Nỗi lo ngập úng ở Tam Kỳ
Mùa mưa lụt năm 2019 đã cận kề, nhiều người dân tại TP. Tam Kỳ lại bắt đầu lo lắng tình trạng ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Trong khi hạn hán kéo dài, diễn ra trên diện rộng trong thời gian gần đây thì nhiều nông dân tại khối phố Phú Ân, phường An Phú (TP. Tam Kỳ) lại chịu cảnh ngập úng đồng ruộng. Nguyên nhân là dự án đường Duy Tân nối dài và khu tái định cư cầu Kỳ Phú 1 và 2 (giai đoạn 1) thực hiện đã ngăn dòng thoát nước của các cánh đồng ở khối phố Phú Ân. Ông Trần Minh Quang, người dân ở đây cho biết, ông có đám ruộng hơn 500m2 nằm ở cánh đồng bên cạnh khu tái định cư cầu Kỳ Phú 1 và 2, nhưng từ năm 2014 đến nay luôn bị ngập úng. “Khi làm đường Duy Tân, nay là đường Tam Kỳ – Tam Thanh, các đơn vị thi công có xây dựng một cống thoát nước với 4 cửa, rộng hơn 10m chảy thẳng ra đám ruộng của tôi và một số hộ dân khác khiến khu vực này bị ngập nước quanh năm, không còn canh tác được nữa. Đến mùa mưa, cống lại không đủ để thoát nước nên cả cánh đồng luôn bị ngập úng” – ông Quang nói.
Không chỉ riêng các hộ dân tại khối phố Phú Ân mà hiện nay nhiều người dân trên địa bàn TP.Tam Kỳ cũng lo lắng tình trạng ngập úng tại đồng ruộng hay tại các khu dân cư do nhiều công trình giao thông được xây dựng. Đặc biệt, các tuyến đường chạy theo hướng đông tây cắt ngang dòng chảy của các con sông tại Tam Kỳ vốn chảy theo dọc theo hướng bắc nam trước khi đổ ra biển. Ngoài hai tuyến đường ĐT 616 và đường Tam Kỳ – Tam Thanh, mới đây tuyến đường Điện Biên Phủ vừa hoàn thành như một tuyến đê ngăn cản dòng đường thoát trên các sông Bàn Thạch, sông Kỳ Phú thoát xuống phía hạ lưu. Đây là nguyên nhân dẫn đến ngập úng tại các cánh đồng của phường Tân Thạnh, An Phú, Phước Hòa, Hòa Hương trong những năm trước đây.
Theo báo cáo của UBND TP. Tam Kỳ, hiện có nhiều khu dân cư và một số tuyến đường trên địa bàn có cao trình thấp hơn mực nước sông nên khi có mưa lớn và triều cường thì nước ngập úng không thoát được. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng công trình cao dẫn đến việc giảm mạnh khả năng thấm tự nhiên và chiếm diện tích chứa nước. Cụ thể, nhà ở riêng lẻ được xây dựng từ năm 2000 đến năm 2018 là 9.312 nhà (chiếm diện tích tương đương 93,12 ha), khu công nghiệp Tam Thăng đã xây dựng 70% với diện tích 200ha, đường đê sông Bạch Đằng, khu dân cư ADB chiếm 21,215ha, khu dân cư đông Tân Thạnh chiếm 10,9ha, trạm xử lý nước thải phường Hòa Hương 19ha… Cạnh đó, hệ thống thoát nước và chống ngập úng của Tam Kỳ hiện đã xuống cấp, việc duy tu bảo dưỡng, vận hành hệ thống thoát nước chưa được thực hiện tốt, nhiều nơi bị lấn chiếm, san lấp trái phép cùng với tình trạng xả rác trái phép đã ảnh hưởng đến dòng chảy của các sông, hồ.
Trước mùa mưa lụt năm nay, UBND TP. Tam Kỳ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập úng ở các cánh đồng, khu dân cư làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo đó, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng thành phố triển khai hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong khu vực nội thành. Một số vị trí chưa khớp nối thoát nước đang được đầu tư khớp nối, đồng thời nâng cao trình một số khu dân cư và các tuyến đường như Nguyễn Văn Trỗi, ĐT 615. Việc nạo vét, khơi thông dòng chảy các sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, Tam Kỳ cũng đã được UBND thành phố đề xuất khẩn trương thực hiện để tạo hướng thoát nước tốt ra cửa biển An Hòa, đảm bảo không ngập úng ở phía đông thành phố.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang – Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ, các ngành chức năng của thành phố đang rà soát, đánh giá lại tác động, ảnh hưởng quá trình đô thị hóa khu vực phía đông thành phố gây ra hiện tượng ngập úng cho các khu đô thị hiện hữu. “Trên địa bàn Tam Kỳ đang xây dựng một công trình quản lý lũ lụt quan trọng, đó là tuyến đê sông Bàn Thạch do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Khi công trình hoàn thiện với cao trình theo thiết kế là 4,55m sẽ ngăn được mực nước sông Bàn Thạch 2,9m. Khi có mưa lụt xảy ra hệ thống đập tiến hành đóng các cửa ngăn triều và vận hành hệ thống bơm để hạ cao trình nước trên các kênh chính khu vực nội thành nên sẽ đảm bảo không ngập úng cục bộ tại khu vực nội thành phía tây thành phố” – ông Quang nói.
Xuân Trường
Theo Báo Quảng Nam Online