20 năm gìn giữ Đô thị cổ Hội An

Cách đây 20 năm, vào tháng 12/1999, Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Khu di sản này được đánh giá với ý nghĩa như một “bảo tàng sống – bảo tàng về lịch sử, kiến trúc, dân cư đô thị”.

Hội An trở thành điển hình trong công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Hội An trở thành điển hình trong công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Trong nhiều năm qua, với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng và tinh thần đầy sáng tạo, trách nhiệm của cộng đồng cư dân nên Di sản văn hóa thế giới Hội An không những được bảo tồn hoàn hảo mà còn được phát huy có hiệu quả, bền vững.

Ông Nguyễn Chí Trung – nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, trong 20 năm qua các công trình di tích, kiến trúc vẫn được quản lý một cách nguyên vẹn; công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi, phát huy vẫn gắn với tính chân xác của di sản, di tích. Đồng thời tạo sự phát triển kinh tế đem lại lợi ích cho cộng đồng, địa phương.

Trong 20 năm qua, các thế hệ lãnh đạo thành phố đã có những quan điểm đúng đắn, xuyên suốt thông qua các nghị quyết, chương trình công tác, quy hoạch, đề án, dự án… của Đảng, chính quyền với định hướng xây dựng Hội An – thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch. Chính quyền thành phố đã sớm chủ động ban hành các văn bản về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được nhân dân ủng hộ, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc phòng chống thiên tai, bão lụt, phòng chống cháy nổ, bảo vệ di sản văn hóa được thành phố đặc biệt quan tâm với các dự án và phương án cụ thể; vấn đề tu bổ, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị và tôn tạo di tích cũng được thường xuyên chú trọng. Từ năm 1999 đến nay, từ nguồn thu bán vé tham quan khu phố cổ cùng nguồn vốn ngân sách của các cấp, nguồn đầu tư của nhân dân và tài trợ của các tổ chức quốc tế, Hội An đã đầu tư và hỗ trợ tu bổ 424 công trình, di tích thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân – tập thể.

Hội An cũng đã đẩy mạnh các hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như kiểm kê, nhận diện di sản văn hóa nghề/làng nghề truyền thống như nghề khai thác yến sào Thanh Châu, mộc Kim Bồng, làm gốm Thanh Hà, trồng rau Trà Quế…; bảo tồn và phục hồi các hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian và các giá trị văn hóa truyền thống lễ hội, lễ lệ khác. Trong đó các nghề yến Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đặc biệt, các cuộc vận động xây dựng Hội An – thành phố văn hóa, Hội An – nhân tình thuần hậu được đẩy mạnh triển khai rộng khắp đã góp phần giữ gìn và nâng cao nếp sống văn hóa của con người và vùng đất “hội nhân, hội thủy, hội văn” phố Hội. Công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về những giá trị văn hóa Hội An được tiến hành thường xuyên, bền bỉ cả về diện rộng lẫn chiều sâu đến nhiều đối tượng, nhóm xã hội, cộng đồng dân cư. Hội An nhờ vậy đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế và bạn bè muôn phương, được trao giải thưởng “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á năm 2019”…

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An – Trần Ánh cho rằng, có 2 thành tựu của thành phố mà theo ông rất quan trọng, đáng ghi nhận. Trước hết là nhận thức của người dân – chủ nhân đích thực của di sản đã được nâng lên một cách đáng kể; mọi người dân đều biết trân trọng, giữ gìn, bảo vệ di sản của tiền nhân để lại, từ đó phát huy để tạo ra sinh kế, phát triển kinh tế – xã hội. Kế đến, đội ngũ cán bộ từ quản lý đến tu bổ, phát huy giá trị di sản đã được nâng tầm, kể cả về năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm.

Đỗ Huấn

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/201912/20-nam-gin-giu-do-thi-co-hoi-an-886692/

Cùng chuyên mục