8 xu hướng tiêu dùng của thị trường Đông Nam Á
Công nghệ cao, ưu tiên sự thuận tiện, thân thiện với sức khỏe và môi trường sẽ là những thị hiếu mới của người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á.
ASEAN: Ngôi sao sáng trên nền kinh tế toàn cầu
Những năm gần đây, khu vực Đông Nam Á đang ngày càng khẳng định vị thế và vai trò của mình đối với nền kinh tế thế giới. Bên cạnh những nền kinh tế công nghiệp mới (NICs) như Thái Lan, Singapore, những quốc gia Việt Nam hay Philippines đang đạt tốc độ phát triển cực kỳ mạnh mẽ và có nhiều thành tựu vượt bậc.
Vừa qua, đại dịch Covid-19 đã giáng những đòn mạnh lên kinh tế toàn cầu. Tuy cũng gặp nhiều thiệt hại, nhưng với công tác phòng chống dịch tốt cùng nền kinh tế có sức đề kháng cao, các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam đang bắt tay vào công cuộc tái thiết lại nền kinh tế, chớp lấy cơ hội tỏa sáng.
Các chuyên gia cho biết, đại dịch Covid-19 có thể gây ra những hậu quả nặng nề trong ngắn hạn, nhưng cũng đem lại nhiều giá trị trong tương lai phát triển của thị trường.
Ngoài ra, thương chiến Mỹ – Trung diễn biến ngày càng phức tạp cũng tạo ra không ít cơ hội cho khu vực Đông Nam Á – hàng xóm của gã khổng lồ Trung Quốc.
Cùng với sự phát triển, cơ cấu dân số và phân bổ thu nhập của các nước trong khu vực cũng có nhiều chuyển biến. Bộ mặt của thị trường các nước ASEAN hứa hẹn sẽ có sự thay đổi rõ rệt.
8 xu thế của thị trường ASEAN
Đánh giá cao tốc độ phát triển của thị trường ASEAN, Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF quyết định lựa chọn khu vực này làm chủ đề nghiên cứu của dự án Tương lai của Tiêu dùng trong những Thị trường tăng trưởng cao 2019 – 2020.
Báo cáo dự án đã chỉ ra 8 xu thế nổi trội quyết định tới định hướng thị trường Đông Nam Á.
Đầu tiên, quy mô thị trường sẽ tăng gấp đôi nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Theo dự đoán của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đến năm 2030, tầng lớp trung lưu sẽ chiếm khoảng 67% dân số Đông Nam Á, trong đó tỷ lệ cao nhất thuộc về Indonesia với khoảng 75%.
Các chuyên gia của WEF đánh giá, nhóm ngành F&B sẽ nhận được lợi ích lớn từ xu thế này, đặc biệt là tại Việt Nam và Philippines – nơi người dân trung bình chi tới khoảng 40% thu nhập cho các dịch vụ ăn uống.
Bên cạnh đó, các ngành điện tử, giáo dục và giao thông vận tải cũng sẽ chứng kiến mức gia tăng lớn về nhu cầu.
Thứ hai, người tiêu dùng ngày càng chú trọng giá trị thực chất của sản phẩm. Đây được cho là hệ quả của những lệnh giãn cách xã hội khiến cho nhu cầu về nhu yếu phẩm gia tăng đột biến, trong khi các mặt hàng xa xỉ chứng kiến mức tụt giảm đáng kể.
Trung bình thu nhập của người dân ngày càng tăng, nhưng các mặt hàng xa xỉ như siêu xe, đồng hồ, túi xách cao cấp sẽ không còn được ưu ái nữa, thay vào đó là những sản phẩm có giá cả đi liền với giá trị sử dụng, đặc biệt là đồ điện tử công nghệ cao.
Thứ ba, hiện diện kỹ thuật số là điều bắt buộc. Nghiên cứu của WEF chỉ ra rằng, tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, trung bình mọi người dành tới hơn 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho việc sử dụng điện thoại di động. Con số này lên tới hơn 8 tiếng đối với nhóm thế hệ Y và thế hệ Z (nhóm nhân khẩu có năm sinh từ 1982 đến những năm đầu thế kỷ 21).
Theo tổ chức nghiên cứu thị trường Bain, 65% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ sẵn sàng thay đổi nhãn hiệu quen thuộc nếu nhãn hiệu đó không hiện diện trên nền tảng trực tuyến như những đối thủ cạnh tranh.
Thứ tư, công nghệ sẽ xóa bỏ các rào cản kinh tế. Đại dịch đã tạo động lực thúc đẩy các tiện ích về công nghệ bởi nỗ lực của người dân và chính phủ trong việc tiếp cận và phân bổ nhu yếu phẩm.
Điều này tạo ra thuận lợi lớn cho các hoạt động thương mại và thanh toán điện tử, khi người tiêu dùng dần làm quen với các phương thức này. Đây cũng là điều mấu chốt nhằm xóa bỏ những rào cản trong thương mại, bao gồm khoảng cách về vật lý lẫn những e ngại trong tâm lý người tiêu dùng.
Thứ năm, các nhãn hiệu địa phương sẽ chiếm ưu thế. Theo đó, người dân Đông Nam Á ngày càng ưa thích sử dụng các thương hiệu uy tín tại địa phương, bởi tính gần gũi, phản ứng tốt hơn với nhu cầu khách hàng và giá cả cạnh tranh.
Mặt khác, các thương hiệu Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng được thị trường ASEAN đón nhận nhiệt tình hơn so với những thương hiệu phương Tây.
Thứ sáu, sự hiện diện đa kênh trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp. Cùng với sự phổ biến của kỹ thuật số, người tiêu dùng ngày càng hoạt động trên nhiều kênh truyền thông, từ sách báo, truyền hình cho tới trang thông tin điện tử và mạng xã hội.
Hoạt động thương mại không còn đơn thuần chỉ là buôn bán một chiều, mà còn đòi hỏi sự hiện diện đa kênh. Trong xu hướng này, những kênh bán lẻ ngoại tuyến sẽ dần bị hạn chế, thay thế bằng tương tác trực tuyến.
Thứ bảy, thuận tiện trở thành nhân tố quyết định lựa chọn mua hàng. Nền kinh tế càng phát triển, mọi người càng trở nên bận rộn hơn và sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm, dịch vụ đi kèm với các tiện ích nhằm tiết kiệm thời gian.
Theo khảo sát của Bain, 2/3 số người ở Đông Nam Á cho biết họ sẵn sàng bỏ qua những quyền riêng tư và bảo mật nhất định để đổi lấy sự tiện lợi.
Cuối cùng, bền vững là yêu cầu không thể thương lượng. Theo đó, người tiêu dùng Đông Nam Á ngày càng coi trọng những sản phẩm thân thiện môi trường cũng như an toàn cho sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc các giá trị bền vững sẽ bị xem nhẹ trong kế hoạch khôi phục kinh tế một cách bất chấp của các doanh nghiệp và chính phủ. Tuy nhiên, nếu có thì hiện tượng này cũng sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn, do thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng trở nên khắt khe.
Sơn Phạm
Theo theleader.vn
Link nguồn: https://theleader.vn/8-xu-huong-tieu-dung-cua-thi-truong-dong-nam-a-1592884477779.htm