Vẫn còn một Đà Lạt chìm dưới sương mù

Khác cách tiếp cận từng thấy trong cuốn du khảo Đà Lạt một thời hương xa, Nguyễn Vĩnh Nguyên trong cuốn biên khảo Đà Lạt bên dưới sương mù là những phần bị phủ đậy cùng những bí mật sâu kín trong một giai đoạn lịch sử Đà Lạt (1950-1975) đa diện.

Theo Mộc Uyển: “Ở Đà Lạt một thời hương xa tất cả hiện lên dễ chịu, mơ màng, thì ở Đà Lạt bên dưới sương mù là những khoảng lạnh, khô cứng, tàn nhẫn của lịch sử khi đã bóc tách mọi lớp sương khói bên trên đi. Cái nhìn của con người lúc này không còn mờ ảo nữa mà chỉ có năm tháng, sự kiện chính xác diễn ra. Lịch sử được trả đúng nghĩa với tên gọi của nó: chứa đựng các sự kiện liên quan vùng đất, con người Đà Lạt”.

Cuốn sách thể hiện một bước đi mới của Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguyễn Vĩnh Nguyên mất hai năm để lật dở hàng ngàn trang văn bản cùng hàng trăm tài liệu qua nhiều thời kỳ lịch sử Đà Lạt để chỉ làm một cuộc ghi nhận cô đọng, giúp người đọc hình dung về những gì chìm dưới lớp sương mù.

Có những văn bản bị cháy sém một góc. Có những bó hồ sơ ẩm mốc, những chiếc đinh ghim vụn nát khi có tay người chạm vào. Có những trang văn bản vương vết máu. Và có những sự việc treo lơ lửng không rõ đầu đuôi. Quả là có quá nhiều những thăng trầm đi qua trên những trang sử liệu và đời sống một thành phố…

Khởi điểm với làm thơ, sau đó viết văn xuôi, viết ký và du khảo, bây giờ là biên khảo, khảo cứu

“Chỉ vỏn vẹn trong vòng 25 năm, nhưng vô số những xáo trộn ngấm ngầm mà khốc liệt đã diễn ra trong thành phố tưởng chừng bình yên, vô nhiễm với chiến sự. Đó có thể là vụ ám sát quan mật thám Đông Dương ở biệt thự 17 Rue des Roses năm 1951, có thể là vụ “trộm máy bay” tháo chạy của những nhân viên hãng bay S.I.L.A. khi hoàng triều cương thổ sụp đổ, cũng có thể là những cuộc giao tranh khốc liệt như Mậu Thân, những trận pháo kích của lực lượng xâm nhập vào các dinh – biểu tượng quyền lực, hoạt động tình báo làm nên một phần tối, đầy bí ẩn trong sử liệu đô thị” – Quỳnh Yên nhận định.

Đà Lạt ngoài sương mù về mặt tự nhiên, còn nhiều sương mù về mặt lịch sử, địa chính trị

Còn theo Nguyễn Hoàng Liên thì: “Trong cuốn sách này, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã nhắc tới một nền học thuật tự do, nền tảng cho sự nảy nở của sáng tạo. Nền học thuật ấy đã mở ra biết bao cánh cửa cho những con người ưu tú, khai minh cho biết bao đầu óc say mê tìm hiểu thế giới. Đà Lạt không còn là thành phố nghỉ dưỡng như năm xưa Paul Doumer muốn mà nó còn tham vọng vươn lên để chạm đến tinh hoa học thuật, nghệ thuật thế giới”.

Với hơn 400 trang sách, Nguyễn Vĩnh Nguyên mất hơn 2 năm ngồi viết liên tục

Vì sao lại là giai đoạn 1954-1975? Khi được hỏi trong một bài phỏng vấn, Nguyễn Vĩnh Nguyên trả lời: “Như bạn biết, với hầu hết các đô thị trung tâm văn hóa của miền Nam trong khoảng 1954-1975, kể cả Sài Gòn, đến nay vẫn là một khoảng mờ mịt vì nhiều lý do, trong đó vấn đề lớn nhất đó chính là sự khó khăn về nguồn dữ liệu nền, đầu vào và sự khó khăn đầu ra cho công trình. Đà Lạt không là ngoại lệ. Đà Lạt thời thực dân (từ lúc hình thành đô thị đến khoảng 1950) thì nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã tiếp cận khá thấu đáo.

Riêng giai đoạn 1954-1975 hay trước một chút, thời Hoàng triều cương thổ thường dừng lại ở những ghi chép, hồi ức. Những tác phẩm có tính chất khảo cứu của tác giả trong nước viết rất thiếu vắng, hoặc rơi vào tình trạng phải đạo, định kiến ý hệ vẫn thường thấy ở các công trình “lễ lạt” nhà nước đầu tư. Nhiều sự thật về giai đoạn này còn lẩn khuất đâu đó trong sương mù dày đặc. Và cũng chính sương mù, sự che đậy, ẩn mật đó có sức quyến rũ đặc biệt với tôi”.

Phan Thư

Cùng chuyên mục