Gừng cay Muối mặn

Tay nâng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau
Tay bưng đĩa muối sàng rau
Căn duyên trời định, bỏ nhau sao đành.

                                              (khuyết danh)

Dân gian thường dùng chữ Gừng cay – Muối mặn để thể hiện tình cảm trân quý của mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình Việt Nam xưa nay.

Muối và Gừng đều là những gia vị quen thuộc của người dân Việt Nam. Muối thì không ngọt ngào, Gừng lại không thanh mát. Nhưng dù là cay đắng hay mặn nồng, đó chỉ như thăng trầm của đời người, của cuộc sống gia đình cũng như của tình yêu muôn thuở.

Theo y học cổ truyền, Gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc. Cùng trên một củ Gừng, với những cách chế biến khác nhau lại cho ra những công dụng khác nhau của củ Gừng.

Gừng tươi còn gọi là sinh khương có tác dụng phát tán phong hàn, chống nôn ói. Các món ăn có tính hàn như những sinh vật sống dưới nước là cá, tôm, sò, ốc, thì nên cho Gừng tươi vào khi chế biến để khử tính hàn của thực phẩm. Những sinh vật dưới nước, có vỏ càng cứng thì tính hàn càng cao, nước chấm ốc mà không dùng Gừng để khử hàn sẽ khiến người ăn bị lạnh bụng và đau bụng. Những sinh vật dù chỉ bơi trên mặt nước như vịt, ngan cũng có tính hàn vì thế khi ăn những thực phẩm này cũng nên cho Gừng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngoài ra, Gừng tươi còn là một phụ liệu quý trong chế biến thuốc. Để tẩy rửa các chất gây tanh trong dược liệu có nguồn gốc động vật, như các gạc hươu, nai… khi nấu cao, sau khi cọ rửa, cưa, chặt gạc ra thành các mảnh nhỏ, cần có giai đoạn ủ gạc với Gừng tươi, giã nát. Hoặc sau khi mổ rắn để ngâm rượu, người ta cũng dùng Gừng tươi với rượu để khử mùi tanh. Bên cạnh đó, rất nhiều vị thuốc Đông dược khác, khi chế biến cần lấy dịch cốt Gừng tươi để chích tẩm làm cho vị thuốc bớt tác dụng phụ: bán hạ…, hoặc tăng tính ấm cho vị thuốc: nhân sâm, đảng sâm…, tăng tác dụng chữa ho của vị thuốc: cát cánh, trần bì…

Gừng khô còn gọi là can khương, có tính nóng hơn sinh khương, rất tốt cho việc làm ấm tỳ vị, tăng cường khả năng tiêu hóa. Việc chế biến Gừng khô với nhiệt độ thấp (60 độ) sẽ làm tăng công dụng và lợi ích của Gừng lên hàng chục lần. Sau khi chế biến khô, có thể nghiền bột hay làm viên hoàn dùng dần.

Gừng đốt cháy tồn tính còn gọi là hắc khương. Hắc khương có vị đắng, thường được tẩm đồng tiện, có thể làm ấm can thận, giáng hư hỏa. Vỏ gừng được gọi là khương bì có tác dụng lợi tiểu. Toàn bộ củ Gừng đều có giá trị sử dụng trong ẩm thực cũng như bào chế nam dược.

Y học cổ truyền còn khuyến khích dùng Gừng vào mùa Xuân. Tiết khí mùa Xuân ẩm thấp, nên dùng Gừng có tính thăng để cân bằng sức khỏe rất hợp lý. Mùa Hè tuy nóng về thời tiết bên ngoài, nhưng lại dễ cảm lạnh nên luôn cần Gừng để trị cảm lạnh. Mùa Đông hàn khí có nhiều, nên dùng gừng để giữ ấm thân nhiệt.

