Tình bạn qua thư thất điều
Thư thất điều của Phan Châu Trinh được đời sau đánh giá là lá thư “độc nhứt vô nhị” trong lịch sử. Lá thư đã được sự đồng cảm sâu sắc của một trí thức người Quảng lưu lạc vào Nam là Lương Khắc Ninh. Từ sự đồng cảm đó hai người đã trở thành đôi bạn.
Thư thất điều hay bản cáo trạng
Dù là một “đại khoa”, người được trui rèn trong môi trường Nho học nhưng Phan Châu Trinh (1872-1926) đã sớm nhận thức được sự lạc hậu của chế độ quân chủ chuyên chế, sự ưu việt của chế độ dân chủ cộng hòa. Vì thế ông đã mạnh mẽ lên án chế độ phong kiến thối nát và bọn vua quan phong kiến bạo tàn. Điều này được thể hiện rõ nhất trong Thư thất điều gửi Khải Định vào năm 1922. Năm ấy, khi vua Khải Định sang dự đấu xảo ở Pháp, Phan Châu Trinh đã gửi một bức thư dài bằng chữ Hán có tên là Khải Định Hoàng đế thư (sau này khi dịch ra quốc ngữ gọi là Thư thất điều) kể 7 trọng tội đáng chém đầu của nhà vua là: Tôn quân quyền, thưởng phạt không nghiêm bằng, chuộng sự quỳ lạy, xa xỉ, phục sức không đúng phép, du hành vô đạo, đi Pháp mờ ám. Ông yêu cầu nhà vua phải thoái vị nhường quyền lại cho quốc dân. Trong thư Phan Châu Trinh cho rằng: “Khải Định mưu toan củng cố ngai mình là nghịch với trào lưu thế giới và trái với lòng dân”. Vì vậy: “Nếu tự giác từ giã ngôi vua đem chính quyền trả lại cho quốc dân thì quốc dân sẽ tha lỗi cho”. Bằng không “Trinh này tất phải: trong cáo với quốc dân, ngoài hiệp cùng với nước Pháp, vì 20 triệu đồng bào, cùng Bệ hạ tuyên chiến quyết liệt, nguyện cho cái đầu của Trinh cùng với quân quyền chuyên chế dã man của Bệ hạ đồng thời rơi xuống đất”!
Cuối thư ở phần ghi chú Phan Châu Trinh còn cho biết: “Thư này viết một bản bằng Hán văn gửi Bệ hạ, lại dịch ra Pháp văn đăng trên báo Pháp và rải truyền đơn, để rộng đường công luận của người Pháp” và “Giữa tôi với Bệ hạ, đã đoạn tuyệt nhất thiết quan hệ, chỉ đứng trên địa vị đối đãi mà thôi, cho nên nói “gửi” mà không nói “dâng”; còn dùng hai chữ “Bệ hạ” đó là theo Hán văn, xưng hô như vậy cho tiện, chứ không phải là tôn kính đâu”!
Như vậy trên danh nghĩa là “thư” nhưng thực chất đây là một bản cáo trạng, một bản án đối với chế độ quân chủ triều Nguyễn và bản thân Khải Định. Thư thất điều được Phan Châu Trinh đích thân dịch ra quốc ngữ, nhưng một phần sau này bị thất lạc nên rể cụ là ông Lê Ấm tiếp tục dịch (bản dịch dài 7.998 từ) và được nhà sách Anh Minh – Huế xuất bản năm 1958. Bản dịch đầu tiên là của Trần Huy Liệu vào năm 1925 được đăng trong Gương chí sĩ của Nguyễn Kim Đính, Sài Gòn, 1926.
Đánh giá tác phẩm này NXB Anh Minh – Huế viết: “Giữa thời đại quân chủ đang thịnh hành, sau lưng thêm bọn thực dân ôm ấp, thế mà Tây Hồ tiên sinh đường đường tại Paris gửi ngay cho vua Khải Định bức thư này, trong lúc nhà vua hôn ám sang xem cuộc đấu xảo tại Marseille năm 1922, mạt sát tàn tệ, vạch ra 7 tội làm cho nhà vua khiếp hồn, đình thần le lưỡi”! Còn Phan Bội Châu thì cho rằng: “Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm sét chẳng kinh cũng chẳng hãi”! Sau này khi bức thư được công bố đã khích động được tinh thần đấu tranh của nhân dân cả trong lẫn ngoài nước. Đời sau vẫn cho rằng Thư thất điều là bức thư đặc biệt có một không hai trong lịch sử.
Tình bạn giữa Phan Châu Trinh và Lương Khắc Ninh
Lương Khắc Ninh (1862 – 1943), hiệu Dũ Hàng là một nhà báo, nhà chính trị có quê gốc ở làng Bảo An, huyện Điện Bàn, từ nhỏ theo cha vào sinh sống ở Bến Tre. Lương Khắc Ninh lớn hơn Phan Châu Trinh 10 tuổi.
Ngoài hoạt động văn chương báo chí, Lương Khắc Ninh cũng rất say mê hát bội nên đã thành lập một gánh hát bội tại Sài Gòn và đưa đi lưu diễn nhiều nơi. Năm 1922, nhân Hội chợ đấu xảo thuộc địa ở Marseille, Lương Khắc Ninh đưa gánh hát bội của mình sang Pháp lưu diễn.
Tại đây Lương Khắc Ninh đã gặp Phan Châu Trinh. Hai nhà “duy tân”, hai nhà “trí thức” người Quảng (một Nho, một Tây học) đã trao đổi nhiều vấn đề về hiện tình đất nước, về đường lối đấu tranh cho độc lập và tiến bộ của đất nước. Lương Khắc Ninh không những đồng tình với quan điểm đấu tranh mà còn rất khâm phục Phan Châu Trinh.
Sau khi đọc Thư thất điều và biết Khải Định đang ở Pháp, Lương Khắc Ninh cũng đã gửi cho Khải Định một bức thư khuyên nhà vua nên tiếp thu ý kiến và thực hành đường lối nâng cao dân trí, đề xướng dân quyền của Phan Châu Trinh để cứu nước. Trong thư Lương Khắc Ninh đã nhiều lần ca ngợi nhà chí sĩ của đất Quảng và cho rằng lời nói của Phan Châu Trinh tuy hơi “xẵng”, “không xuôi tai” nhưng đó là “chánh ngôn” xuất phát từ một tấm lòng “vì dân, vì nước” rất hữu dụng. Không những ca ngợi Phan Châu Trinh với nhà vua ông còn khuyên nhà vua nên dùng Phan Châu Trinh làm “quân sư” để cứu nước.
Trong thư gửi Khải Định, Lương Khắc Ninh có viết:
Lời Phan thị có nhiều lời đáng dụng
Nhưng mà xát tạt thường làm vui ích xúi dậy nhiều.
Hễ lời êm thì ít ghẹo tai kiêu, tiếng xẫm (xẵng) mau khêu nộ khí
Ngài tuy giận, mà bựt (bực) cao minh hay tàng trí,
Xin trầm ngâm đặng độ lượng mỗi lời.
Cang bạo từ mà công trực cũng để đời.
Dầu xúc phạm, mà hữu ích chung xin bớt giận
…
Mở lượng rộng, xin đừng chấp nhứt
Cần hộ bang, dùng Phan thị vi quân sư.
Đặng mà thử sức người cho rõ sức hữu dư.
Ví như cỗ dã (giả) dụng thiên kim mài khô cốt.
Lời luận biện khó xem cùng tột,
Kiến sở hành mới tắc đắc kỳ tài….
Lời khuyên chí tình của Lương Khắc Ninh cũng khó mà lay chuyển được đầu óc của ông vua bảo thủ như Khải Định.
Trước khi về nước, Lương Khắc Ninh còn tặng Phan Châu Trinh hai bài thơ.
Đáp lại tình cảm và nhất là sự đồng cảm với mình, Phan Châu Trinh có tặng Lương Khắc Ninh một bài thơ bằng chữ Hán, được dịch sang Quốc ngữ như sau:
Xin cảm tạ người đã nghĩ đến Phan Châu Trinh,
Tôi đau lòng cho đất nước và hổ thẹn cho mình!
Chẳng hề chi đối với tôi, những sung sướng hay sầu khổ,
Miễn là tôi phụng sự cho dân và nước được thảnh thơi.
Nhưng, con rồng nằm trên một vũng nước khô, không thể xoay xở được!
Con chim đã bị tên rồi, thì dễ sợ cây cong.
Những ai có lòng yêu nước thì không thể dửng dưng
Trước những hiện tình của non sông xứ sở,
Xin cảm tạ người còn nghĩ tới Châu Trinh.
Lê Thí
Theo Quảng Nam Online