Ông già bán tuổi thơ
Mâm đồ chơi đơn sơ vài con chuột, con rùa, con rắn của ông Chuột ngót nghét cũng có mặt trong thành phố gần 30 năm. Người qua đường cũng không xa lạ gì với hình ảnh ông già bán đồ chơi dân gian ngồi một góc đường như thể một người lưu giữ ký ức tuổi thơ của trẻ con nơi thị thành.
Giữ lấy ký ức tuổi thơ
“Hi! Mr Mouse”. “Ông Chuột ra rồi kìa”. “Hôm nay, ông có con chuột màu xanh cho con chưa?”.
Bọn trẻ tíu tít, có cả đám trẻ con nước ngoài theo ba mẹ du lịch, đứa tiếng tây, đứa tiếng ta rối rít, rồi tụm năm, tụm bảy ngồi cạnh ông Chuột, chờ xem những món đồ chơi ông chuẩn bị dọn ra. Không chỉ khách hàng quen thuộc, khách du lịch nước ngoài cũng thích thú với mâm đồ chơi thủ công đầy màu sắc của ông Chuột.
Cứ khoảng 4 giờ chiều, ông Chuột (tên thật Nguyễn Kim Hạnh, 76 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bắt đầu dọn mâm đồ chơi với những con vật ngộ nghĩnh, đầy màu sắc như chuột, rắn, rùa, bướm, ong… bày bán khi thì phía trước Nhà thờ Đức Bà, lúc lại thấy ông ngồi bán trước nhà sách trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Và cái tên “ông Chuột” hay “Mr Mouse” cũng bắt đầu từ đó. “Hồi đầu, bác chỉ bán con chuột với con rắn màu sắc xanh đỏ vậy thôi, sau này mới gắn thêm bông hoa cho nó ngộ nghĩnh, con nít nó mới thích. Người ta thích mua nhiều nhất là con chuột, con chuột bác làm cũng nhiều màu sắc, chi tiết hơn, nên người ta đặt bác là ông Chuột, còn khách nước ngoài họ kêu là Mr Mouse”, ông Hạnh kể.
Khách hàng quen thuộc của ông Chuột là đám trẻ con. Nếu ba mẹ cho tiền mua thì ông lựa ngay con vật đẹp nhất, dễ thương nhất cho bọn trẻ, còn không thì ông cũng cho mượn cầm chơi đến khi chán thì trả lại. “Cuối tuần hay dắt tụi nhỏ ra đây chơi, mới tuần trước quên mang tiền theo nhưng bác vẫn cho nhóc nhà mình mượn con chuột chơi tới lúc bác gần dọn về thì mới trả, bác vẫn vui vẻ chứ không có khó khăn gì”, chị Nguyễn Lan Anh (27 tuổi, ngụ quận 3) kể.
Con chuột, con rắn, rùa hay bươm bướm… làm bằng cao su, với vẻ ngoài xanh đỏ cùng những chi tiết bông hoa ngộ nghĩnh trên mình, phía dưới có gắn bánh xe nhỏ. Món đồ chơi dân gian thủ công, cùng sợi dây nối vào con vật, kéo lên kéo xuống thì con thú di chuyển, ấy vậy mà bọn trẻ vẫn mê tít suốt gần 30 năm qua. Chị Minh Hoàng (39 tuổi, ngụ quận Tân Bình), cho biết: “Tụi nhỏ mê món đồ chơi này thì mình cũng yên tâm hơn là để con suốt ngày cầm máy tính bảng hay điện thoại chơi game”.
Ở cái tuổi xế chiều, gia đình cũng không quá khó khăn để ông phải bươn chải kiếm tiền từ những món đồ chơi dân gian này, nhưng ông Chuột vẫn gắn bó bên mâm đồ chơi được ngày nào hay ngày đó. Không phải để thể hiện rằng ông tài năng, hay khéo léo khi giữ được những món đồ chơi dân gian trong thời buổi hiện đại, đồ chơi điện tử tràn lan, với ông chỉ đơn giản rằng nó thuộc về tuổi thơ.
“Hồi xưa, muốn có món đồ chơi phải nhờ ba mẹ hay chú bác trong nhà làm giùm mới có mà chơi, còn bây giờ đâu thiếu thứ gì nên tụi nhỏ đâu còn phải chờ đợi mấy món đồ chơi đơn giản vầy. Tôi giữ lại không phải vì có tài hay giỏi gì đâu, chỉ là tôi muốn giữ lại kỷ niệm tuổi thơ để tụi nhỏ sau này còn biết tới mấy món đồ chơi thủ công”, ông Chuột bộc bạch.
Khéo léo từ bàn tay tật nguyền
Không chỉ khách quen trong thành phố, khách nước ngoài cũng thích thú với mâm đồ chơi của ông Chuột, bởi ông biết nói 3 ngoại ngữ, nên giao tiếp, trò truyện với khách rất rôm rả. Ông Chuột kể, vì lúc nhỏ ông học tú tài đôi nên nói tiếng Anh, tiếng Pháp rành lắm, nhất là tiếng Anh. Thời thanh niên, ông cũng làm qua nghề hướng dẫn viên du lịch, nên ông cũng biết giao tiếp bằng tiếng Nhật một chút.
Những biến cố gia đình cùng cơn bạo bệnh khiến đôi bàn tay của ông bị teo cơ, co quắp lại, những ngón tay cử động khó khăn và rất chậm. Không thể tiếp tục công việc của một hướng dẫn viên du lịch được nữa, ông thử qua công việc làm đồ chơi bằng giấy để bán. Theo lời ông Chuột kể, những con vật ban đầu ông làm bằng giấy cũng không mấy người mua và nhất là những trận mưa đến không báo trước, chạy không kịp thì coi như xong. Rồi ông chuyển sang làm đồ chơi bằng cao su, con mắt, cái miệng, lỗ tai đến từng cái hoa nhỏ trên mình các con thú đều được ông tỉ mẩn làm thủ công từng thứ một. Đến khâu xếp hoặc gấp để tạo hình thì phải nhờ bà xã, vì tay ông khó mà gấp vào nếp được.
Mâm đồ chơi con thú làm thủ công dân gian của ông Chuột đầu tiên được bán ở Chợ Lớn vào năm 1990, cũng không mấy khách quan tâm. Một vài khách mua vì thấy con vật làm thủ công nhưng kéo sợi dây lên xuống thì di chuyển được cũng khá thú vị, nhưng dần dà nhiều khách nước ngoài để ý. Rồi ông bắt đầu làm thử những con vật trong 12 con giáp. Con chuột được nhiều khách mua. Cũng từ đó mà người ta biết đến ông Chuột bán đồ chơi dân gian nhiều hơn. Anh Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi, một Việt kiều định cư tại Mỹ) chia sẻ: “Lần này, về thăm họ hàng rồi ra đây chơi, thấy ông còn bán, tự nhiên thấy lòng mình vui lắm như gặp tuổi thơ, hồi học cấp 1 cũng hay xin tiền mẹ để mua con chuột, con rắn của ông”.
Cũng không biết ông Chuột còn ngồi đó bán đồ chơi được bao lâu nữa, nhưng chắc hẳn trong ký ức của nhiều người lớn lên nơi thị thành này, sẽ không quên được một ông già bán đồ chơi dân gian. Một ký ức mà nhiều năm tháng qua đi người ta vẫn sẽ còn nhớ mãi, đơn giản là vì nó thuộc về tuổi thơ. Những món đồ chơi dân gian làm thủ công của ông Chuột cũng không thể nằm ngoài quy luật phát triển chung của cuộc sống, cái mới, hiện đại sẽ dần thay thế những cái cũ. Nhưng những con thú làm thủ công bằng giấy, bằng cao su vẫn tồn tại suốt gần 30 năm qua, như một minh chứng về sức sống của món đồ chơi dân gian vẫn tồn tại giữa thị thành hiện đại.
Thiên Thanh
Theo Sài Gòn Giải Phóng Online