Xứng đáng với vùng đất hai sông

“Gần ba thế kỷ là vùng biên viễn của Tổ quốc, hoàn cảnh và vị trí địa lý của vùng đất Đại Lộc đã tôi luyện cho con người nơi đây một ý chí kiên cường, lòng quả cảm để luôn vững vàng nơi phên dậu…”. Đó là chia sẻ của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Lộc – Nguyễn Công Thanh với phóng viên Báo Quảng Nam nhân kỷ niệm 120 năm thành lập huyện. Lễ kỷ niệm được tổ chức vào tối mai 14/12.

Đại Lộc đã và đang có những bước phát triển đột phá trong hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế. Ảnh: THÀNH CÔNG
Đại Lộc đã và đang có những bước phát triển đột phá trong hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế. Ảnh: THÀNH CÔNG

* Ông có thể chia sẻ thêm về tinh thần đổi mới của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo huyện trong hành trình xây dựng quê hương?

Ông Nguyễn Công Thanh: Để luôn xứng đáng với công lao của cha anh đi trước, thế hệ cán bộ, lãnh đạo huyện qua các thời kỳ đã không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hành trình xây dựng quê hương Đại Lộc.

Còn nhớ những năm sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đại Lộc đã kịp để lại những ấn tượng khó quên trong lòng đồng bào cả nước, cả tỉnh với những mùa vàng kỳ diệu trên cánh đồng cao sản Đại Phước (đỉnh cao năng suất lúa của cả nước lúc bấy giờ: 21,6 tấn/ha/3 vụ), mô hình nông – lâm – công nghiệp kết hợp ở Hợp tác xã Đại Đồng II (đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985). Đáng chú ý là việc khởi công công trình hồ chứa nước Khe Tân – công trình đại thủy nông lớn thứ hai của tỉnh, không chỉ là công trình “đền ơn đáp nghĩa” cho địa bàn căn cứ địa cách mạng mà còn giải quyết căn cơ vấn đề khô hạn ở vùng B, thỏa được mơ ước ngàn đời của người dân.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc kiên trì vượt qua những khó khăn, thử thách, vận dụng sáng tạo nghị quyết của Đảng, đề ra nhiều chủ trương chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, có tính đột phá, đáp ứng được yêu cầu thực tế địa phương, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đã có tác động định hướng, làm thay đổi ngoạn mục diện mạo của quê hương.

Từ một huyện thuần nông, đến nay Đại Lộc khoác lên mình chiếc áo mới với đầy đủ gam màu của sự phát triển. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và thực hiện chủ trương khai thác quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng kết hợp với tranh thủ nguồn lực bên ngoài, huyện đã triển khai xây dựng nhiều tuyến đường, nhiều cây cầu, các khu đô thị mới có tác động thúc đẩy sự phát triển của kinh tế – xã hội địa phương.

Bí thư Huyện ủy Đại Lộc - Nguyễn Công Thanh thăm, tặng quà gia đình chính sách. Ảnh: NHẬT DUY
Bí thư Huyện ủy Đại Lộc – Nguyễn Công Thanh thăm, tặng quà gia đình chính sách. Ảnh: NHẬT DUY

* Ở mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, Đại Lộc đặt ra và phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đưa quê hương phát triển như hôm nay. Theo ông, đâu là những kết quả nổi bật mà Đại Lộc đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020?

Ông Nguyễn Công Thanh: Chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Lộc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt hơn 12,59% (chỉ tiêu nghị quyết 12 – 13%/năm). Tổng giá trị sản xuất đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng/năm.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng cơ bản chiếm 62,7%; thương mại – dịch vụ – du lịch phát triển mạnh, tăng gần 14,69%/năm, nhất là khi cầu Giao Thủy được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân, cũng như du khách trong và ngoài tỉnh.

Toàn huyện quy hoạch 18 cụm công nghiệp, trong đó có 14 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; thu hút thêm 25 dự án mới, nâng tổng số dự án đầu tư vào huyện lên 48 dự án, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động tại địa phương. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh, từ 8,39% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2019 (tương đương còn 1.140 hộ nghèo), phấn đấu đến năm 2020 giảm xuống còn 2%, không để xảy ra trường hợp tái nghèo. Công tác xây dựng hệ thống chính trị tếp tục được quan tâm, chú trọng đúng mức theo hướng đổi mới, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

* Đại Lộc sẽ có những định hướng cụ thể nào nhằm giữ gìn truyền thống và khai thác tiềm năng của vùng đất được chắt chiu từ phù sa của hai dòng sông mẹ, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Thanh: Nhằm giữ gìn truyền thống và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất – nơi có hai dòng sông lớn của đất Quảng là Thu Bồn và Vu Gia chảy qua, những năm đến Đại Lộc tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

Theo đó, địa phương nỗ lực tranh thủ hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, vốn đầu tư lớn, thân thiện môi trường. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp đạt hơn 80%. Đồng thời đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông gắn liền với phát triển đô thị Ái Nghĩa và các đô thị vệ tinh, các cơ sở công nghiệp dọc tuyến quốc lộ 14B, ĐT609, ĐT609B, kết nối với các huyện lân cận và TP.Đà Nẵng.

Cùng với đó, huyện chú trọng phát triển mạnh các loại hình thương mại – dịch vụ và du lịch theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này. Thông qua nhiều hình thức để kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án du lịch gắn với phát huy có hiệu quả các di tích văn hóa, lịch sử như khu du lịch Bằng Am, hồ chứa nước Khe Tân, khu du lịch sinh thái Sông Cùng… nhằm tạo động lực để phát triển du lịch địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Đoan – Thành Công

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/chinh-tri/201912/ky-niem-120-nam-thanh-lap-huyen-dai-loc-1899-2019-xung-dang-voi-vung-dat-hai-song-885666/

Cùng chuyên mục