Đầu tư sáng tác cải lương: Chưa muộn!
Đã hình thành một đội ngũ tác giả trẻ có khả năng sáng tác kịch bản cải lương nhưng để họ có thể trụ lâu được với nghề đòi hỏi có chính sách đầu tư.
Tình hình sân khấu cải lương đang ấm hơn lên so với mọi năm khi 8 đơn vị xã hội hóa cải lương đã và đang nỗ lực tìm kiếm khán giả cho sàn diễn của mình. Một số dự án đầu tư cho sáng tác kịch bản khởi động khiến người làm nghệ thuật cũng cảm thấy yên tâm.
Kiên trì theo đuổi nghề viết
Sân khấu cải lương không thiếu những người tài, cái thiếu lớn nhất vẫn là những tác giả sáng tác đạt chất lượng. Một số cây bút sáng tác kịch bản cải lương đã xác định nghề viết không chỉ là đam mê mà là nghiệp. Họ mang đến nhiều tác phẩm mới cho sàn diễn, dẫu chỉ là những bước đi nhỏ nhưng cho thấy nỗ lực lớn. Giới chuyên môn, nhà quản lý, các nhà đào tạo đã nhìn thấy, kịp thời động viên, hun đúc niềm đam mê để họ tiếp tục tiến bước.
Tác giả trẻ Nguyên Phương, 24 tuổi, đã chuyển thể Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh thành kịch bản cải lương Nhật thực. Khoan bàn đến chất thể nghiệm còn gây tranh cãi và chưa xứng tầm kỳ vọng đối với đạo diễn Lê Nguyên Đạt nhưng qua Nhật thực, đã giới thiệu một tác giả trẻ đầy triển vọng cho sàn diễn cải lương.
Lâm Hữu Tặng (biên tập viên chương trình dân ca cổ nhạc, cải lương của Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước) đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với khán giả bằng kịch bản vở Tìm lại cội nguồn. Bảo Kiến là nghệ sĩ biểu diễn nhưng đam mê sáng tác, anh đã đem đến cho sân khấu cải lương tuồng cổ vở Bao Công – Sát thủ hoa hồng thật ấn tượng trên Sân khấu Chí Linh – Vân Hà. Còn nữa, một đội ngũ sáng tác kịch bản đầy tâm huyết: Tô Thiên Kiều, Võ Tử Uyên, Lâm Viên, Vũ Chí Thanh… kiên trì theo đuổi nghề góp phần làm mới sàn diễn, tiếp bước thế hệ soạn giả đi trước.
Tăng nội lực cho cải lương
Các chuyên gia về sân khấu cải lương cho rằng muốn đào tạo được đội ngũ sáng tác kịch bản cải lương phải tính đến chiến lược hàng chục năm. Mong muốn của các cây bút trẻ là cần những người đi trước truyền đạt kinh nghiệm sáng tác cho mình. Họ háo hức tìm đến các trại sáng tác kịch bản, các lớp tập huấn do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức. Đáng mừng là từ năm nay, khoa biên kịch sáng tác kịch bản sân khấu, trong đó có cải lương, đã được Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP HCM tuyển sinh.
“Đã đến lúc đội ngũ sáng tác kịch bản cải lương gạo cội cần được chế độ ưu đãi từ chính sách của nhà nước để truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ tác giả trẻ vẫn còn yêu nghệ thuật cải lương. Chiến lược này mang tầm nhìn 10-20 năm, giúp sàn diễn cải lương có nội lực từ khâu sáng tác” – NSƯT Trần Minh Ngọc nhận định.
Tác giả trẻ Lâm Hữu Tặng tâm sự rằng việc tìm ý tứ cho mỗi kịch bản là điều khó nhất. Ngày nay, rất nhiều chất liệu từ cuộc sống để người viết trẻ có thể đưa vào sáng tác nhưng để dẫn dắt cảm xúc khán giả, họ cần trau dồi kinh nghiệm sáng tác.
Những nhà quản lý, chuyên môn và giới nghệ sĩ làm công tác đào tạo cũng đã nhìn thấy rõ điều đó, xác định “giới trẻ sáng tác hiện nay thiếu một yếu tố căn cơ, đó là kỹ thuật sắp xếp bài bản. Âm nhạc cải lương như một cõi mênh mông nhưng nó có niêm luật và cần phải tuân thủ trước khi muốn làm mới. Cần trang bị kiến thức âm nhạc cải lương cho tác giả sáng tác kịch bản hiện nay. Tác giả trẻ không biết nhiều bài bản, không hiểu về cấu trúc 20 bài bản tổ thì khó mà sáng tác cho đúng, chưa nói đến hay” – soạn giả Hoàng Song Việt chỉ ra.
Trước thực tế đó, Hội Sân khấu TP HCM vừa tổ chức đợt tập huấn tác giả trẻ viết kịch bản cải lương với sự tham gia của hơn 10 tác giả chuyên viết kịch bản cải lương mong muốn được tìm hiểu thêm về các kỹ thuật, kiến thức cơ bản để sáng tác.
“Họ đã có những buổi học thú vị. Hiểu sâu hơn về cách viết vọng cổ, nói lối, vận dụng bài bản: Bắc, Nam, Ngự, Oán. Cách hành văn, kỹ thuật xây dựng hình tượng nhân vật. Vận dụng phép so sánh, tượng hình trong các bài ca. Đặc biệt, họ được trang bị kiến thức về văn học để bổ sung chất thơ, nét mượt mà cho câu vọng cổ… Tôi tin rằng với những kiến thức căn bản được tập huấn, các tác giả trẻ viết kịch bản cải lương đợt này sẽ sớm cho ra đời những kịch bản cải lương đạt chất lượng” – NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét.
Tìm đất dụng võ Đã có sự đầu tư dù muộn nhưng cần thiết cho đội ngũ sáng tác trẻ, thế nhưng tìm đầu ra là câu hỏi khiến các nhà chuyên môn đau đầu. “Nhiều ý tưởng rất hay của tác giả trẻ viết ra lại không có nơi để dùng” – NSND Thanh Hải băn khoăn. Thực tế cho thấy kịch bản thiếu nhưng soạn giả cải lương được các đoàn tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” càng hiếm hơn. NSND Thanh Hải cho rằng cần thiết có sự hỗ trợ đối với tác giả trẻ sau khi họ nộp đề cương, nếu được chấp nhận thì sẽ được đặt hàng với mức kinh phí có thể đủ để họ đầu tư cho sáng tác của mình. Bằng cách này, trong một năm sẽ có nhiều tác phẩm mới cung cấp cho các sàn diễn, đồng thời làm tốt công tác định hướng thẩm mỹ, đổi mới về hình thức dàn dựng. |
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Theo Người Lao Động Online