Vá rừng – Vá biển

Giữa tháng 12, đoàn du khách 100 người trong bộ đồng phục do một doanh nghiệp du lịch tại Hội An tổ chức về phố cổ tham gia tour đạp xe, chạy marathon rồi ngoặt xuống cánh rừng dừa Bảy Mẫu tự tay ướm bầu trồng cây…

va-rung-va-bien
Rừng dừa Bảy Mẫu – điểm đến nổi tiếng thế giới – được bổ sung màu xanh từ cộng đồng, các doanh nghiệp làm du lịch. Ảnh: LINH TRANG

Nhiều người dân ở Cẩm Thanh, nhiều doanh nghiệp làm du lịch hào hứng, tự nguyện góp cây, chuẩn bị khuôn viên đất để thực hiện các dự án “xanh” sau một năm bế tắc do thiên tai, dịch bệnh.

“Suốt năm hết họa này đến nạn khác, lại càng thấy rõ sự mong manh của đời người. Chỉ có cách sống hài hòa với tự nhiên, trám những lỗ hổng mà thời gian qua vì phát triển kinh tế chúng ta đã lấy đi của thiên nhiên mới giảm thiểu được những rủi ro như những gì vừa trải qua trong năm 2020” – ông Lê Quốc Việt, chủ một khách sạn tại biển An Bàng, người đang cùng nhóm doanh nhân Hội An lên kế hoạch tổ chức tour du lịch trồng rừng từ biển tới miền núi khắp tỉnh Quảng Nam, nói.

Kinh doanh trước mặt biển, năm 2020, hơn ai hết ông Việt cảm nhận rõ sự dữ dội của thiên tai, biển lở. Hàng chục nhà hàng đã bị sóng đánh sập, hàng chục villa bị sóng móc chân đang nằm chênh vênh. Từ tháng 10 âm lịch, ông Việt đã í ới cùng các hộ kinh doanh dọc biển khác đi mua cây xanh về “vá biển”.

“Thay vì tập trung vào khai thác thương mại du lịch, chúng tôi đang làm việc với chính quyền Hội An và UBND tỉnh Quảng Nam để bố trí các cánh rừng đủ rộng.

Ở đó, khách khi về Hội An sẽ góp tiền để trồng ít nhất một cây xanh, quá trình cây lớn lên khách sẽ được theo dõi thường xuyên, chúng tôi cũng dẫn khách lên núi để cùng trồng rừng với bà con. Rừng lớn lên sẽ giao lại cho địa phương quản lý, khai thác” – ông Lê Quốc Việt kể kế hoạch của ông.

va-rung-va-bien
Khách du lịch tham gia tour trồng rừng tại rừng dừa Bảy Mẫu. Ảnh: LINH TRANG

Cánh rừng quy mô đầu tiên được hiện thực hóa là rừng sao đen tại xã cụm công nghiệp Thanh Hà – nằm cách phố cổ 3km. Từ năm 2019, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đã tài trợ 1.000 cây sao đen cho Thành ủy Hội An gây rừng. Đầu tháng 12, những bầu cây được ươm đặt xuống khoảnh đất rộng hơn 1ha trước Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông.

 “Chúng tôi coi đây như cánh rừng khởi đầu cho những nỗ lực vì tương lai xanh của Hội An. Từ đây, những cánh rừng sẽ tiếp tục được cộng đồng, doanh nghiệp trồng lên khắp Hội An để hiện thực hóa câu chuyện thành phố sinh thái, thành phố trong rừng” – ông Trần Ánh, bí thư Thành ủy Hội An, nói.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam Phan Xuân Thanh cho biết hiện có rất nhiều công ty lên kế hoạch tổ chức tour đưa du khách trồng rừng. “Rừng dừa Bảy Mẫu nhiều năm nay liên tục được bổ sung thêm các mảng xanh từ du khách trong và ngoài nước.

Du lịch bây giờ không chỉ là tham quan mà trải nghiệm trồng rừng, đóng góp cho địa phương đang là xu thế và được khách yêu thích. Trước mắt, chúng tôi sẽ “vá” lại bờ biển An Bàng bằng vệt cây xanh, sau đó sẽ thiết kế các tour trồng rừng ở vùng cao. Đây là xu hướng làm du lịch xanh, du lịch bền vững” – ông Thanh nói.

1 triệu cây xanh của thầy Xuân Anh

va-rung-va-bien
Ông Phan Xuân Anh và những cây sao đen đang được gieo xuống. Ảnh: T.B.D.

“Thầy” Xuân Anh trong câu chuyện này là ông Phan Xuân Anh – cựu giảng viên khoa ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hiện là chủ tịch HĐQT của Công ty Du ngoạn Việt. Sau 10 năm đi dạy, năm 1989 ông chuyển sang làm du lịch và tới nay được biết đến nhiều với dự án tham gia cải tạo môi trường, tour tham quan trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM).

Sau nhiều tháng bị ngăn trở vì dịch covid-19 và bão lũ, đến cuối năm ông Xuân Anh mới có thể bay từ TP.HCM về huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Vừa tới rừng sao đen ở xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, ông chạy liền tới gốc cây, reo vui: “Trời ơi chúng mày lớn nhanh quá, mới ngày nào đi giao cây giống nhỏ chút, mà nay đã to vầy…”.

Khu đất quanh khuôn viên đền tưởng niệm xã Đại Hòa là nơi đặt những mầm cây đầu tiên của dự án “Nhà Xanh” do ông sáng lập.

Năm 2008, Đào Thanh Hiếu, bí thư Đoàn xã Đại An (Đại Lộc), là một trong nhiều cán bộ đã nhận 2.000 gốc cây sao đen, xà cừ. Hiếu vận động đoàn viên, người dân trồng quanh hội trường thôn, đường làng. Hễ ở đâu có đất trống là cây sao đen được thả xuống.

Tới nay, trước cổng trụ sở UBND xã Đại An là hàng sao đen cao vút, vỏ xù xì, bán kính thân khoảng 40cm. “Cây lớn nhanh, nay đi đâu cũng thấy những hàng cây tỏa bóng mát nên bà con càng có động lực trồng thêm” – Hiếu nói khi dẫn đoàn đi thăm khu rừng sưa đỏ quý giá nằm sau lưng UBND xã Đại An.

Bóng sao đen được gầy từ “Nhà Xanh” của ông Xuân Anh xuất hiện khắp nơi: đường làng, hai bên các tỉnh lộ, sân chùa, đình đền, trường học. Những người dân thôn Mỹ Tân, xã Đại Phong (huyện Đại Lộc) chặn xe của ông, nhất định mời về làng.

Ông Dương Rượu Em kể: “Năm 2016, chúng tôi tìm gặp ông Xuân Anh đề nghị tài trợ một giếng khoan cho thôn. Ông nhận lời ngay và ra điều kiện: hãy trồng cây, cây bén rễ xanh tốt thì sẽ có giếng”.

Người dân ra đường làng, dọn hàng rào trồng cây trong nỗi thấp thỏm lo vị doanh nhân “hứa lèo”. Chỉ một tháng sau, khi 2.000 cây sao đen được gieo xuống, ông Xuân Anh cho người cầm xuống trao tận tay đại diện thôn 60 triệu đồng làm giếng khoan. Giếng làng nằm giữa các khoảnh cây đang cao lên từng ngày…

Trường học cũng vậy. Tới nay, riêng huyện Đại Lộc đã có 20 trường phủ kín cây sao đen từ dự án “Nhà Xanh”. Mỗi cây mọc lên, ông tặng trường một suất học bổng.

Thầy Trần Tấn Tạo – phó hiệu trưởng Trường tiểu học Quế Châu – kể: “Nhà trường nhận 500 cây con, được chở tới tận nơi. Học sinh đại diện lớp, liên đội trồng, chăm sóc và tự đặt tên cây. Giờ cây đã lớn, có bóng mát để học sinh vui chơi, tập thể dục. Chúng tôi cũng nhận được nhiều học bổng từ dự án Nhà Xanh”.

Tới nay “Nhà Xanh” đã đi qua 12 năm, mỗi năm có hơn 20.000 cây sao đen được trồng.

 

Thái Bá Dũng

Theo Tuổi Trẻ Online

 

Link nguồn: https://tuoitre.vn/va-rung-va-bien-20210114061822153.htm

Cùng chuyên mục