Chổi đót Chiêm Sơn hướng đến OCOP
Những năm gần đây, nhờ đầu ra của sản phẩm ổn định nên người dân làng nghề chổi đót Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) tập trung đầu tư phát triển sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương đang tính phương án hỗ trợ làng nghề này xây dựng chổi đót thành sản phẩm OCOP.
Phát triển mạnh
Cuối tháng 5, không khí lao động ở làng nghề chổi đót Chiêm Sơn khá tất bật. Tay thoăn thoắt bện chổi, bà Phạm Thị Lan – người dân địa phương cho biết, mùa này từ 3 – 4 giờ sáng nhiều gia đình trong làng đã thức dậy làm chổi để kịp bỏ cho khách. Bà Lan cho hay, bà gắn bó với nghề quấn chổi đót đã mấy chục năm. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của bà sản xuất 300 – 400 cây chổi, tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương.
“Mấy năm nay, mùa nào chổi đót bán cũng chạy nên các nhà làm chổi ở đây tranh thủ chạy đua với thời gian để cung ứng sản phẩm cho thị trường. Nhờ nghề này mà tôi và nhiều hộ dân trong thôn có nguồn thu nhập ổn định, đời sống khá hơn” – bà Lan chia sẻ.
Cách nhà bà Lan không xa, cơ sở chổi đót Nhất Tuấn được xếp vào hàng lớn nhất ở làng nghề Chiêm Sơn, không khí khá nhộn nhịp. Tại cơ sở này có không dưới 20 lao động đang làm việc cần mẫn. Mỗi người một công đoạn như quấn dây, bó đót, bện… rất nhuần nhuyễn.
Ông Nguyễn Nhất Tuấn – chủ cơ sở cho hay, bình quân mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất khoảng 1.000 cây chổi với đủ các loại như chổi bện mây truyền thống, chổi quấn dây thép, dây cước, cán thân đót, cán nhựa, chổi quét vôi… Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Đà Nẵng và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Tuy nhiên, điều ông Tuấn phấn khởi nhất là tạo ra nhiều công ăn việc làm ổn định cho lao động nông nhàn, nhất là phụ nữ, người già tại địa phương với mức thu nhập bình quân hàng tháng 3 – 5 triệu đồng/người.
“Để xây dựng cơ sở như ngày hôm nay, những năm qua bản thân tôi đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều làng nghề quấn chổi đót trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tích cực tìm hiểu thị trường và tham gia các hội chợ trưng bày sản phẩm ở nhiều nơi. Từ đó, vạch ra chiến lược quảng bá thương hiệu cũng như chọn hướng tiêu thụ sản phẩm” – ông Tuấn nói.
Hướng đến sản phẩm OCOP
Ông Đoàn Công Vân – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Trinh cho biết, những năm gần đây việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề chổi Chiêm Sơn khá thuận lợi, mang lại cho người dân địa phương nguồn thu nhập đáng kể.
Theo ông Vân, qua số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay toàn thôn Chiêm Sơn có khoảng 200 hộ tham gia sản xuất chổi đót, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động tại địa phương.
“Có thể nói, bây giờ nghề làm chổi đót đã trở thành một trong những kế sinh nhai bền vững không chỉ dành cho đa số bà con thôn Chiêm Sơn mà một số nơi khác ở xã Duy Trinh cũng đang bắt tay vào việc sản xuất mặt hàng này” – ông Vân chia sẻ.
Cũng theo ông Vân, để đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện nay người dân thôn Chiêm Sơn đã sản xuất đa dạng các loại mẫu mã như chổi cán gỗ, cán nhựa, cán đót, chổi mây… được người tiêu dùng ưa chuộng. Việc UBND tỉnh công nhận làng nghề quấn chổi truyền thống đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thôn Chiêm Sơn mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Nói về hướng phát triển trong tương lai, ông Vân cho hay, chính quyền địa phương sẽ thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng ở huyện Duy Xuyên tăng cường việc quản lý, khai thác nguồn nguyên liệu. Đồng thời đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và tích cực tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ ở trong và ngoài tỉnh để các sản phẩm chổi của địa phương tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. UBND xã Duy Trinh cùng những đơn vị liên quan của huyện cũng sẽ tập trung mở các lớp đào tạo, tập huấn nhằm giúp người dân nâng cao tay nghề, đa dạng hóa mẫu mã. Đặc biệt, Duy Trinh đang tiến hành thành lập tổ hợp tác, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và quyết tâm xây dựng chổi đót trở thành sản phẩm OCOP.
“Một điều thuận lợi là, không chỉ nằm trên tuyến du lịch Hội An – Mỹ Sơn mà tại làng Chiêm Sơn còn có nhiều di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia như lăng mộ Đoàn Quý Phi, Mạc Thị Giai, chùa Vua, dinh bà Chiêm Sơn, di tích khảo cổ học Triền Tranh… Như vậy, việc phát triển làng nghề quấn chổi Chiêm Sơn cũng có thể gắn kết với phát triển du lịch của địa phương nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung” – ông Vân nói thêm.
Hoài Nhi
Theo Quảng Nam Online