10 năm Cù Lao Chàm được vinh danh: Tiền đề cho tương lai…

Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) vừa được vinh danh nhân kỷ niệm 10 năm ngày được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Khu DTSQTG). Tuy nhiên, với những người làm công tác bảo tồn và những ai yêu quý Cù Lao Chàm, 10 năm qua như là tiền đề cho tương lai.

Phát túi thân thiện với môi trường nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông tại Cù Lao Chàm.

Ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju (Hàn Quốc), Ủy ban Điều phối Quốc tế chương trình Con người và Sinh quyển thế giới của UNESCO đã chính thức công nhận Cù Lao Chàm là Khu DTSQTG. Từ đó, Cù Lao Chàm bắt đầu đứng vào “hàng ngũ” 9 khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam, 669 khu dự trữ sinh quyển tại 120 quốc gia trên thế giới.

Các tài liệu của UNESCO còn đánh giá Cù Lao Chàm là một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự giao thoa, hài hòa giữa thiên nhiên và con người. “Và đây là điều mà Cù Lao Chàm cần gìn giữ và phát huy để mang lại lợi thế, tiềm năng trong phát triển du lịch sinh thái, ổn định sinh kế và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho TP.Hội An và Quảng Nam” – ông Nguyễn Thế Hùng – Phó chủ tịch UBND TP.Hội An bày tỏ nhân kỷ niệm 10 năm ngày Cù Lao Chàm được công nhận là Khu DTSQTG.

10 năm trước, hơn 80% dân số Cù Lao Chàm sống phụ thuộc vào khai thác thủy sản ven bờ và đang đối mặt bởi vấn đề rác thải, nhận thức của người dân về bảo vệ tài nguyên – môi trường. Du khách đến với Cù Lao Chàm rất ít.

Khi nhận diện được thách thức đó, cũng 10 năm trước, Cù Lao Chàm bắt đầu chiến dịch “Nói không với túi ni lông” cũng như bắt tay triển khai các kế hoạch, chương trình, hành động về bảo vệ môi trường khác. Để bây giờ, Cù Lao Chàm trở thành điểm sáng trong việc phát triển du lịch biển đảo gắn liền với bảo vệ môi trường. Và sau khi tổng kết chương trình “Nói không với túi ni lông”, Cù Lao Chàm thực hiện ngay chương trình “Nói không với ống hút nhựa, giảm sử dụng đồ nhựa 1 lần”.

Người dân thực hiện chiến dịch “Cù Lao Chàm cam kết không sử dụng ống hút nhựa”.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học (thuộc Bộ TN – MT) cho rằng, chính sự quyết tâm của người dân, chính quyền địa phương cùng sự hỗ trợ tích cực của nhiều bên, Cù Lao Chàm đã có được thành quả ngày hôm nay. Đồng thời mong rằng tinh thần này sẽ được tiếp tục để nâng tầm thương hiệu Cù Lao Chàm trên bản đồ du lịch thế giới.

Tuy nhiên, với những gì mà Cù Lao Chàm đã làm được, không có nghĩa là sẽ giữ gìn được nếu như không tiếp tục làm tốt hơn, hoặc thay đổi cho phù hợp hơn với sự phát triển. Ông Nguyễn Sự – nguyên Bí thư Thành ủy Hội An đã hơn một lần bày tỏ rằng, với Cù Lao Chàm phải nên chạm cho thật khẽ.

Hôm kỷ niệm 10 năm ngày Cù Lao Chàm được công nhận là Khu DTSQTG (tổ chức đồng thời nhân Lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới), các chuyên gia cũng đã khuyến cáo rằng không nên ngủ quên trên thành quả đã gặt được ở Cù Lao Chàm, mà hãy xem đó là tiền đề cho tương lai, cho chặng đường tiếp theo của phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn thiên nhiên, môi trường.

Bài & ảnh: An Vĩnh

 

 

 

Cùng chuyên mục