Kịch Hồng Hạc chuẩn bị ngày tái ngộ
Sau khi tạm ngưng hoạt động ở địa chỉ quen thuộc tại trường múa TPHCM, sân khấu kịch Hồng Hạc mất hút một thời gian dài trước khi tái xuất trở lại đầu tháng 6 này với 2 vở diễn mới.
Sư tái xuất này tạo nhiều bất ngờ cho công chúng yêu kịch bởi từ lâu, cái tên sân khấu kịch Hồng Hạc đã không còn được nhắc đến trong các sinh hoạt kịch nói ở Sài Gòn.
Cá tính kiên định
Sinh sau đẻ muộn, sân khấu kịch trẻ tuổi đời nhất Sài Gòn dưới lĩnh xướng của nữ đạo diễn Việt Linh đã khá vất vả để duy trì hoạt động nghệ thuật của mình một cách cá tính như những gì xác lập ban đầu. Khi khán giả đến với sân khấu kịch ngày một ít ỏi và một số sân khấu vẫn phải chiều theo thị hiếu nhất thời của công chúng để sáng đèn hàng tuần, thì sân khấu kịch Hồng Hạc lại tỏ ra rất kiên định, thậm chí có khi “bảo thủ: khi xác lập dòng kịch riêng của mình. Hồng Hạc có tiêu chí rõ rệt: tôn vinh cảm xúc, tiệm cận văn học và điện ảnh. Theo đó tất cả nội dung kịch bản phải được chuyển thể từ tác phẩm văn học, cách dàn dựng phải mang màu sắc điện ảnh qua diễn xuất, ánh sáng. Ngoài ra, Hồng Hạc còn ưu tiên hỗ trợ người trẻ trong việc làm nghề. Nói chung, đây là sân khấu kịch được nhìn nhận là kén vở và kén cả khách xem. Để giữ được tinh thần này là nỗ lực đến “gan lì” của đạo diễn Việt Linh cùng ê kíp.
Thế nên, thành lập từ tháng 12/2015, trong hơn ba năm hoạt động, sân khấu kịch Hồng Hạc chỉ với 10 kịch mục được dàn dựng và biểu diễn. Một con số khá khiêm tốn so với nhiều sân khấu khác, nhưng lại phản ánh rõ gu kịch nơi này. Có thể kể đến: Thiên Thiên (đạo diễn: Việt Linh, Phạm Hoàng Nam), Tro tàn rực rỡ (đạo diễn Lê Thụy), Giờ của Quỷ (đạo diễn Hồng Ánh), I am đàn bà (đạo diễn Hạnh Thúy)…, hay những vở diễn mang đậm tính thể nghiệm như Ngộ nhận (đạo diễn Tây Phong), Tấm và Hoàng Hậu (đạo diễn Thiên Huân)… Trong đó gây ấn tượng và tạo nhiều dư luận khen chê nhất là vở Thiên Thiên khi nó được công diễn ở Nhà hát thành phố hồi tháng 2 năm 2014.
Xoay xở mở hướng đi
Khá lâu, người ta không thấy sân khấu kịch sáng đèn ở điểm diễn của nó, cứ ngỡ Hồng Hạc đã “đèn không hắt bóng”. Đúng là Hồng Hạc không thể sáng đèn các tối cuối tuần như các sân khấu kịch khác được. Không khó để đoán được chuyện này trong thực tế thị trường nghệ thuật khó khăn. Cứ tưởng sân khấu kịch trẻ tuổi nhất của làng kịch Sài Gòn sẽ buông. Nhưng khá bất ngờ khi ê kíp làm sân khấu này đã “cái khó ló cái khôn”, xoay xở tìm hướng tiếp cận khác để tồn tại.
Thay vì biểu diễn định kỳ, cố định, Hồng Hạc biểu diễn theo các nhu cầu tập thể và lưu diễn theo sự đón nhận của khán giả. Công thức này đã được thực nghiệm từ cuối năm 2018, mà kết quả nổi bật là vở Eugenie Grandet đã được Viện trao đổi văn hóa Việt Pháp mời diễn bế mạc Liên hoan văn hóa Việt-Pháp tháng 12/2018 tại sân khấu Idecaf. Để tiếp tục hướng đi mới, trong tháng 6/2019, kịch Hồng Hạc hợp tác với Nhà hát TP, mang đến cho khán giả yêu kịch vở diễn Thiên thần nhỏ của tôi (nguyên tác Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn – biên kịch: Việt Linh), và vở Eugénie Grandet (nguyên tác Balzac, biên kịch Việt Linh, đạo diễn Tây Phong). Đây là hai vở diễn đặc sắc của sân khấu kịch Hồng Hạc, khi lần đầu tiên vở chính kịch dài được các diễn viên nhí từ 6 đến 9 tuổi đảm trách vai chính. Và lần đầu tiên tác phẩm Balzac được chuyển thể sân khấu ở Việt Nam, với sự đầu tư công phu về trang phục, âm nhạc. Thiên thần nhỏ của tôi (suất 20h00 ngày 1/6/2019) và Eugenie Grandet (suất 20h00 ngày 14/6/2019) tại Nhà hát Thành phố.
Vậy là, những con Hồng Hạc của kịch nói đã bay về, trong một điểm đỗ khác, linh động, uyển chuyển hơn.
Hẳn nhiên, nhìn vào tần suất số lượng vở diễn như thế thì chưa khẳng định được điều gì. Nhưng dù sao vẫn xin được gửi lời chúc lành đến đạo diễn Việt Linh cùng ê kíp của mình, với sự kiên định, dù chậm cũng tìm được lối đi phù hợp, tìm được khán giả tri âm.
Sơn Trà