Tương lai bền vững nào cho chốn ‘sơn kỳ thủy tú’ Ngũ Hành Sơn?

Ngũ Hành Sơn giờ đã vang danh khắp nơi nhờ lượng khách quốc tế. Chỉ hi vọng lữ khách phương xa cũng sẽ như nhà sư Thích Đại Sán ngày nào, đến để thán phục và sẽ nhắc đến vẻ đẹp đặc biệt còn mãi của thắng cảnh tuyệt vời này.

Hình ảnh di tích Ngũ Hành Sơn trên tem thư được người Pháp chụp đầu thế kỷ trước - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Hình ảnh di tích Ngũ Hành Sơn trên tem thư được người Pháp chụp đầu thế kỷ trước – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, với những ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống văn hóa, tâm linh của người dân xứ Quảng, vừa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Gìn giữ những giá trị “sơn kỳ thủy tú” nơi này ra sao trên con đường phát triển du lịch sắp tới?

Niềm tự hào xứ Quảng

Hơn 300 năm trước, danh tăng Trung Hoa Thích Đại Sán (1633-1704, còn có tên khác là Thạch Đầu Đà) theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu ghé xứ Đàng Trong giảng giải Phật pháp, đã ghé ngang Đà Nẵng vào năm 1695. Tháng 6 năm ấy, ông đã có chuyến du ngoạn sơn thủy “lên thuyền ra cửa bể, đi ngang Ngũ Hành Sơn, ghé chơi chùa Tam Thai”, khám phá những hang động và non nước nơi đây, gặp gỡ và đàm đạo với các nhà sư khác.

Khi về nước, ông đã xuất bản cuốn sách ghi lại toàn bộ chuyến đi giảng giải Phật pháp mang tên Hải ngoại kỷ sự (cuốn sách có nói tới Bãi Cát Vàng – tức Hoàng Sa – của nhà Nguyễn). Trong đó chuyến ghé thăm Ngũ Hành Sơn được mô tả tỉ mỉ trong quyển IV của Hải ngoại kỷ sự kèm vài bài thơ.

Trong phần này, ông đã sửng sốt trước phong cảnh độc đáo: “Núi Tam Thai trước mắt. Nghìn đồi quanh co, đều bằng đất, chỉ có gò núi đá Tam Thai đứng cao chất ngất, hai hòn lớn day mặt ra nước, còn một hòn nhỏ hơn. Nhìn xa, hình núi suôn sẻ, lại gần, trông lên, có nhiều cây lớn hai, ba vòng ôm, mọc từ trong hốc đá”.

Trước khi có tên núi Ngũ Hành Sơn, nơi này mang hàng loạt danh xưng như núi Ngũ Chỉ Sơn, Ngũ Uẩn Sơn, Tam Thai, Non Nước… Tên gọi Ngũ Hành Sơn được dân gian đặt dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành, nên các ngọn núi là: Kim Sơn – Mộc Sơn – Thủy Sơn – Hỏa Sơn – Thổ Sơn. Tên gọi này chính thức được xác lập bằng một án văn năm 1837 của vua Minh Mạng.

Ngũ Hành Sơn có ảnh hưởng lớn tới đời sống văn hóa của người xứ Quảng, thông qua những truyền thuyết sinh ra từ địa hình, thế núi kỳ thú nơi này. Đây thực sự là một tuyệt tác thiên nhiên với núi đá dựng đứng giữa mênh mông cát trắng, kẹp giữa biển và sông.

Sự kỳ lạ về yếu tố địa chất của những ngọn núi đã được nhà nghiên cứu Simard miêu tả và lý giải trong Nghiên cứu sự thành lập đất đai ở Đông Dương (xuất bản năm 1907). Simard nhận định: “Những hang động trên núi vừa giống hình trụ vừa giống hình chóp, thường cao và mở lên phía trên, chúng thông với bên ngoài bằng những đường hầm quanh co và tường thành trơn láng.

Vì không có núi vôi nào trong phạm vi Đà Nẵng, những núi đá này có thể là nguồn gốc thạch tàm (Madréporique – một thực động vật hình thù như san hô có bộ xương bằng chất vôi, sinh tụ gần bờ đá ngầm do san hô cấu thành hoặc những đảo san hô) và chúng yên nghỉ trên những phiến nham lân cận.

Núi Ngũ Hành Sơn ngày nay - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Núi Ngũ Hành Sơn ngày nay – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Chắc chắn chúng phát triển trong nước biển bao la của rong san hô trải dài tới phía nam Trung Hoa, đông bắc Bắc Kỳ; có thể chúng vào loại núi đá vôi ở vịnh Hạ Long, ở Lạng Sơn và bờ biển phía nam Trung Hoa”.

Trước khi thuộc về Đại Việt, Ngũ Hành Sơn từng là một trung tâm cư trú, giao thương, trung tâm tín ngưỡng của người Chăm với nhiều di tích vẫn còn trên núi đến ngày nay. Sau cuộc Nam tiến, nơi đây trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng.

Đến nay, những bằng chứng từ thế kỷ 17 cho thấy Phật giáo ở đây đã có ảnh hưởng rộng khắp và mang tính quốc tế, đặc biệt với những thương gia Nhật Bản và Trung Hoa đến Hội An giao thương, với vô vàn dấu tích nay vẫn còn khắp nơi trên ngọn Thủy Sơn.

Năm 2010, một nhóm nhà sư ở ngôi chùa cổ nước Nhật đã tới Ngũ Hành Sơn để tặng phiên bản bức tranh Thác Kiến Quan Thế Âm có từ 400 năm trước. Đây là bức vẽ tượng Phật ngồi phiêu diêu tự tại trên tảng đá, phía sau người là ánh sáng hào quang, cùng với bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ là hai bức tranh được xem là quốc bảo của Nhật Bản.

Theo các nhà sư Nhật, bức Thác Kiến Quan Thế Âm là món quà của An Nam quốc vương (thời Nguyễn) thỉnh từ chùa Ngũ Hành Sơn tặng thuyền Châu Ấn của dòng họ thương nhân Chaya, khi thuyền đến buôn bán tại Hội An thế kỷ 17. Khi về nước, thương nhân Chaya mới mang đến tặng cho chùa và được lưu giữ cẩn thận đến nay.

Bằng chứng về dấu tích của thương gia Nhật ở Ngũ Hành Sơn được xác thực vào năm 1640, trên tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật khắc vào vách đá trong động Hoa Nghiêm ở ngọn Thủy Sơn. Bia ghi lại công đức những người đã đóng góp xây dựng chùa. Trong số hơn 30 cái tên có tên của 8 người Nhật cùng vợ được khắc kèm thông tin quê quán, số tiền cúng dường.

Danh sách thương nhân Nhật Bản ủng hộ tiền xây chùa trên núi Ngũ Hành Sơn được khắc vào vách đá hơn 400 năm trước - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Danh sách thương nhân Nhật Bản ủng hộ tiền xây chùa trên núi Ngũ Hành Sơn được khắc vào vách đá hơn 400 năm trước – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Để không mang đá ghè chân mình

Danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia năm 1980.

Nhưng gần 40 năm qua, nơi đây đã bao lần đứng trước sự “bào mòn” khắc nghiệt của thiên nhiên và của chính con người.

Đã có một thời người dân làm nghề đá dưới chân núi “tự ăn đuôi mình”. Người ta khai thác đá ngay tại chỗ để làm nguyên liệu chế tác đồ mỹ nghệ, để lại những vết hàm ếch sâu đến nỗi vào năm 2011, một khối đá gần 100 tấn rơi từ độ cao trên 50m đè sập nhà hai hộ dân dưới chân ngọn Mộc Sơn.

Những áp lực phát triển kinh tế khác cũng đã khiến người Đà Nẵng tự “lấy đá ghè chân mình” bằng việc mở đường lớn, xây chùa to, phá vỡ không gian cảnh quan của 5 hòn núi. Chưa hết, khu vực từ phía ngọn núi hướng ra biển đang dần hình thành một “bức tường resort”.

Xét ở góc độ văn hóa di sản thuần túy theo Luật di sản, vùng đệm xung quanh cả năm ngọn núi này đều bị xâm hại nghiêm trọng trong một thời gian dài.

Năm 2009, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn với tổng vốn dự kiến 2.000 tỉ đồng. Dự án đã nhiều lần được thành phố đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư, liên tục được chào mời tại nhiều diễn đàn, nhưng đến nay nhiều nhà đầu tư vẫn im hơi lặng tiếng.

Sau khi được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, UBND Q.Ngũ Hành Sơn cho biết đã có kế hoạch cùng các đơn vị chức năng TP làm việc với Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) tiến hành quy hoạch tổng thể đối với di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Ông Lê Ngọc Nhất, phó trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, cho biết đơn vị thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo yếu tố gốc của di sản và phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể của di tích này.

Khách tham quan hệ thống hang động ở ngọn Thủy Sơn (Ngũ Hành Sơn) - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Khách tham quan hệ thống hang động ở ngọn Thủy Sơn (Ngũ Hành Sơn) – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Ngoài những dịch vụ hiện có, trong năm 2019 sẽ đưa vào khai thác dịch vụ du lịch cụm núi phía tây danh thắng Ngũ Hành Sơn dựa trên vẻ đẹp sông, núi, ruộng đồng. Trong đó kết nối điểm tham quan cho du khách là động Huyền Vy, Tam Thanh, Quán Thế Âm và Bảo tàng Phật giáo. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là cách khai thác bền vững và tôn trọng những giá trị di sản có một không hai của nơi này.

Ngũ Hành Sơn giờ đã vang danh khắp nơi nhờ lượng khách quốc tế không ngừng đến đây. Chỉ hi vọng những lữ khách phương xa cũng sẽ như nhà sư Thích Đại Sán ngày nào, đến để thán phục và sẽ nhắc đến vẻ đẹp đặc biệt còn mãi của thắng cảnh tuyệt vời này.

Khách đến Ngũ Hành Sơn liên tục tăng

Ông Lê Ngọc Nhất cho biết trong 5 năm qua, lượng du khách đến với khu danh thắng này liên tục tăng, đặc biệt là khách quốc tế. Năm 2013, lượng khách đạt khoảng 600.000 lượt (168.000 khách quốc tế). Năm năm sau, 2018, gần 2 triệu lượt khách tới đây (trong đó có hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế).

 

Bảo tồn giá trị “sơn kỳ thủy tú”

Tại buổi trao bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Ngũ Hành Sơn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy ghi nhận đây “là một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên sơn kỳ thủy tú mà tạo hóa đã ban tặng cho Đà Nẵng, với hệ thống hang động đá đa dạng về hình thái và sự tồn tại của hàng chục ngôi chùa với hàng trăm di vật, cổ vật quý hiếm. Đó cũng là nơi lưu dấu của nền văn hóa Chămpa rực rỡ”.

Bà lưu ý thành phố quan tâm tu bổ các yếu tố gốc tại di tích, thiết lập không gian trưng bày các sản phẩm làng nghề đá Non Nước để quảng bá rộng rãi tới thị trường trong nước và quốc tế, liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực để đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo nên chuỗi giá trị gia tăng ngày càng lớn…

Trường Trung

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục