Sống cùng nghề
Bước sang tuổi 90, đôi mắt đã nhòe, tai nghe đã kém, nhưng họ vẫn đau đáu với nghề, tựa như cái nghiệp vận vào người không thể dứt được, để rồi qua bao thăng trầm thời gian, thấm vào máu thịt…
1. Ở cái làng Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) này không ai không biết ông Đỗ Khá. Hơn 13 tuổi đã theo cậu học nghề đan thúng chai. Gần 80 năm gắn bó với nghề, ông không còn nhớ đã đan bao nhiêu chiếc thúng. “Năm ni 91 tuổi rồi, nên chừ chỉ làm cho vui thôi chứ không chuyên nghiệp như mấy năm trước. Mai mốt chắc cũng bỏ” – ông Khá tâm sự. Trước đây, nghề đan thúng rất phổ biến ở Cẩm Kim, nhưng rồi đời sống đổi thay, thợ bỏ nghề dần, lớp trẻ hầu hết qua phố làm du lịch. Cả làng hiện chỉ mình ông Khá còn giữ nghề, nhưng sức khỏe yếu, nên ai đặt mới làm.
Theo ông Khá, đan thúng cung đoạn nào cũng khó, từ chọn tre, đốn tre, vót nan, lận vành, trét phân, dầu rái… Đơn cử, nan vót dày quá thì cứng không đan được, mỏng quá thì thúng mau hư. Tuy nhiên, chọn vành và lận vành được xem là khó nhất, cả bụi tre đôi khi chỉ chọn được vài cây tre, nếu tre nghịch mắt khi lận vành sẽ bị gãy. Chưa kể, nan đan thúng phải chọn tre già tháng Giêng, đốn về ngâm bùn và chỉ vót lấy nan cật (vỏ tre). Đan xong thúng, quét phân trâu phơi khô cho bít các kẽ hở mới quét dầu rái. Nghề này, chuyện đứt tay chảy máu, dằm xóc là thường tình, nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. Để đan một chiếc thúng nhỏ (đường kính khoảng 1,2m), chỉ riêng vật liệu đã tốn 12 cây tre già, thời gian hoàn thành 15 ngày, giá bán 3 triệu đồng. Với thúng lớn đường kính 1,6m, hết 20 cây tre, công đan 30 ngày nhưng giá bán chỉ cỡ 6 triệu đồng.
Ông Đỗ Văn Sung, con trai ông Khá ở kề bên, thấy cha có khách cũng lân la sang góp chuyện. Ông Sung kể, hồi trước bên Duy Vinh cũng có nhiều người đan thúng nhưng bây giờ hầu hết đã bỏ đi làm hồ. Nếu có, chỉ vài người biết một hai cung đoạn như đan, uốn hoặc lận vành chứ không thể làm được tất cả công đoạn, thành ra hiếm thợ. “So với hồi xưa, bây giờ khách đặt thúng nhiều, nhưng không dám nhận. Như bên Cẩm Thanh, mỗi năm đặt cả trăm chiếc để chở khách du lịch tham quan rừng dừa, nhưng thợ đâu mà nhận. Cái khó của nghề này là không có máy móc nào hỗ trợ được, nên bây giờ ổng chỉ biểu diễn cho khách du lịch xem thôi, chứ đan bán làm kinh tế thì không được mấy đồng” – ông Sung nói.
Ông Khá ngồi im lặng mắt nhìn ra ngõ, thỉnh thoảng, ông với tay xếp lại mấy cái đục gõ hoặc vun lại bó nan bên cạnh cho gọn gàng.
2. Hơn 10 giờ sáng, xuất hiện hai vị khách châu Âu cùng hướng dẫn viên đạp xe ghé vào nhà. Không nói không rằng, ông Khá nhanh nhẹn ngồi xuống tiếp tục công việc với tấm nan đan dở. Những vị khách nước ngoài cũng kéo ghế ngồi đối diện chăm chú quan sát, gật gù ra điều thích thú. Đoạn, người đàn ông xin phép được đan thử, ông Khá vui vẻ ngồi nhích sang bên, đồng thời hướng dẫn vị khách lận, gõ từng chiếc nan sao cho khít. Hai du khách sau đó được ông Khá dẫn ra vườn xem những chiếc thúng đang trưng bày nơi đây, chừng 20 phút cặp vợ chồng người nước ngoài rời đi, cô hướng dẫn viên không quên dúi vào tay ông Khá 2 tờ 10 nghìn đồng.
