Phim cổ tích: Sáng tạo không giới hạn!
Thành công của Aladdin cho thấy truyện cổ tích không bao giờ xưa cũ, luôn hấp dẫn công chúng điện ảnh nếu các nhà làm phim biết cách sáng tạo phù hợp
Phim Aladdin ra mắt khán giả từ ngày 24/5 vừa qua và được đón nhận nồng nhiệt. Khán giả Việt cũng bị thu hút bởi chàng Aladdin lém lỉnh, nàng công chúa Jasmine xinh đẹp cùng thần đèn hoạt ngôn, “lầy” một cách dễ thương. Phim thu được hơn 462 triệu USD trên toàn thế giới, tính đến lúc này, dự đoán doanh thu sẽ tiếp tục tăng.
Sức hấp dẫn ở phần sáng tạo
Câu chuyện cổ tích về chàng Aladdin may mắn sở hữu được cây đèn thần trở thành chủ nhân của thần đèn không xa lạ với khán giả thế giới. Câu chuyện này được hãng Walt Disney đưa lên màn ảnh năm 1992 với thể loại hoạt hình. Phim thành công vang dội, doanh thu hơn 500 triệu USD mà kinh phí chỉ 28 triệu USD. Hãng này thực hiện phần tiếp theo của câu chuyện với tên “Sự trở lại của Jafar” năm 1994, “Aladdin và vua trộm” năm 1996, với cùng thể loại hoạt hình. “Aladdin” hiện tại là phiên bản người đóng đầu tiên của Walt Disney. Tạo hình ban đầu của nhiều nhân vật trong phim không hấp dẫn cùng với những đoạn quảng cáo tẻ nhạt, “Aladdin” bị cho rằng sẽ không hay. Thế nhưng, khi ra rạp, phim lại mang đến cho khán giả những bất ngờ, thú vị. Phim xây dựng hình ảnh một Aladdin đúng chất bụi bặm, đường phố nhưng lại chứa đựng tấm lòng nhân hậu. Diễn viên Mena Massoud thể hiện tốt vai diễn này, khác với chê bai ban đầu, anh hợp vai, chinh phục được người xem trong hành trình của mình trên phim. Will Smith lột tả hình ảnh một thần đèn duyên dáng, gây cười với độ hoạt ngôn của mình. Trong khi đó, công chúa Jasmine đẹp mạnh mẽ, quyến rũ chứ không phải kiểu mềm mại, nữ tính. Naomi Scott khiến Jasmine toát lên bản lĩnh của một nàng công chúa Disney mà hãng này xây dựng trong các phim cổ tích do người đóng gần đây.
“Bình cũ rượu mới”, đạo diễn Guy Ritchie và ê-kíp có nhiều sáng tạo, chinh phục được khán giả bởi các tình tiết mới và cái kết bất ngờ, khác so với những tác phẩm trước đó. Tác phẩm pha trộn bối cảnh, trang phục cổ xưa với nhiều nét văn hóa hiện đại, kết hợp vũ điệu sôi động mang phong cách nhạc kịch Mỹ.
Sáng tạo được lòng khán giả
Không phải ngẫu nhiên mà Walt Disney lại tung ra hàng loạt phim thuộc dòng “live – action” (phim được làm lại từ những bộ phim hoạt hình của Disney, bao gồm những bộ phim dựa trên cốt truyện cổ tích, thần tiên, phiên bản người đóng) như Aladdin. Trước đó, hãng này gặt hái thành công với các phim: Cậu bé rừng xanh, Maleficent, Cinderella, Người đẹp và quái vật… Sau Aladdin, họ còn cả một danh sách dài: Vua sư tử, Hoa Mộc Lan, Nàng tiên cá… đang chờ hoàn tất sản xuất và ra rạp.
Điều đáng chú ý, từ cốt truyện cổ tích quen thuộc ban đầu, tất cả phiên bản trên màn ảnh rộng đều có yếu tố khác biệt, khai thác những góc nhìn mới lạ. Sự sáng tạo đôi lúc không ngờ như thế lại thuyết phục từ khán giả nhí cho đến người lớn. Như với Maleficent, nhân vật phản diện của Người đẹp ngủ trong rừng, được nâng lên thành nhân vật chính trong phiên bản điện ảnh với góc nhìn cảm thông. Phim gặt hái thành công đến mức hãng sản xuất làm tiếp phần 2 và hẳn nhiên cốt truyện đã thoát khỏi tác phẩm cổ tích từng được biết đến. Ngoài Walt Disney, nhiều hãng khác cũng thấy được nguồn nguyên liệu lớn từ cổ tích và trổ tài sáng tạo. Cũng từ câu chuyện về Bạch Tuyết và bảy chú lùn, khán giả điện ảnh được thưởng thức nhiều phiên bản điện ảnh khác nhau, sốc nhất phải là Snow White and the Huntsman. Phim biến nàng Bạch Tuyết dịu dàng, mềm yếu của cổ tích thành chiến binh mạnh mẽ; phối hợp với chàng thợ săn Eric lật đổ vương triều do hoàng hậu độc ác Ravenna chiếm đóng sau khi bà giết chết nhà vua. Sự sáng tạo không giới hạn nhưng hầu hết các hãng phim, nhà làm phim và đạo diễn đều biết rõ đối tượng khán giả hướng tới khi họ quyết định chuyển thể hoặc làm lại câu chuyện cổ tích quen thuộc. Điều này khiến cho sự sáng tạo phù hợp và được chấp nhận.
Cơ hội cho điện ảnh Việt Lâu nay, các nhà làm phim Việt cũng nhận ra kho tàng cổ tích, truyện dân gian là nguồn chất liệu phong phú để sáng tạo điện ảnh và các loại hình nghệ thuật khác. Tuy nhiên, số lượng phim dựa trên cổ tích vẫn chưa nhiều. Sau thành công của Tấm Cám: Chuyện chưa kể do Ngô Thanh Vân đồng sản xuất và đạo diễn, đạt doanh thu 66,5 tỉ đồng (vốn sản xuất 22 tỉ đồng), khán giả Việt chỉ mới được thưởng thức Trạng Quỳnh mang màu dân gian. Phim Trạng Quỳnh doanh thu cũng cán mốc 100 tỉ đồng (vốn sản xuất 22 tỉ đồng) nhưng kịch bản chưa thể thuyết phục số đông khán giả. Nhiều người trong giới nhận định dòng phim khai thác từ cổ tích, truyện dân gian của Việt Nam cần thời gian để phát triển bởi khó khăn về kịch bản và chi phí làm kỹ xảo. Rõ ràng, dễ mà không dễ, sáng tạo không giới hạn nhưng phải thuyết phục khán giả và khi đã thuyết phục được chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ lớn của người xem. Người trong giới cho rằng việc trở về khai thác kho tàng truyện cổ tích, dân gian để tạo nét riêng cho điện ảnh sẽ tốt hơn nhiều so với loay hoay Việt hóa kịch bản phim nổi tiếng của nước ngoài mà chẳng đi đến đâu. “Cổ tích, dân gian là chất liệu đặc sắc, tạo sự khác biệt của nền văn hóa này với nền văn hóa khác. Tôi nghĩ chúng ta nên trân trọng và khích lệ nếu những phim chuyển thể từ truyện cổ tích, dân gian được khai thác nhiều nhưng chỉn chu, thận trọng và sáng tạo. Đó là điều đáng mừng khi một phim thương mại lại đính kèm nét văn hóa dân tộc, nhắc nhớ những giá trị truyền thống trong ký ức của mỗi người” – đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh bày tỏ. |
Minh Khuê
Theo Người Lao Động Online