6 lý do để chinh phục ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ

Núi Bà Đen,Tây Ninh từ lâu vốn là một địa chỉ quen thuộc của nhiều người hành hương và du lịch. Thời gian qua, ngọn núi này còn là điểm hẹn của dân ưa thích leo núi.

Leo núi Bà Đen, còn được gọi đùa là “leo núi văn phòng” vì… phù hợp với dân văn phòng, khi mà núi Bà Đen khá thuận tiện về hành trình, không đòi hỏi quá mức về thể lực, miễn là bạn có quyết tâm và sức khỏe một chút. Và cũng như bất kỳ cuộc leo núi nào, khi đã ở trên đỉnh núi, ngắm nhìn thiên nhiên giữa trời mây bao la cùng gió, nắng, sương mù, thấy đồng bằng, thành phố Tây Ninh trải dải bên dưới, hồ Dầu Tiếng phía xa xa… cảm giác thật tuyệt!

Sau đây là những lý do khiến bạn khó có thể “phản biện”.

Đường đi dễ 

Từ Sài Gòn, nếu đi xe buýt, bạn sẽ đi 2 chặng là Bến Thành đi Gò Dầu (Tây Ninh) và tuyến tiếp theo là từ Gò Dầu đi Long Hoa. Nếu đi xe máy hoặc ô tô: đi theo quốc lộ 22 về hướng Tây Ninh – huyện Gò Dầu – quốc lộ 22B tới thị xã Tây Ninh – đi thêm 5 km là tới núi Bà Đen. Ngoài cung đường trên các bạn đi theo lộ trình ngắn hơn: quốc lộ 22 – ngã ba Trảng Bàng – rẽ trái đi Dương Minh Châu.

Leo núi Bà Đen khó lạc, hoặc chỉ bị lạc khi bạn quá lơ đễnh, không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản khi leo núi, vì rừng không quá rậm rạp, dễ quan sát và định hướng. Nếu leo đường cột điện sẽ càng dễ định hướng vì chỉ cần theo hướng cột và dây điện mà đi, là tới. Các lối mòn, ngã rẽ cũng có mũi tên vạch sẵn cẩn thận chỉ đường.

Núi không quá khó leo 

Núi Bà Đen cao 986m là đỉnh núi cao và khó chinh phục nhất vùng đất phía Nam. Đây cũng được coi là địa điểm ưa thích của những bạn trẻ ham xê dịch, thích thử thách bản thân. Với dân leo núi chuyên nghiệp hoặc những ai đã leo Fansipan hay các ngọn núi cao hàng top Việt Nam sẽ không hào hứng với độ cao này cho lắm, nhưng với cư dân Sài Gòn và các vùng lân cận, đặc biệt là với dân văn phòng vốn không có nhiều thời gian tập thể lực, thì đây là ngọn núi vừa tầm và đáng để chinh phục. Đường leo núi không khó dù có khá nhiều tảng đá to, nhiều đoạn dốc khi leo bạn phải cẩn thận, nhưng chỉ cần một chút quyết tâm là được. Những chỗ khó leo nhất cũng có thêm dây, cọc và một số bậc tam cấp làm bằng sắt hỗ trợ.

Đường leo phong phú

Có khá nhiều hướng leo cho bạn chọn: đường chùa (ngắn nhất, nhưng lại dốc nhất, nhiều đá tảng khó vượt qua); đường cột điện (đường dễ leo và phổ biến nhất); đường Ma Thiên Lãnh (khó đi và dài); đường dốc Đá Trắng (khó chinh phục nhất, chỉ thích hợp ai có sức khỏe tốt).

Gợi ý cho bạn là leo đường cột điện và xuống đường chùa. Khi lên hành trình dài hơn, nhưng yên tĩnh, ít rác, dễ có động lực leo tiếp cũng như chia sức, tính toán về thời gian, chỉ cần leo đúng 117 cây cột điện là bạn đã lên đến đỉnh. Khi xuống nhiều cảnh đẹp hơn khiến hành trình xuống núi đỡ mỏi mệt, đoạn cuối đường, gần với lối đi hành hương của người đi chùa đông vui nhộn nhịp cũng giúp bạn đỡ cảm giác đi hoài sao chưa tới!

Thời gian leo linh hoạt

 Với những ai tiết kiệm hoặc không có nhiều thời gian, có thể leo lên buổi sáng, nghỉ trưa trên đỉnh một chút rồi xuống núi ngay trong chiều. Thời gian leo trung bình của một người có sức khỏe bình thường, di chuyển thong thả khoảng 4 tiếng leo lên và 4 tiếng xuống, đã tính cả thời gian nghỉ dọc đường. Nếu bắt đầu từ 7 sáng, bạn vẫn kịp về lại Sài Gòn ngay trong ngày.

Thường thì nhiều người sẽ chọn cách lên trong chiều hoặc từ trưa, hạ trại ngủ đêm trên đỉnh núi rồi sáng hôm sau thong thả leo xuống. Thậm chí, không ít nhóm leo từ lúc 5, 6 giờ chiều, lên đến nơi tầm 11h khuya hoặc hơn một chút. Hôm sau, xuất phát từ tầm 7h hoặc 8h, là đẹp nhất để bạn xuống núi.

Chi phí rẻ

Nếu ở lại đêm, cắm trại trên núi, bạn cần chuẩn bị những dụng cụ tối thiểu là lều, tấm trải giữ nhiệt, túi ngủ hoặc mền, nhưng tiện nhất là túi ngủ. Lều tùy nhu cầu, số lượng mà chọn, tốt nhất nên chọn loại lều 2,4 người cho tiện sắp xếp. Bạn có thể mua túi ngủ với giá từ 150.000 đồng đến 6,700.000 đồng/túi ngủ tùy theo chất lượng và nhu cầu ngủ ở nhiệt độ nào. Thông thường ở Bà Đen, bạn chọn loại túi ngủ ở nhiệt độ 15 độ C. Nếu muốn thuê túi ngủ, lều, tấm bạt, có thể tham khảo ở các trang chuyên cho thuề đồ dân đi phượt, chẳng hạn như www.leutrai.vn. Giá  thuê khá hữu nghị: lều, 60.000 đồng/ ngày, túi ngủ: 20.000 đồng/ngày. Giá  giữ xe máy qua đêm 10.000đồng.

Nếu hết nước hoặc đói bụng bất chợt, có thể mua tại căn tin thanh niên của bộ đội biên phòng chốt trên đỉnh với giá 20.000 đồng, không quá đắt. Nói chung, chi phí cho một chuyến leo núi không quá 300.000 đồng/ người cho 2 ngày. Một chi phí dễ chịu đúng không?

Vì ngọn núi sắp mất!

Đây là lý do quan trọng nhất. Bà Đen bình yên xưa nay đã không còn. Đỉnh núi bây giờ ngổn ngang đất cát, vật liệu xây dựng, cáp tời, xe ủi, xúc, đất đá vương khắp nơi vì ở đây người ta đang làm công trình xây dựng cáp treo lên đến đỉnh. Cả đỉnh núi nhỏ này như một công trường. Người leo núi hơn một năm nay, nếu chậm chân, ban đêm không cắm được lều tại khu vực gần hòn đá có gắn chóp độ cao, đành phải cắm lều ngay tại khu vực công trường ngổn ngang ấy. Khu vực này cũng không còn thoải mái đi lại như trước nữa.

Vì thế, bạn hãy nhanh chân lên trước khi ngọn núi này trở thành trạm cuối của cáp treo. Lúc ấy, nguy cơ không còn đỉnh Bà Đen để leo là có thật.

L.M.Hạ

Cùng chuyên mục