Như đoán được thắc mắc của tôi ông Khá nói như phân bua: “Mình già rồi, nên bây giờ làm vui là chính, được đồng nào hay đồng đó, coi như vận động tay chân cho khỏe, chứ ở không thì mệt lắm”.
Tôi chợt nhớ đến vợ chồng cụ Ngô Thiều (104 tuổi), người có hơn 70 năm theo nghề xí mà (chè mè đen). Hôm khai trương điểm tham quan trình diễn nghề xí mà tại nhà cụ ở Hội An mới đây, dù tai đã nặng, mắt đã mờ nhưng ông bà vui lắm. Nhìn kẻ ra người vào bà cứ cười móm mém. Đến khi trình diễn cho khách thưởng thức hai người như hoạt bát, khỏe mạnh hẳn lên. Bà sốt sắng xay bột mè, ông múc chè cho khách, đôi tay vẫn nhanh nhặn như thuở còn gánh thùng xí mà đi khắp phố. Dường như với họ, xí mà đã là máu thịt, chỉ cần nhắc đến là mọi mệt mỏi của tuổi già đều tan biến. Dù không nói ra, nhưng trong đôi mắt hấp háy của cụ tôi như bắt gặp được niềm tự hào khi cái nghề mà vợ chồng ông gắn bó cả đời nay đã được tôn vinh, kế tục. Không chỉ vậy, xí mà còn được nâng tầm lên một “đẳng cấp” khác, sang trọng hơn để du khách khắp nơi tìm đến.
Tôi hỏi ông Khá: “Mai mốt mất nghề ông tiếc không?”. Ông cười hề hề: “Tiếc cho nghề, nhưng không thể bắt con cháu theo được”. Với ông, gần một đời theo nghề cũng là quá đủ. Bởi, cái nghề chi mà nặng nhọc, vất vả quá; trét phân trâu, dầu rái gặp mưa không phơi được cũng lo, nắng quá cũng khổ, nói chung cầm cái rựa di đốn cây tre đã là khổ chứ nói chi đến vót nan đan thúng, nhưng lời lỗ, thu nhập chẳng bao nhiêu. “Nghề ni đủ ăn chứ không dư được, nên con cháu không đứa mô theo nghề, mà cũng đừng theo nữa” – ông Khá nói. Trong số 11 người con ông Khá không ai theo nghề thật, kể cả ông Sung nhà gần bên cũng không mặn mà với nghề đan thúng.
Lúc tôi chào ra về, ông Sung khoe: “Năm ngoái thành phố qua làm hồ sơ để phong tặng nghệ nhân cho ông già, họ làm kỹ lắm nhưng lâu nay không thấy động tĩnh gì. Hy vọng là sớm được cho ổng vui, chứ tuổi già sống chết thất thường ai biết được”. Đêm chuyện này trao đổi với một cán bộ thuộc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An thì được biết, trường hợp ông Khá, kể cả ông Ngô Thiều vẫn chưa đủ chuẩn để xét hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận nghệ nhân, do không đáp ứng các tiêu chí quy định như có thành tích nổi bật hay giấy khen của địa phương…
Di sản Hội An không chỉ là kiến trúc phố cổ mà còn có những giá trị văn hóa phi vật thể, là những ngành nghề, những con người gắn liền với cuộc sống để tạo nên cái hồn cho phố. Và, với những người như ông Đỗ Khá, ông Ngô Thiều, họ không chỉ xứng đáng là nghệ nhân mà đã thật sự là những con người di sản, những chứng nhân lịch sử trong tiến trình phát triển của Hội An qua gần thế kỷ.
Vĩnh Lộc
Theo Quảng Nam Online