Vợ chồng như “thân” với “mình”

Ca dao xưa có những câu: “Mình rằng mình hãy còn son/ Ta đi qua ngõ thấy con mình bò/ Con mình những trấu cùng tro/ Ta đi xách nước tắm cho con mình”…

1. Trong những từ ngữ để nói về bản thân (xưng) và gọi người khác (hô), tiếng Việt có hai từ vừa cụ thể, vừa xác thực, vừa thân mật, vừa hòa đồng: đó là “thân” và “mình”. “Thân” là cái bằng xương thịt, máu me, từ đầu óc mình mẩy, lòng dạ, tới bốn nhánh tay chân, truyền giống, giao hợp. “Thân”, tức là thân thể và sự trải nghiệm cuộc sống.

Còn chữ “mình”, trong cấu tạo chữ Nôm, thường được kết hợp bởi hai thành phần là “thân” () và “mệnh” (). Chỉ cần nghiệm một chút về hai thành phần này, đặc biệt chữ “mệnh”, đủ thấy “mình” khác “thân” như thế nào.

vo-chong-nhu-than-voi-minh
Ảnh minh họa. Nguồn: tintuc360

Tự thân là chính ta, không trừu tượng mơ hồ mà cụ thể, từ da thịt, xương xẩu, đến các cơ quan tiếp giáp với bên ngoài, tức là các cánh cửa truyền thông giữa ngoại giới và nội tâm, và bộ thần kinh xử lý cách thế sinh tồn.

Vợ chồng như “thân” với “mình”. Người bạn đời, tức vợ chồng đúng nghĩa, là người san sẻ với ta cả “thân” với “mình”. Nghĩa là san sẻ từ đời sống sinh lý, bảo tồn di truyền sinh học, cho đến văn hóa, tâm tư, nề nếp, quan niệm sống trong cả không gian và thời gian.

Nhà thơ Tản Đà, trong bài Thề non nước, đã lột tả được cô đọng, tuyệt vời quan hệ nam nữ này: “Mình với ta tuy hai mà một/ Ta với mình dẫu một mà hai”.

Cũng như truyện cổ tích Ấn Độ khái quát về quan hệ vợ chồng: Đàn ông không thể sống không có đàn bà, và cũng không thể sống với đàn bà được.

Cách lý luận ở đây có tính cách đối đãi, có đi có lại, không phải một chiều. Trong thi pháp, nhà phê bình văn học Mikhail Bakhtin gọi là thi pháp song đối. Còn nhà văn Henry Miller vốn chủ trương cải cách về tính dục trong một xã hội nhiều đời bị ràng buộc bằng giáo điều, tập tục và kỳ thị, thì định nghĩa một cách súc tích: “Thương yêu là ăn chung, ngủ chung và mộng chung”. (To love is to eat, to sleep and to dream together). Xin tạm diễn nghĩa như sau: Ăn chung là san sẻ về đời sống vật chất; ngủ chung là san sẻ về đời sống sinh lý; mộng chung là san sẻ về đời sống tâm linh.

2. Từ nhiều ngàn năm nay, tiếng Việt dùng chữ “thương” để chỉ quan hệ sâu sắc nhất giữa hai cá nhân và bao quát nhất cho cả loài người. Nó cũng là cầu nối chính yếu, đáng sống của “thân” với “mình”, của “ta” với “mình”. “Thương” (), nghĩa gốc là vết đau bằng vật nhọn như con dao, ngọn giáo gây ra. “Thương” là xót xa cho. Tục ngữ có câu: “Tay đứt ruột xót”, và “Máu chảy ruột mềm”. Người mẹ thấy đứa con chơi dao bị đứt tay, hoặc gai đâm chảy máu, tình thương bèn lan tỏa ra để ôm lấy vết thương của con.

Phật giáo giảng dạy về hai cột trụ từ bi và giác ngộ mật thiết với nhau. Từ bi với toàn thể chúng hữu tình. Giác ngộ tính không của vạn vật, gồm cả “mình” và “thân”, nhất là tự thân. Từ bi đến đâu thì giác ngộ đến đó, giác ngộ đến đâu thì từ bi đến đó. Đó là tự thân không có nền tảng thường hằng, từ thân xác gồm bốn thành tố đất nước gió lửa; cho đến cả tâm và trí cũng đều có sinh là có diệt. Đó là chân lý vô ngã tương ứng với vạn vật vô thường. Vậy, chúng sinh có cảm giác, có tình tự đối đãi với nhau bằng “từ” và “bi”. “Bi” là buồn, là thương cho kẻ khác bị đau trong thân thể và khổ trong tinh thần. “Từ” là san sẻ cái đau kia bằng cách cứu chữa tốt lành. “Từ” và “bi” là đồng cảm, gồm cả chữa lành.

Trong hàng ngàn bài ca dao về tình cảm trai gái, chữ được sử dụng nhiều nhất là “thương”.

Thí dụ bài Mười thương: “Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên. […]. Chín thương cô ở một mình/ Mười thương con mắt hữu tình với ai”.

