4 điều bạn không nên làm khi leo núi Chứa Chan
Núi Chứa Chan, ngọn núi cao thứ nhì ở miền Nam, là điểm đến rất được ưa thích của không chỉ người hành hương mà cả với dân du lịch, đặc biệt là những ai thích leo núi.
Với người hành hương, núi Chứa Chan hay còn gọi là núi Gia Lào, từ lâu đã là nơi quen thuộc để viếng ngôi chùa Bửu Quang nổi tiếng linh thiêng ở gần đỉnh núi. Còn với dân ưa xê dịch, núi Chứa Chan là điểm đến rất được ưa thích những năm gần đây. Tuy nhiên, bạn đọc cần nhớ những điều không nên làm sau khi leo núi Chứa Chan.
Không nên “leo sao xuống vậy”
Nghĩa là không nên giản đơn hoá hành trình, lên theo hướng nào thì xuống hướng đó. Bạn sẽ phải hối tiếc. Có 2 lối lên thông dụng là hướng cột điện và hướng chùa. Gợi ý người viết là leo đường đột điện và xuống đường chùa (tượng tự như khi leo núi Bà Đen). Lý do, đường cột điện, có các cột điện đánh số như cột mốc cho bạn biết độ dài hành trình còn bao nhiêu chặng phải chinh phục và chuẩn bị sức khoẻ, cũng như chọn quãng nghỉ phù hợp.
Khi xuống núi bằng đường hướng xuống chùa, đây là một không gian khác hoàn toàn cảnh vật của đường lên. Đường rất dễ đi, thoai thoải. Sẽ có rất nhiều đoạn bạn phải tạm dừng chân để chụp ảnh hoặc ngắm cảnh đấy. Mùa này cỏ lau mọc rất đẹp và những rừng tre, tầm vông…cũng là địa điểm khó bỏ qua.
Nhiều người cho rằng đoạn xuống núi tính từ các bậc tam cấp của chùa Bửu Quang, có hàng quán kín hết dọc hai bên lối đi, cảm giác không thoải mái. Nhưng, sao bạn không nhìn nó như một sự trải nghiệm hay ho khi lướt qua đời sống của xóm bán hàng độc đáo, nhiều mảnh đời bám theo những bậc tam cấp dẫn lên chùa, sống nhờ vào khách hành hương gần xa mấy chục năm nay. Cũng thú vị lắm. Chưa kể, chỉ có xuống đường chùa, bạn mới có dịp ngắm cây đa cổ thục ba gốc một ngọn hiếm thấy.
Không nên vội vàng
Một người leo núi có sức khoẻ bình thường sẽ mất tầm 2h30 phút để lên đến đỉnh. Và tốn chừng ấy thời gian hoặc ngắn hơn để xuống núi. Đó là tốc độ rất thong thả. Nếu bạn muốn dừng chân để nghỉ ngơi, chụp ảnh, ngắm cảnh thì thời gian có thể lâu hơn. Nên mới có lời khuyên là bạn không nên vội. Nhiều người chọn leo lên và về trong ngày, vẫn kịp nhưng cũng đáng tiếc. Lý tưởng nhất là bạn leo lên buổi chiều, tầm 2h30, đến nơi tầm 4h30-5h chiều, kịp thời cho bạn cắm trại, ngắm hoàng hôn, đốt lửa, dùng bữa và ngủ qua đêm giữa thiên nhiên lộng gió, hào sảng mây và sương mù quấn quýt!
Cũng như, không nên vội vã rời khỏi đỉnh. Sẽ rất hoang phí khi bạn đã bỏ công leo lên tận đây rồi lại vội vàng leo xuống. Nhiều người lên tới nơi, xem việc chinh phục đỉnh núi là việc đã hoàn thành và vội xuống núi cho kịp giờ, không dành thời gian để kịp nhận ra cảnh trên đỉnh núi là cảnh đẹp nhất ở núi Chứa Chan mà thiên nhiên ban tặng cho bạn.
So với núi Bà Đen, ngọn núi Chứa Chan rộng rãi thoáng đãng hơn, có lẽ vì đỉnh núi không bị người ta giành giật mất, biến thành công trường xây dựng cáp treo. Chính vì thế, bạn sẽ cần có nhiều thời gian để ngắm cảnh từ ngọn núi. Khi đứng ở những mỏm đá trong đó có mỏm có chóp đánh dấu độ cao, bạn có cảm giác khác. Khu hạ trại thấp hơn nhìn về thị trấn Xuân Lộc, cảm giác khác. Trong rừng cây gần trạm điện, khu quân đội, cảm giác khác.
Không nên quên mang theo bao đựng rác
Rất nhiều nhóm phượt đã lên đến đây với rất nhiều đồ đạc chỉ để chuẩn bị cho buổi ăn tối hoặc ăn khuya thật hoành tráng. Có thể nhận biết vết tích của những buổi nấu ăn này qua các đống lửa, than tắt vội và cơ man là rác. Không phải ai cũng mang xuống tất cả những gì mình đã mang lên. Rác ở núi Chứa Chan chưa nhiều như núi Bà Đen nhưng nhìn rác có thể đoán ngay được chúng đến từ đâu. Chủ yếu vẫn là bao ni lông, vỏ chai các loại và cả các vỉ sắt nướng thịt – món được ưa chuộng khi lên đỉnh núi. Theo quan sát của người viết, niềm vui ưa thích chinh phục núi non không tỷ lệ thuận với ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường nơi mình đến. Nhiều bãi rác vương vãi hoặc được đốt một cách sơ sài. Cho nên, bạn đừng quên mang theo bao đựng rác. Nếu mình không thể dọn hết rác thải trên đường đi, đỉnh núi, thì xin hay dọn sạch rác, đem xuống núi rác của mình thải ra.
Không nên thuê porter
Trong hình là hai porter (người vận chuyển hành lý cho khách du lịch khi leo núi) không chuyên. Họ là dân hoạt động thể thao, từng tham gia nhiều các cuộc thi đấu về chạy bộ, marathon… Họ vác trên người số lượng lều, túi ngủ và nhiều vật dụng, thực phẩm khác cho một nhóm gần hai chục người leo núi. Hẳn nhiên là trọng lượng khá nặng và họ cũng không phải là porter chuyên nghiệp thường xuyên làm công việc này. Chỉ là sự kết hợp khi thuận tiện, mà trường hợp này là có quen biết với nhóm leo núi từ Sài Gòn đến, nên đi cùng. Mức thù lao cho chuyến cõng “khứ hồi” này là 500.000 đồng/người, một thu nhập không bõ bèn gì so với công sức và thời gian họ bỏ ra.
Leo núi có porter là chuyện rất bình thường. Thậm chí porter đóng vai trò rất quan trọng, quyết định cả sự thành bại với một hành trình chinh phục các ngọn núi. Nhưng với núi Chứa Chan, thì đây là sự lạ rất ít khi xảy ra. Bởi, núi Chứa Chan là ngọn núi chỉ cao 837 m, không cao đến mức thử thách quá sức leo của dân không chuyên, phải nhờ đến porter. Mọi người hoàn toàn có thể mang theo vật dụng cá nhân, lều, túi ngủ trên lưng khi leo núi mà vẫn đủ sức leo, trừ khi bạn quá lười, không muốn vận động và không tự tin vào bản thân mà thôi. Leo núi mà muốn nhàn thân và dễ dàng chân bước, thì thôi ở đồng bằng vào quán máy lạnh cho rồi, phải không thưa bạn đọc?
Sơn Trà