Vì sao Việt Nam hứng đợt nắng nóng bất thường?
Biến đổi khí hậu khiến hoàn lưu khí quyển bị thay đổi nên mùa hè nóng dữ dội hơn. Ngoài ra, vùng áp thấp phía tây hoạt động mạnh ở Myanmar, Ấn Độ, Thái Lan ảnh hưởng đến nước ta.
Trao đổi với phóng viên ngày 24/4, chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết nhiệt độ một số khu vực đã vượt mức lịch sử trong chuỗi số liệu nhiều năm.
Nóng nhất là khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa đến Quảng Bình), nhiệt độ lên tới 43 độ C, cùng thời điểm này trước đây ở khoảng 41-42 độ C. Ngay cả khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Sơn La, nhiệt độ cũng từ 40-43 độ C, thậm chí có nơi hơn 43 độ C.
Bất thường
Đối với 2 thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn, chuyên gia thời tiết cho biết nhiệt độ ở đỉnh điểm từ đầu năm đến nay. TP Hà Nội có thời điểm đạt 40 độ C nhưng vẫn chưa vượt mức lịch sử. Tại TP.HCM, năm nay mới chỉ dừng ở 38 độ C và chưa bằng năm 1998, đạt 39,6 độ C. Dù vậy, người dân ra đường luôn có cảm giác khó chịu do nắng nóng kéo dài nhiều ngày.
Bà Lan nhận định nắng nóng trải dài trên cả nước là điều bất thường bởi so với các năm trước thì tháng 4 năm nay, mùa nắng đến quá sớm ở khu vực Bắc Trung Bộ, nhiệt độ cũng cao hơn.
Riêng khu vực Nam Bộ, ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ) thông tin nhiệt độ được ở một số trạm cao hơn năm ngoái. Cao nhất là trạm Sở Sao (Bình Dương), nhiệt độ đo được là 38,3 độ C trong khi năm ngoái là 38,1 độ C.
Ông Quyết cho hay khu vực Nam Bộ đang phải hứng chịu đợt nắng nóng nhất từ đầu năm đến nay và cao hơn năm 2018. Tuy nhiên, nếu so với nhiệt độ trung bình nhiều năm thì khu vực Nam Bộ vẫn còn thấp.
Thời tiết cực đoan
Về nguyên nhân gây nắng nóng trong những ngày qua, chuyên gia khí tượng thông tin do vùng áp thấp phía tây hoạt động mạnh ở khu vực các nước Myanmar, Ấn Độ, Thái Lan và ảnh hưởng đến Việt Nam.
Riêng khu vực Bắc Trung Bộ còn bị tác động bởi hiệu ứng phơn nên trời nóng hơn, độ ẩm thấp gây cảm giác oi bức, khó chịu.
Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan còn chỉ ra một nguyên nhân khác là do biến đổi khí hậu khiến cho hoàn lưu khí quyển bị thay đổi nên mùa hè thì nóng dữ dội hơn.
Do vậy, trong những tháng tới, khu vực Bắc Trung Bộ sẽ có hạn, xâm nhập mặn và cháy rừng. Trong khi đó, khu vực Nam Bộ chuẩn bị bước vào mùa mưa nên hạn hán không tác động nhiều.
Bà Lan dự đoán từ nay đến cuối năm sẽ xuất hiện một số loại hình thời tiết cực đoan như dông sét, mưa đá, lốc xoáy, vòi rồng ở giai đoạn chuyển mùa. Ngoài ra, bão sẽ xuất hiện từ khoảng giữa cuối năm trở đi và không loại trừ khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh, cấp độ siêu bão. Ở các thành phố lớn có nguy cơ ngập úng do mưa lớn gây ra.
Sỹ Đông
Theo Zing.vn