Còn chữ “yêu” () dùng cho tình cảm trai gái chỉ thịnh hành với chủ nghĩa lãng mạn cá nhân và được đề cao trong nhóm nhà văn tân học chịu ảnh hưởng của Pháp, chủ yếu là Tự Lực Văn Đoàn, phổ biến trong thời kỳ tiền chiến 1930 – 1945. “Yêu” tức là xin, là đòi, là cần thiết cho cá nhân chủ thể, trong khi thương là hòa đồng và san sẻ.

Những câu tuyệt tác nhất của Nguyễn Du không phải là tình tiết phong cảnh hoặc kể chuyện, mà là những câu phản chiếu nội tâm của Thúy Kiều, cũng là tâm sự của tác giả và gây ấn tượng sâu sắc với người đọc. Chẳng hạn như đoạn Thúy Kiều đồng cảm với Đạm Tiên, cũng là chung với tình cảnh của toàn thể đàn bà xưa nay: “…Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung/ Phũ phàng chi bấy hóa công/ Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha/ Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng…”. Cho đến khi lâm vào cảnh ngộ bản thân phải ở chốn lầu xanh, tự suy ngẫm về thân phận mình, Thúy Kiều tự thán: “… Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa/ Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường/ Mặt sao dày gió dạn sương/ Thân sao bướm chán ong chường bấy thân/ Mặc người mưa Sở mây Tần/ Những mình nào biết có xuân là gì…”.

3. Trong đời mỗi con người, có hai khoảnh khắc cực đỉnh. Một là lúc từ trong bào thai ra khỏi thân thể của bà mẹ. Hai là lúc, với người nữ, mở cửa mình đón hạt giống cho thế hệ sau; với người nam, đi vào cửa mình của người bạn đời để hai thân và tâm hòa đồng thành một – “Mình với ta tuy hai mà một”. Những khoảnh khắc này có thể là vĩnh hằng trong tâm tưởng và tâm linh, nhưng đồng thời cũng là thoáng chốc trong thời gian vật lý, để rồi trở lại làm hai thực thể riêng biệt – “Ta với mình dẫu một mà hai”.

Trong tín ngưỡng của Ấn giáo, có hai linh vật được thờ phụng, lingam (thường viết linga: dương, hình trụ, có khấc ở chóp đầu), và yoni (âm, hình vuông, có khe rãnh ở xung quanh và lối thoát như miệng vòi ở chính giữa). Hình tượng và nghi thức tôn kính nhất là dành cho sự sáng tạo ra đời sống, vừa mang tính cụ thể thân thiết nhất đối với mọi loài sinh vật, và cũng đại đồng phổ quát nhất cho mọi tộc người, mọi văn hóa. Ngay đến các trẻ em cũng có thể nắm bắt được ý nghĩa thâm sâu và huyền diệu của hai biểu tượng này. Lingam còn là biểu tượng của lửa (dương) và yoni còn là biểu tượng của nước (âm). Trong sự giao phối của âm và dương, của nước và lửa, của nam và nữ, đời sống được sáng tạo ra. Vậy thì, thờ các linh vật lingam-yoni chính là thờ sự sống và sự sáng tạo của toàn thể vũ trụ, trong đó con người chúng ta chỉ là một thành phẩm.

Chịu ảnh hưởng sâu đậm của Ấn giáo hàng chục thế kỷ trước cả Phật giáo, nên vùng đất cũ của Champa (kéo dài từ Quảng Bình tới Bà Rịa) còn để lại các giếng xưa xây bằng đá, làm theo hình vuông; thấy cả ở những hòn đảo ngoài khơi như Lý Sơn ở Quảng Ngãi và Phú Quý ở Phan Thiết. Các tòa tháp Champa từ Huế đến Bà Rịa và luôn cả trên Tây Nguyên được thiết kế theo hình tượng của lingam và thường hướng về phương Đông để đón ánh mặt trời thẳng chiếu vào hàng ngày qua lối vào tháp làm theo hình cửa mình của người nữ. Các tượng thờ được đặt trong khoảng không gian u tối ở phía sau, có lối thông thiên với cõi trên. Mỗi tín đồ khi bước vào tòa tháp là lặp lại hành vi thiêng liêng của sự hiệp nhất.

Vật dụng thông thường nhất để gắp thức ăn và lùa cơm của người Việt là đũa. Đũa phải có hai chiếc mới thành cặp, thành đôi và sử dụng có hiệu quả. Đũa chắc hẳn phải được phát minh rất sớm vì chất liệu là cây tre mọc ở khắp nơi trong nước ta. Ví chuyện dựng vợ gả chồng như đũa có đôi; nếu lấy mà không xứng đôi gọi là đũa so le, đũa lệch.

Ca dao có bài than về hoàn cảnh không xứng đôi vừa lứa này. Bối cảnh bài này là thời Hậu Lê, dưới sự trị vì của vua Lê chúa Trịnh, vốn phổ biến việc gả bán, ép duyên – nhất là ở miền Bắc/ Đàng Ngoài: “Mẹ em tham thúng xôi rền/ Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng/ Em đã bảo mẹ rằng đừng/ Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào/ Bây giờ kẻ thấp, người cao/ Như đôi đũa lệch so sao cho bằng”.

 

Nguyễn Tiến Văn

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục