Bùng phát bệnh đốm trắng trên tôm

Bệnh đốm trắng đã khiến tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt ở khắp các vùng nuôi tôm của tỉnh. Bệnh này chưa có thuốc chữa trị nên việc phòng bệnh, hạn chế lây lan là điều rất cần thiết. 

Dịch bệnh đốm trắng đang hoành hành ở các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Diễn biến phức tạp

TP.Tam Kỳ có hơn 150ha ao nuôi tôm nước lợ thì ở vụ 1 này, có 118ha xuất hiện tôm nuôi chết hàng loạt. Ông Nguyễn Văn Phú (thôn Quý Ngọc, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) – nông hộ có gần 1ha ao nuôi tôm bị chết hàng loạt cho biết, nguồn nước sông Trường Giang bị ô nhiễm nghiêm trọng cộng với tôm giống chưa được kiểm nghiệm chất lượng đã khiến tôm chết rất nhanh, khi mới nhận thấy đỏ thân thì tôm đã lờ đờ dạt vào bờ và chết. Theo nhận định của Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, tôm chết do bệnh đốm trắng. Ông Bùi Ngọc Huy – Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh đốm trắng là các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn không có ao chứa lắng để xử lý nguồn nước trước khi cho vào ao nuôi tôm và không có ao xử lý nước thải. “Thời tiết diễn biến phức tạp gây bất lợi đối với con tôm. Hạ tầng các vùng nuôi tôm sơ sài nên dịch bệnh đốm trắng rất dễ phát sinh và dễ lây lan trên diện rộng” – ông Huy nói.

Theo ông Nguyễn Bốn – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, đến nay các nông hộ trên địa bàn đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên tổng diện tích 93ha. Trong đó, đã có khoảng 12ha tôm nuôi bị chết do dịch bệnh đốm trắng, tập trung ở xã Duy Thành (6ha), Duy Vinh (5ha), Duy Nghĩa (1ha). Ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, sau khi có thông tin tôm nuôi chết hàng loạt trên địa bàn, đã phân công ngành nông nghiệp lấy 3 mẫu tôm nuôi ở xã Tam Tiến để phân tích thì kết quả cho thấy tôm đều bị chết do dịch bệnh đốm trắng. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi tôm ở các vùng nuôi khác cũng có dấu hiệu tôm chết tương tự như ở xã Tam Tiến nhưng chưa thể lấy mẫu xét nghiệm được. Còn ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, nhiều nông hộ trên địa bàn các xã Bình Giang, Bình Dương, Bình Sa, Bình Nam đã tiến hành nuôi tôm thẻ chân trắng trước lịch mùa vụ. Toàn huyện có 240ha ao nuôi tôm nước lợ ở vùng triều, các ao nuôi diện tích nhỏ, thiết kế đơn giản nên hầu như năm nào cũng xảy ra dịch bệnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay tổng diện tích tôm nuôi bị chết trên địa bàn là 5,96ha.

Nông hộ thiệt hại nặng vì bệnh đốm trắng trên tôm.

Ứng phó

Trước tình hình bệnh đốm trắng diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An đề xuất Sở NN&PTNT hỗ trợ 2 tấn hóa chất để xử lý, hạn chế lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho các nông hộ trên địa bàn. Các địa phương khác cũng đề xuất tương tự. Bà Hoàng Thị Kim Yến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, đã tham mưu Sở NN&PTNT hỗ trợ 11 tấn hóa chất Chlorin, giúp các địa phương khống chế dịch bệnh đốm trắng. Theo đó, hỗ trợ huyện Núi Thành 3 tấn, Tam Kỳ 2 tấn, Hội An 2 tấn, Duy Xuyên 2 tấn và Thăng Bình 2 tấn.

Ông Nguyễn Hữu Trường – Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết, tất cả mẫu xét nghiệm đều cho thấy tôm thẻ chân trắng của các nông hộ trên địa bàn tỉnh chết do bệnh đốm trắng, không phát hiện bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh vi bào tử trùng. Thời tiết diễn biến bất thường, không khí lạnh kèm theo mưa, nhiệt độ xuống thấp, càng về khuya nhiệt độ càng giảm nên các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong ao nuôi tôm dễ bị biến động đột ngột, phát sinh bệnh đốm trắng. Điều quan trọng nhất là các nông hộ cần quản lý thật tốt môi trường ao nuôi tôm để phòng bệnh. Theo đó, nông hộ nên hạn chế lấy nước vào ao nuôi tôm từ sông Trường Giang, nên lấy nước từ giếng khoan hoặc nước biển. Định kỳ 4 – 5 ngày, sử dụng men vi sinh bổ sung vào ao nuôi tôm để phân hủy tốt các chất hữu cơ, kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh đốm trắng. Khi cho tôm ăn, nông hộ cần bổ sung vitamin C, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

Ông Bùi Ngọc Huy cho biết, đã khuyến cáo nông hộ có tôm bị chết do bệnh đốm trắng khẩn trương xử lý ao bằng Chlorin nồng độ 30ppm (300kg/ha với mực nước ao nuôi 1m), giữ nước 5 – 7 ngày, sau đó cải tạo lại ao nuôi rồi mới bắt đầu nuôi tôm trở lại. Các nông hộ chưa thả nuôi tôm thẻ chân trắng, cần cập nhật tình hình dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi, chờ thời gian thích hợp để bắt đầu thả giống, nuôi tôm.

Bệnh đốm trắng trên tôm nuôi có thể lây truyền theo chiều dọc, vi rút đốm trắng từ bố mẹ truyền sang tôm con; hoặc bệnh lây truyền theo chiều ngang giữa các tôm nuôi trong cùng vùng nuôi hoặc vùng nuôi này sang vùng nuôi khác. Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khuyến cáo, nông hộ cần mua tôm giống đã qua kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng để hạn chế bệnh đốm trắng. Nông hộ cần thay đổi cách nuôi tôm, đầu tư bài bản, có ao chứa lắng, ao xử lý nước thải, nuôi tôm khép kín để hạn chế dịch bệnh phát sinh trên tôm nuôi.

Việt Nguyễn

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/thuy-san/bung-phat-benh-dom-trang-tren-tom-84830.html

Cùng chuyên mục