Lần đầu được xem tục hỏa táng ở Nepal
Ngôi đền thiêng Pashupatinath, di sản văn hóa thế giới ở Katmandu, Nepal không chỉ là ngôi đền. Đây là nơi diễn ra nhiều nhất các nghi lễ hỏa táng của người Nepal theo đạo Hindu.
Khi ra sân bay Tribhuhan lên chuyến bay rời thủ đô Nepal là Katmandu về Việt Nam, tôi lại đi qua con sông Bagmati chảy ngang ngôi đền thiêng Pashupatinath. Nhìn qua ô cửa xe, tôi thấy khói bốc lên từ bờ sông, từ những ụ tròn được xây nhô cao bên bờ sông mà tôi đã quen nhìn từ lần đầu đến đền Pashupatinath. Những làn khói của một cuộc thiêu xác. Vậy là, ngày đầu tiên đến và ngày cuối cùng rời thủ đô của Nepal, Katmandu đón và tiễn tôi với những làn khói “đặc biệt” của người theo đạo Hindu, tôn giáo chính của Nepal.
Ấn tượng khó thể quên
Trước tiên, phải nói một chút về 1 trong 7 di sản thế giới của Nepal ở thủ đô Katmandu này. Nằm bên bờ con sông Bagmati, Pashupatinath là ngôi đền Hindu lớn nhất Nepal, cũng là ngôi đền thờ thần Shiva quan trọng nhất của xứ này. Pashupatinath là một quần thể gồm rất nhiều ngôi đền khác nhau nằm trải dài theo triền đồi cao đến bờ sông, được xây dựng trong nhiều thế kỷ. Công trình mới nhất cũng có từ thế kỷ 19, bên cạnh đó, nhiều kiến trúc khác trong quần thể ngôi đền này, đã có từ thế kỷ thứ 5, 6 hoặc 14,15.
Thật tình cờ ngoài dự tính, ngày đầu tiên suýt lạc bạn đồng hành trong ngôi đền thiêng Pashupatinath rất rộng lớn này, cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến như thế nào là một buổi hỏa thiêu. Tôi khá sốc. Vì cứ nghĩ rằng chuyện này đã không còn ở Nepal, hoặc nếu có, chắc cũng rất ít. Nhưng không phải vậy. Trong buổi chiều lang thang quanh ngôi đền, tôi đã thấy cả chục lễ hỏa táng như thế dọc dài theo bờ sông.
Cũng tương tự người Ấn Độ khi chết thường hỏa thiêu trên con sông Hằng linh thiêng, người Nepal theo đạo Hindu chọn hỏa thiêu trên con sông thiêng Bagmati chảy qua thành phố Katmandu này. Tuy nhiên, nếu sông Hằng rộng lớn mênh mông thì con sông Bagmati đoạn chảy qua đền Pashupatinath lại nhỏ như con rạch với bề ngang chừng bằng Nhiêu Lộc của Sài Gòn nhưng cạn hơn và bị chặn dòng thành rất nhiều đoạn. Không biết có phải tại mùa kiệt nước hay sao mà nó trông như một con suối cạn khá lem luốc, bụi bặm. Hai bên bờ sông được xây thành các bậc tam cấp, đoạn chảy qua đền Pashupatinath có nhiều bậc tam cấp hơn và nhiều ô tròn hình trụ có đường kính khoảng 2m. Đây là nơi để tiến hành lễ hỏa táng.
Hôm ấy có rất nhiều đám lửa thiêu xác ở đây. Có đám đã sắp tàn, có đám còn đang mù khói, có đám vừa bốc lên, và rất nhiều đám đang chờ đốt, với những xác người được phủ trong vải liệm trên các bờ dốc cạnh tam cấp nhuốm loang lổ màu đỏ tưởng như màu máu. Đám lửa sẽ cháy trong khoảng 3 giờ, nếu hộp sọ không bể, người làm hỏa táng sẽ đập cho nó vỡ, thoát ra tiếng kêu. Với họ, như thế là nghi thức hoàn tất để linh hồn có thể phiêu diêu về cõi khác vĩnh viễn. Nếu thiêu đốt không hết, tất cả những gì còn sót sẽ được đưa xuống sông. Tôi tuyệt nhiên không nghe thấy những tiếng ồn ào huyên náo thê lương hay nhìn thấy ở các đám ma, kể cả tiếng khóc. Chỉ có sự yên lặng, tiếng động của việc bưng bê chất củi, rơm, xác, và khói. Thật ra thì có những tiếng khóc rất nhẹ, nhưng không não nề thê lương thường thấy ở nhiều đám ma. Những người thân của người chết đang nhìn đám cháy từ bên kia sông – nghe nói rằng theo tục lệ, người thân của người đã khuất không được ở quá gần. Và những đám đông khác đang nhìn. Bên kia sông, bầy quạ bay lên bay xuống, những ngườI Nepal khác ngồi bình yên sưởi nắng, thong thả làm những việc của mình và nhìn về những đám hỏa táng rất bình thản.
Và cảm giác khó tả của lữ khách…
Hôm ấy, dọc dài theo bờ sông có rất nhiều lễ hỏa táng khác chuẩn bị diễn ra. Khói từ các đống lửa hỏa thiêu bốc lên rất nhiều, tôi nghe có mùi tử khí bay ngược xuội theo gió, kéo lên trên đồi cao dù tôi đã đi khỏi nơi này khá xa. Cái mùi khói rất không quen, lạ lạ và thoáng chút nằng nặng. Cũng như khi nhìn thấy đôi chân người chết thò qua tấm vải liệm, tôi lại không thấy rùng mình, điều đáng ngạc nhiên với một “kẻ nhát gan có bằng” như tôi. Không xa lắm, cũng trên một cái bệ tròn dùng để thiêu xác ấy, một người Nepal đang nằm say ngủ trông rất thanh thản như đấy là chiếc giường tròn tự nhiên ngoài trời êm ái nhất. Sự sống chết là một lẽ rất vô thường.
Người Nepal theo đạo Hindu tin rằng được hỏa táng trên con sông thiêng này sẽ sớm được siêu thoát. Ngôi đền thiêng có nhiều di tích cổ hàng trăm năm và nơi được chọn để tiến hành lễ, cũng là nơi nhiều người Nepal chọn làm chốn cuối cùng của đời mình trước khi bước qua thế giới khác bằng lễ hỏa thiêu.
Chẳng biết con sông Bagmati ấy ngày xưa thế nào, chứ hiện tại, trong mắt lữ khách tôi, thì nó đã quá tải cho những đám hỏa táng ấy. Dù sau này, Nepal có những nhà hỏa táng bằng điện hiện đại, và cách không xa ngôi đền Pashupatinath cũng có một lò hỏa táng như thế., nhưng nhiều người Nepal vẫn chọn cách hỏa táng cổ xưa này! Mùa này dòng sông đang cạn khô, nhiều nơi trông như một con lạch nhỏ, nên kém vẻ đẹp lung linh như tôi mường tượng. Kiệt nước, nhưng có lẽ Bagmati sẽ không bao giờ cạn, bởi vai trò quan trọng của nó hàng trăm năm qua, khi con sông thiêng đã gánh trên mình trọng trách là chảy qua nhiều kiếp luân hồi…
Bài và ảnh: Lê Minh Hạ