là chỗ mộc mạc của dân quê, của người dân ở lưng chừng nguồn mua bán, trao đổi vì miếng cơm, manh áo hàng ngày. Càng xuôi về hạ du, hoạt động mua bán trên sông Thu càng náo nhiệt hơn, nhất là tại Hội An và dần dần chợ phát triển thành thương cảng.

Một đoạn sông Vu Gia chảy qua Đại Lộc. Ảnh: Q.TUẤN
Một đoạn sông Vu Gia chảy qua Đại Lộc. Ảnh: Q.TUẤN

Có lẽ quãng thời gian từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 là những tháng ngày buồn nhất của các dòng sông xứ Quảng. Ở buổi giao thời và thay đổi của tự nhiên, hai dòng Vu Gia – Thu Bồn đã bị tác động mạnh mẽ dẫn đến nhiều biến động. Những gánh hát ở hạ lưu hai dòng sông này như: Bàu Toa (Quảng Nam), La Bông, Cổ Mân (Đà Nẵng) hết thời hưng thịnh và tan rã, nhiều điểm chợ một thời tấp nập trên bến dưới thuyền cũng vãn dần kẻ bán, người mua. Sông ở phố cũng như quê dần mất đi vị thế của mình bởi sự ra đời của cơ sở hạ tầng hiện đại. Ngay cả những con sông nối phố với phố như Trường Giang, Cổ Cò cũng dần hiu hắt và chỉ còn là nơi dân vạn chài rong ruổi gõ cá, thả tôm qua tháng ngày.

Rồi qua thăng trầm thời gian, sông trở lại với vai trò là điểm nhấn không thể thiếu cho cả làng quê lẫn phố thị. Nhưng đâu đó, ta vẫn thấy cách ứng xử với sông theo từng khúc, từng đoạn mà nó đi qua vẫn có sự khác biệt mà nôm na gọi là “sông phố” và “sông quê”. Điều dễ nhìn thấy nhất là khúc sông qua phố được “nâng niu” hơn và trở thành biểu tượng của cả một đô thị. Sông Hàn là trung tâm cảnh quan của TP.Đà Nẵng, luôn là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên được cân nhắc trong nhiều bản quy hoạch của đô thị này. Nói như TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn tại hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị Đà Nẵng”: “Dù muốn phát triển theo hướng nào thì Đà Nẵng cũng cần phải chú trọng đến việc giữ bản sắc đặc trưng của đô thị biển – sông – núi hiếm có của mình để tạo ra một đô thị đẳng cấp quốc tế”. Ngược về đầu nguồn, Vu Gia hằng ngày vẫn trầm mặc len lỏi qua các ngôi làng nhỏ, bến đò cũ để mang con nước về cho sông Yên đổ ra sông Hàn.

Sông vẫn thế không có gì thay đổi nhưng càng ngày giá trị của nó càng tăng lên. Nhiều khu đô thị mới, khu du lịch ở thành phố hay vùng ven đô dần muốn nương vào sông để phát triển, để thu hút khách hàng. Những lời chào mời mua bán căn hộ, đất đai đều ra rả “ven sông”, “hướng ra sông” hoặc mỹ miều hơn trong tên gọi đặt thêm từ “river” để mong lọt vào mắt xanh của thượng khách. Dần dà khái niệm bảo tồn, cải tạo những con sông ra đời và cả “tây” lẫn “ta” bắt tay vào chỉ để những dòng sông chảy trong lành như thủa sơ khai của nó. Sông phố, sông quê đều cùng chung một mạch nguồn, ta đâu chỉ “chăm chút” cho những dòng chảy êm đềm nơi phố thị mà cũng cần nhìn về con nước nơi đầu nguồn. Những “tổn thương” của sông quê dần dà khiến sông phố không còn trong xanh, thơ mộng nữa.

Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục