Gắn cải lương với du lịch văn hóa
Nghệ sĩ cải lương tham quan thực địa để có thêm trải nghiệm, sáng tạo và làm cầu nối du lịch văn hóa. Đó là cách làm mới của một đơn vị cải lương vừa ra đời
Vở cải lương “Chuyện tình Khâu Vai” (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Triệu Trung Kiên) sẽ bắt đầu đưa lên sàn tập ngày 21/5 và công diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang từ ngày 7/6. Trước khi lên sàn tập, các nghệ sĩ (NS) tham gia vở diễn: Quế Trân, Lê Tứ, Quang Khải, Hà Như; soạn giả Hoàng Song Việt và đạo diễn Triệu Trung Kiên đã có chuyến đi thực địa vùng đất được đề cập trong vở diễn, mang lại nhiều cảm xúc cho NS.
Tìm cảm xúc chân thật
Theo chân các NS đến vùng đồi núi Tây Bắc, chúng tôi nhận thấy rõ sự phấn khởi của họ. “Bởi từ lâu rồi những chuyến đi thực tế chung chung, chưa bám sát mục tiêu chính của từng dự án nên NS cứ mường tượng qua lời kể của những ai đã từng đặt chân đến vùng đất đề cập trong vở diễn mình sẽ tham gia thể hiện. Còn hôm nay, chúng tôi vượt qua nhiều đoạn đường hiểm trở đến với chợ tình Khâu Vai, đền thờ Ông và Bà trong huyền thoại của chàng Ba và nàng Út, được nhìn ngắm tận mắt đời sống, con người, công việc của người dân ở các bản làng Mông, Nùng, Dao, Lô Lô… Mặc đúng những loại trang phục, đội đúng những chiếc nón của bà con miền cao. Thú vị lắm dù chuyến đi chỉ vỏn vẹn 5 ngày” – NSƯT Lê Tứ tâm sự.
NSƯT Quế Trân bày tỏ: “Tôi đã có nhiều chất liệu, cảm xúc chân thật để hóa thân vào vai nàng Út. Hà Giang là vùng đất có những con người bình dị với nếp sống mộc mạc. Thiên nhiên nơi đây lại mang vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Ban đầu, chúng tôi rất sợ khi thấy những chiếc xe chênh vênh giữa một bên là núi đá cao ngút trời, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Nhưng khi ngắm nhìn dòng sông Nho Quế uốn lượn xanh biếc, tôi cảm nhận rất rõ hơi thở của nhân vật như quyện vào chính mình. Những cung bậc cảm xúc tuyệt vời nhất trong tôi có được từ chuyến đi sẽ truyền tải đến công chúng qua vai diễn”.
Các NS đã không giấu được xúc động, họ cầm kịch bản, ca diễn như đã từng được sống với các số phận ngang trái trong câu chuyện tình đã thành huyền thoại của Khâu Vai.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên nói: “Sự trải nghiệm sẽ tạo nền tảng cảm xúc vững chắc cho từng NS khi họ hóa thân vào nhân vật. Họ cần sống với dân làng miền cao, nơi nàng Út và chàng Ba trong vở “Chuyện tình Khâu Vai” được sinh ra và lớn lên. NS không thể cứ mường tượng những thao tác đời thường trong cuộc sống của người dân tộc Mông, Dao, Nùng… mà sự trải nghiệm sẽ giúp họ thể hiện tinh tế hơn, góp phần giới thiệu về nét đẹp văn hóa vùng miền của đất nước ta”.
Gắn cải lương với du lịch vùng miền
Khi đoàn NS TP HCM đến chợ tình Khâu Vai thì huyện Mèo Vạc vừa tổ chức thành công nhiều hoạt động mừng sự kiện “100 năm chợ tình Khâu Vai”. Ông Lê Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã Khâu Vai, nhìn nhận: “Sở dĩ lượng du khách đến đây hằng năm tăng đột biến là vì Khâu Vai vẫn giữ được chất mộc mạc của chợ tình. Nay có thêm vở cải lương ca ngợi chuyện tình tuyệt đẹp của nàng Út và chàng Ba thì Khâu Vai một lần nữa được ca ngợi bằng nhiều hình thức nghệ thuật, trong đó có cải lương gắn với du lịch. Sau khi ra mắt tại TP HCM, mong vở sẽ diễn tại Khâu Vai để thu hút thêm du khách đến đây”.
Soạn giả Hoàng Song Việt đặt ra mục tiêu: “Mỗi vở diễn chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức một hoặc nhiều chuyến đi thực tế. Việc làm này rất hữu ích, tạo thêm điều kiện để NS sống thật với văn hóa vùng miền, nơi họ không chỉ cảm nhận qua từng trang kịch bản mà còn tận mắt chứng kiến, để hiểu biết, truyền tải đến người xem tình yêu dành cho quê hương, đất nước”.
Sau vở này, “Đoạt hồn” sẽ là tác phẩm thứ hai mà các NS sẽ lên đường đến Thanh Hóa và dải đất miền Trung để tìm hiểu về nhân vật Đào Duy Từ, sau đó xuôi về miền Tây để trải nghiệm không gian văn hóa của cụ Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền. “Vì vở “Đoạt hồn” nói về nghề hát, ca ngợi và vinh danh nghiệp tổ nên không chỉ tìm về quá khứ của những tiền nhân đặt nền tảng cho sân khấu dân tộc, chúng tôi còn tổ chức để NS và khán giả cùng tìm đến không gian của những “hậu tổ” của đờn ca tài tử Nam Bộ, cụ thể là vị nhạc sư 101 tuổi Nguyễn Vĩnh Bảo ở Đồng Tháp” – soạn giả Hoàng Song Việt cho biết.
Những hoạt động kể trên được xem là bước chuyển mình mới mẻ để gắn kết sân khấu cải lương với du lịch văn hóa. Khán giả đến xem còn được trải nghiệm nhiều vùng miền mà họ chưa có dịp đến. NS từ đó ý thức hơn trong việc sáng tạo, có cơ sở hóa thân để thu hút người xem đến rạp.
Dựng không gian Mèo Vạc thu nhỏ Chợ tình Khâu Vai bắt nguồn từ truyền thuyết về chuyện tình giữa chàng Ba và nàng Út. Hai người yêu nhau nhưng gia đình nàng Út không đồng ý vì chàng Ba nghèo và khác dân tộc, không cùng con ma, không cùng phong tục tập quán; con trai người Nùng không thể lấy con gái người Giáy làm vợ. Chàng Ba và nàng Út trốn nhà đưa nhau lên hang núi Khâu Vai sống. Vì danh dự, chiến tranh xảy ra giữa hai bên gia đình, họ tộc. Thương cha, thương mẹ, thương dân bản 2 làng bỗng trở nên thù hận nhau chỉ vì tình yêu của mình nên chàng trai và cô gái chia tay nhau về làng, thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng. Ngày họ chia tay là ngày 27/3, người dân trong vùng lấy ngày đó làm ngày họp chợ tình. Đoàn NS trong chuyến đi thực tế này đã kết hợp thêm “trọng trách” săn tìm những dụng cụ nhà nông, phục trang, đạo cụ, quạt, nón… của người dân tộc để vừa làm đạo cụ vừa triển lãm. Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết anh sưu tầm được hơn 50 hiện vật, “có thể thiết kế thành một không gian Mèo Vạc, Khâu Vai thu nhỏ trong phạm vi nhà hát. Các NS trong chuyến đi thực tế này sẽ đứng ra diễn giải, giao lưu, trò chuyện với khán giả về không gian văn hóa của Khâu Vai trước khi họ bước vào vở diễn”. |
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Theo Người Lao Động Online