Vầng trăng vuông của đạo diễn “Cha cõng con”

Những vần thơ cho Lương Đình Dũng cơ hội được ngược trở lại quá khứ, về bên người thân, bạn bè, cũng là nơi anh bộc lộ suy nghĩ về đời người.

Trăng của tôi cứ vuông là tập thơ của đạo diễn, biên kịch Lương Đình Dũng được xuất bản bởi Nhà xuất bản Văn học, ra mắt vào tháng 1/2020. Sâu lắng với những cảm xúc mộc mạc chân thành về tình yêu, tình cảm gia đình và cuộc sống là nét nổi bật trong hơn 100 bài thơ thuộc tập Trăng của tôi cứ vuông.

Tác giả Lương Đình Dũng.

Đầu tập thơ, tác giả Lương Đình Dũng chia sẻ: “Tôi thích viết thơ bởi vì đối với thơ, tôi được len lỏi với đôi chân trần bé tẹo, tôi được đi mạnh mẽ về phía chân trời…”Lương Đình Dũng chia sẻ anh thích thơ, yêu thơ vì thơ giúp anh nói chuyện với mọi người, chạm đến mọi tâm hồn. Những vần thơ cho anh cơ hội được ngược trở lại quá khứ, về bên người thân, bạn bè, về một thời xưa ấy với bao kỉ niệm.

Bên cạnh đó, qua những bài thơ trong tập Trăng của tôi cứ vuông, Lương Đình Dũng cũng bộc lộ những góc nhìn, suy nghĩ, chiêm nghiệm của bản thân về cuộc sống và con người.

Thơ của Lương Đình Dũng là thơ của hình ảnh, của ngôn ngữ giản dị, mộc mạc. Đọc thơ nhưng độc giả cũng có thể dễ dàng hình dung ra được khung cảnh ấy đang hiện ra trước mắt. Có lẽ chính vì đặc điểm này mà những bài thơ của anh dễ đọc, dễ cảm, dễ đi vào lòng người, dễ lan tỏa và gợi được sự đồng cảm. Đồng cảm với nỗi buồn “tê tái” của người em khi tiễn chị đi lấy chồng, với sự “bàng hoàng” tuổi 17 khi lần đầu ngỏ lời yêu thương, với nỗi hoài niệm tuổi thơ khi đã trưởng thành…

Bìa sách Trăng của tôi cứ vuông.

Mỗi ý thơ đều đẹp, dù dừng lại ở bất cứ câu thơ nào cũng đáng để người đọc suy ngẫm. Ví như khi khắc họa nỗi lòng của người cha tiễn con đi lấy chồng xa, anh viết: “Cha thì ngồi lặng lẽ / Lòng người đầy bão giông…” Câu từ giản dị nhưng có thể cảm nhận được nỗi buồn thương con ẩn giấu.

Cha không thể hiện cảm xúc ra bên ngoài, chỉ ngồi “lặng lẽ” nhìn con, nhưng có ai biết trong lòng cha là “bão giông” chất chứa bao điều muốn nói, những lo lắng cho cô con gái dù lớn đến mấy đối với cha vẫn là người con bé nhỏ ngày nào. Cha lo cho con đường đời liệu có khó khăn vất vả, liệu có ai ở bên che chở…

Hay như bài thơ Cha con (số 49) là bức tranh đầy cảm động và ẩn ý về quá trình trưởng thành của người con cũng là quá trình già đi của cha thông qua hình ảnh cha đợi cửa đón con về. Khi con còn bé, “cha ào vào như cơn gió mở cửa cho con”, theo thời gian, con khôn lớn, đi khắp bốn phương, khi về nhà cha chỉ có thể “bò ra cửa”. Nhưng cha vẫn vui, vẫn hạnh phúc vì cha biết mình già đi là đứa con bé bỏng của mình ngày nào đang dần trưởng thành hơn, như tác giả viết “Cha già để con lớn con ơi”…

Gia đình cùng những kỷ niệm là niềm cảm hứng cho Lương Đình Dũng viết tập thơ.

Lương Đình Dũng không chỉ là một đạo diễn nổi tiếng, ông còn là cây bút với một số cuốn sách đã xuất bản như: Tiểu thuyết hành động Những cô gái vô chủ (1997), tuyển tập thơ -truyện ngắn Con hãy đi về phía mặt trời (2010), tập truyện ngắn Cha cõng con (2017).

Ở lĩnh vực điện ảnh, ông là một biên kịch, đạo diễn với nhiều bộ phim gây được tiếng vang ở các liên hoan phim lớn trong nước và quốc tế như các tựa phim: Hạnh phúc đỏ, Chuyện ông mờ, Xẩm đỏ… Đặc biệt, phim Cha cõng con – bộ phim điện ảnh đầu tay của anh – đã giành được vô số giải thưởng danh giá và được chiếu tại nhiều quốc gia Mỹ, Italy, Canada, Estonia, Ấn Độ, Thái Lan…

Thiên Hương

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://news.zing.vn/vang-trang-vuong-cua-dao-dien-cha-cong-con-post1054528.html

Cùng chuyên mục