Người ta thường nói “Đầu năm mua muối” bởi muối thể hiện sự no đủ. Đối với người dân Việt Nam, có lẽ Muối chỉ quan trọng sau Gạo. Đầu năm, người ta thường mua một bát Muối đong đầy tới tận ngọn chứ không gạt ngang miệng bát để cầu mong sự đủ đầy.

Theo y học cổ truyền Muối ăn không chỉ là gia vị mà còn là một vị thuốc quý được dùng để chữa trị nhiều chứng bệnh. Muối ăn có vị mặn, tính hàn, không độc, vào ba kinh thận, tâm và vị, có công dụng tả hỏa, thanh tâm, lương huyết, giải độc, nhuận táo, dẫn các thuốc khác vào kinh lạc.

Trong ẩm thực, Muối là một gia vị làm cân bằng hương vị các món ăn. Muối chứa nhiều chất khoáng nên rất có lợi cho sức khỏe con người. Trên những vùng núi cao, vì khan hiếm Muối nên họ thường phải chế biến các thực phẩm ướp mặn để dùng dần.

Muối và Gừng là những sản phẩm tự nhiên quen thuộc từ bao đời nay của người dân. Muối là kết tinh mặn nồng tình nghĩa và chứa chan những buồn vui cuộc đời. Muối mặn tình mặn nghĩa, mặn mòi cả những giọt mồ hôi và cả giọt nước mắt. Mặn mà thêm vị, mặn mà nồng thắm, mặn mà thủy chung.

Gừng là loại cây thường được trồng ở trong vườn nhà, hay ngoài cánh đồng. Vị cay nồng của Gừng khiến ta tăng thêm nhiệt huyết với đời, tăng thêm sức lực vượt bao gian khó. Cay đấy, nóng đấy, nhưng đó là dương thăng cho chính khí thêm mạnh mẽ. Cay đấy, nóng đấy nhưng son sắt vợ chồng.

Gừng cay – Muối mặn là hình ảnh tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng thủy chung vượt khó, là hình ảnh tượng trưng cho sự tần tảo siêng năng của những người yêu lao động, là hình ảnh tượng trưng cho nhiệt huyết yêu đời.

Gừng không cay không phải là Gừng, Muối không mặn chẳng còn là Muối. Cuộc đời con người cũng trải qua những cung bậc cảm xúc như những đắng, cay, ngọt, mặn trong gia vị của những bữa ăn. Người xưa đã qui nạp được năm vị thức ăn là Mặn, Ngọt, Chua, Cay, Đắng trong ngũ hành Thủy, Thổ, Mộc, Kim, Hỏa như thể là một tuyệt tác của tạo hóa ban tặng cho con người. Cuộc sống hài hòa và quân bình cũng nằm trong chính những gia vị đơn sơ mà chúng ta dùng hàng ngày.

Gừng có tính thăng nên dùng vào buổi sáng sẽ khiến cơ thể tỉnh táo, hệ thống tiêu hóa sẽ nóng ấm giúp cho việc tiêu hóa thức ăn trong ngày tốt. Không nên dùng Gừng vào buổi tối, vì đến tối cơ thể cần tĩnh để nghỉ ngơi, nếu dùng Gừng sẽ khiến cảm giác khó ngủ. Người có huyết áp cao nên dùng Gừng dè dặt, bởi tính thăng của Gừng sẽ khiến tăng huyết áp, nhưng người có cơ thể hàn lạnh và huyết áp thấp thì nên dùng thường xuyên.

Muối kết hợp với Gừng dùng để ngâm chân nước nóng ấm rất tốt cho sức khỏe. Những người bị phong thấp thường xuyên ngâm chân nước nóng với Muối và Gừng vào mỗi tối sẽ giảm đau, dễ ngủ. Những người huyết áp cao không nên ăn mặn vì sẽ làm tăng huyết áp. Nhưng Chanh Muối lại rất tốt để chữa đau họng do nhiễm lạnh.

LY. Vũ Đặng Trung Dũng

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục