Quảng Nam với “cửa Khổng, sân Trình”

Mới đây một tỉnh phía bắc chi phí hàng trăm tỷ đồng để xây dựng Văn miếu, thờ Khổng Tử. Do e ngại sự “nhạy cảm” trong dư luận, chính quyền sở tại đang cố tìm một vị tiền nhân nào đó có công để thế vào. Tuy vậy ở Quảng Nam, trước năm 1975, nhiều địa phương đã có Văn miếu và đến nay Văn miếu (Khổng miếu) Hội An còn được công nhận là di tích quan trọng của Di sản văn hóa thế giới Hội An. Có nhiều câu chuyện nhân văn đi theo sự thăng trầm của các di tích này.

Khổng miếu Hội An.
Khổng miếu Hội An.

“Cửa Khổng, sân Trình”

Trong thực tế, cái tên Khổng Tử từ lâu đã hiện diện trong đời sống xã hội Việt Nam. Thành ngữ tiếng Việt có câu “cửa Khổng, sân Trình”. Sách Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ do Viện Ngôn ngữ học biên soạn và xuất bản năm 2002 (NXB Khoa học xã hội) cho biết, “cửa Khổng, sân Trình” nghĩa đen được dùng để chỉ trường dạy Nho học. “Trong thành ngữ nổi bật tên tuổi tiêu biểu của đạo Nho: Khổng (Khổng Tử), và Trình (Trình Tử)”. Theo sách này, cả hai ông đều là những người học rộng, tài cao. Sinh thời, Khổng Tử mở trường học và có học trò rất nhiều. Những lời dạy lễ nghĩa của ông được chép thành sách Luận ngữ truyền cho đời sau. Còn Trình Tử, tên là Trình Di, là một danh nho thời Tống, cũng có rất nhiều người theo học.

Nói đến cửa Khổng, sân Trình là nói đến hai bậc thầy, nổi tiếng trong mối quan hệ thầy, trò. Văn học cổ kể, Trình Tử có hai học trò là Du Tạc và Dương Thời. Một hôm Du, Dương đến ra mắt thầy, gặp lúc thầy đang nhắm mắt ngẫm nghĩ. Họ không dám cắt dòng suy nghĩ của thầy, cứ như vậy đứng lặng yên chờ đợi, mặc cho tuyết rơi trùm lên người đến cả thước mà cả hai không nhúc nhích. Do tích này mà có từ sân Trình (còn gọi cửa tuyết, sân tuyết…). Nói đến thành ngữ “cửa Khổng, sân Trình“, dân gian chỉ đến nơi dạy đạo làm người; dạy điều hay lẽ phải…

Quảng Nam vốn nổi tiếng đất học, vì vậy có nhiều Văn miếu được xây dựng từ xưa. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, có ghi: “Văn miếu ở xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước (nay là huyện Điện Bàn), kính thờ tiên sư Khổng Tử… Hồi đầu bản triều, miếu ở phía tây xã Câu Nhi; khoảng đời Gia Long bị nước sông xói lở, dời đến phía đông xã ấy; lại bị nước sông xói lở, năm Minh Mạng thứ 16 (1835 – NV) dời đến chỗ hiện nay”. Sử sách ghi lại, cho đến năm Canh Dần (Thành Thái thứ hai, 1890) Văn miếu Thanh Chiêm có đến 30 miếu phu để thường xuyên trông nom; ngoài ra có trích 2 mẫu ruộng công điền làng Thanh Chiêm làm đất quan phòng, giao cho miếu phu cày làm công ích. Lại đặt ban lễ sinh 3 người, một viên tự thừa để chuyên biện các lễ Đoan dương, Nguyên đán, Xuân đính, Thu đính…

Về Văn miếu Thanh Chiêm, Nguyễn Sinh Duy viết trong Vai trò lịch sử của Dinh trấn Quảng Nam, thời cụ Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, đã thỉnh toàn bộ bài vị ở Văn miếu Thanh Chiêm đưa về đặt trong Văn miếu do Nghĩa hội lập ở vùng Trung Lộc, Quế Sơn. Tác giả Nguyễn Sinh Duy cho rằng: “Nghĩa hội hiểu rằng vai trò của Văn miếu tỉnh đối với kẻ sĩ trong địa phương quan trọng là dường nào. Họ không chấp nhận để Văn miếu cho những kẻ theo giặc (Pháp) phụng tự, vì những kẻ này đi ngược lại giáo lý Khổng Mạnh, tôn thờ tà ngụy… bất kính với tiền nhân và cao hơn, bất kính với vị Vạn thế sư biểu”. Sau ngày Nghĩa hội Quảng Nam tan rã, sinh hoạt của Văn miếu được phục hồi tại nơi cũ. Khoảng năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, cùng với việc “vườn không nhà trống”, Văn miếu Thanh Chiêm cũng bị triệt hạ hoàn toàn.

Văn miếu Hội An

Tháng 9/1960, Hội Cổ học tỉnh Quảng Nam đã vận động xây mới Văn miếu trên vùng đất Cẩm Phô, Hội An, vốn là lỵ sở tỉnh Quảng Nam lúc này. Khu đất được chọn để xây dựng có diện tích 4.800m2, thuộc đất công của làng. Theo tài liệu để lại, công trình do họa sĩ Tôn Thất Sa, quê ở Huế vẽ họa đồ xây cất theo quy thức Á Đông, trong đó cửa tam quan được mô phỏng theo đúng hình dáng cửa Khuyết Lý trước đền thờ Khổng Tử ở huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Người dân Hội An quen gọi là Khổng miếu.

Có câu chuyện kể sau năm 1975, trong cao trào xây dựng Đời sống văn hóa mới, vài cán bộ Hội An đã dự kiến phá dỡ Khổng miếu. Bô lão trong làng hay tin, vội vã đang đêm mang toàn bộ tượng thờ, pháp khí, sách vở trong miếu cất giấu. Ông Hồ Nghinh, lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng hay tin, vội vã ra lệnh ngừng ngay ý định đập phá, tháo dỡ toàn bộ các đền chùa, miếu mạo tại Hội An. Nhờ vậy Khổng miếu ngày nay mới được vẹn toàn, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của cụm di tích tại phố cổ Hội An. Hiện Khổng miếu là một trong những điểm tham quan đầy ấn tượng đối với du khách.

Khổng miếu Hội An hiện còn lưu giữ nhiều bộ câu đối, thể hiện sự tự hào vùng đất địa linh nhân kiệt; sự tri ân, ngưỡng mộ các bậc hiền tài trong quá khứ. Ví dụ bộ câu đối: Quảng bị nho phong: Sài thủy, Hành sơn danh giáo địa/ Nam lai triết học: Hạnh đàn, Cối trạch thái hòa thiên. (Dịch nghĩa: Rộng mở đường văn, Sài thủy Hành sơn (là) nơi danh giáo/ Đem về triết học, Hạnh đàn, Cối trạch (là) cõi thái hòa). Theo các bô lão trong làng Cẩm Phô, có lẽ các câu đối lưu giữ tại Khổng miếu Hội An, một phần được sao y từ Văn miếu Thanh Chiêm xưa. “Cửa Khổng sân Trình” Hội An bên cạnh ý nghĩa tôn vinh nền Nho học, lớn hơn là cả niềm tự hào thành đạt của một vùng đất địa linh nhân kiệt lẫy lừng sự học trong quá khứ.

Nguyễn Trung Hiếu

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục