Xóm xuất khẩu lao động
Một xóm nhỏ ở thôn 2 (xã Tiên Lãnh, Tiên Phước) được người dân gọi là xóm xuất khẩu lao động, bởi hơn chục thanh niên trong xóm đã xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. Niềm vui, mồ hôi xen lẫn nước mắt trong những câu chuyện của người trong cuộc.
1. Là gia đình nông dân có đến 8 người con, ông Huỳnh Anh cùng vợ làm việc cật lực vẫn không đủ nuôi con. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng vợ chồng ông Anh vẫn quyết tâm cho con cái học hành đến nơi đến chốn, đứa nào ông cũng khuyên nên học hết lớp 12 rồi… tính tiếp.
Bên cạnh nhà có người cháu của ông Anh, trong thời gian vào Nam đi làm đã biết đến một số người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản. Có dịp về quê, cháu ông Anh khuyên gia đình nên cho các con XKLĐ sau khi tốt nghiệp lớp 12. Nghe lời người em họ, con trai ông Anh là Huỳnh Huy Tuấn nói với cha mẹ nguyện vọng được đi làm ở nước ngoài.
“Vào thời điểm năm 2010, XKLĐ mới lắm, cả làng, cả huyện hiếm người đi làm theo diện này. Chưa kể, số tiền cần phải có để nộp vào trước khi đi XKLĐ quá lớn khó mà kham nổi. Nhưng thấy con quyết tâm quá, tôi phải theo” – ông Anh kể. Lúc này cận tết, thủ tục thế chấp sổ đỏ để vay tiền ngân hàng không kịp, vợ chồng ông Anh phải bán bò, vay mượn bà con, gom góp tiết kiệm để đủ 125 triệu đồng cho Tuấn đóng tiền, kịp đi XKLĐ ngay sau Tết Nguyên đán.
Qua Nhật, Tuấn dốc sức làm, có ngày làm đến 12, 14 tiếng đồng hồ. Tháng đầu tiên cật lực làm việc, Tuấn nhận được 70 triệu đồng thu nhập. Tuấn tin về cho cha mẹ, ông bà vui mừng khôn xiết. Cứ thế, Tuấn làm việc chăm chỉ, gửi tiền về cho cha mẹ trả nợ, nuôi các em ăn học. Đến năm 2011, Huỳnh Văn Quý là anh trai của Tuấn cũng theo chân em sang Nhật làm việc. Đến người con trai thứ ba, rồi người con trai út cũng qua Nhật. Con của ông Anh đi làm về, ai cũng có hơn tỷ đồng trong tay để mua đất đai, làm nhà, buôn bán. Giờ thì người con út của ông vẫn đang ở bên Nhật làm việc khi đã được gia hạn hợp đồng đi lần thứ hai.
Giữa câu chuyện, chợt ông Anh trầm giọng, rồi chỉ lên một tấm hình treo ở bức tường nhà: “Thằng con thứ ba của tôi đó, nó đi năm 2012 nhưng vì bị tai nạn lao động nên chết rồi. Nó chết khi còn đang ở Nhật, rồi bên đó họ làm mọi thủ tục đưa xác nó về. Về đến quê, họ lo tang xong, rồi bồi thường cho gia đình với số tiền rất lớn, nhưng đau đến đứt từng khúc ruột. Con chết khi cha mẹ còn không nhìn được mặt nó lần cuối. Vì vậy, đi làm thấy đồng tiền cũng ham lắm, nhưng phải hết sức cẩn thận, làm việc với máy móc mà bất cẩn một chút là trả giá bằng tính mạng”.
2. Hai vợ chồng ông Huỳnh Văn Ngọc và bà Trần Thị Loan đang chất bờ đá sau vườn nhà, nghe có khách tới thăm, ông bà vội vào nhà. Nhà có 2 người con trai thì cả hai đều sang Nhật Bản làm việc. Huỳnh Công Hoàng (SN 1989) học ngành kỹ thuật ô tô ở TP.Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, Hoàng đi làm được vài năm, nhưng công việc không như mong muốn, nên quyết định sang Nhật làm việc theo diện XKLĐ qua kênh công ty.
Hoàng sang Nhật làm việc theo kênh của một công ty XKLĐ tại TP.Hồ Chí Minh. Khi Hoàng trúng tuyển, công ty tuyển dụng lao động ở Nhật trực tiếp về quê, đến nhà Hoàng nói chuyện với bố mẹ anh, cam kết đảm bảo an toàn cho Hoàng khi đi làm việc bên công ty họ. Hoàng xuất cảnh năm 2013, ở nhà ông Ngọc và bà Loan cứ thấp thỏm lo lắng. Mỗi tuần vài lần, ông bà phải liên tục cập nhật thông tin của con mới yên tâm. Hiểu được nỗi lo của cha mẹ, sau mỗi ngày làm việc, Hoàng lại điện thoại cho cha mẹ qua mạng xã hội.
Bây giờ, công việc của Hoàng ở bên Nhật đã ổn định, anh hết hạn hợp đồng lần 1, về nước đúng hạn, nghỉ ngơi 3 tháng rồi lại tái ký hợp đồng và đi lại. Trong thời gian về nước chờ, Hoàng đã kịp cưới về cho cha mẹ một cô con dâu. Vợ Hoàng cũng theo chồng qua Nhật làm việc. Hiện nay, chị đang ở quê để sinh con đầu lòng, chừng một tháng nữa hai mẹ con lại quay sang Nhật.
Ông Ngọc kể: “Thấy anh XKLĐ có việc làm ổn định, thằng em là Vũ cũng nằng nặc đòi đi dù lúc đó đã lập gia đình. Không thuyết phục được con, tôi đành chấp nhận để Vũ ra nước ngoài làm việc, dù rất buồn khi các con xa nhà, xa quê hương”. Vũ sang Nhật năm 2018, làm việc trong công ty đúng với chuyên môn, nên phát huy được vốn kinh nghiệm đã đi làm và học hỏi thêm nhiều cái mới. Chăm chỉ, siêng năng nên Vũ được công ty rất tin tưởng. Vợ của Vũ hiện nay cũng đang học tiếng Nhật, đăng ký đi XKLĐ sang Nhật làm việc cùng với chồng.
Nói đến hai đứa con, bà Loan tâm sự: “Nhà có 2 thằng con, chúng nó đi qua Nhật cả, rồi con dâu cũng sẽ theo chồng. Nhớ con nhiều đêm nằm mà rơi nước mắt. Giờ có cháu nội, nó cũng đem qua bên Nhật, vì tương lai của con cháu đành chịu thôi. Ông bà nói “trẻ cậy cha, già cậy con”, giờ con nó đi làm ăn xa thì già đành cậy lẫn nhau chớ biết sao”.
Diễm Lệ
Theo Quảng Nam Online