Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thụ tinh ống nghiệm

Máy theo dõi phôi tích hợp phần mềm AI tại bệnh viện Tâm Anh, Hà Nội tiếp thêm hy vọng chữa vô sinh hiếm muộn cho hàng triệu cặp vợ chồng.

Dẫn nghiên cứu của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) cho biết, sử dụng tủ nuôi cấy phôi công nghệ hiện đại có ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) giúp đánh giá chính xác chất lượng và khả năng làm tổ của phôi thai, góp phần nâng cao tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm.

Hiện ở Việt Nam đã có những trung tâm hỗ trợ sinh sản sử dụng tủ nuôi cấy time-lapse trong việc nuôi cấy phôi, tuy nhiên tích hợp sử dụng phần mềm AI để hỗ trợ lựa chọn phôi chuyển để tăng tỷ lệ thành công vẫn còn mới lạ. Việc áp dụng chính thức phần mềm ứng dụng AI được FDA công nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là bước đột phá lớn. “Đây có thể coi là cuộc cách mạng về công nghệ trong ngành hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam”, bác sĩ Lê Hoàng chia sẻ.

Tủ nuôi cấy phôi là gì?

Theo phương pháp truyền thống, phôi được nuôi ở tủ cấy và phải mang ra ngoài để đánh giá, rồi lại đưa ngược vào tủ. Điều này làm thay đổi môi trường nuôi cấy, có thể gây “sốc” cho phôi. Do đó, sự phát triển của phôi có thể bị ảnh hưởng, gián đoạn phát triển, thậm chí hỏng phôi.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng cho biết, để khắc phục tình trạng trên, tủ nuôi cấy phôi ra đời. Dòng time-lapse Geri Plus vừa được Bệnh viện Tâm Anh nhập từ Mỹ, trang bị kính hiển vi riêng biệt với camera có độ phân giải cao 2K, cung cấp hình ảnh, video chi tiết và liên tục về quá trình phát triển của mỗi phôi.

Hệ thống tủ nuôi cấy phôi Time-lapse Geri Plus sử dụng phần mềm Eeva – một loại hình trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc xác định và lựa chọn phôi chuyển, đang áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội.
Hệ thống tủ nuôi cấy phôi Time-lapse Geri Plus sử dụng phần mềm Eeva – một loại hình trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc xác định và lựa chọn phôi chuyển, đang áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội.

“Những hình ảnh này được truyền trực tiếp tới máy tính, từ đó các chuyên gia phôi học có thể dễ dàng đánh giá một phần chất lượng của phôi thai nhờ hình thái và động học mà không cần phải đưa phôi ra ngoài, hạn chế sự thay đổi môi trường cho phôi thai, để phôi có thể được nuôi dưỡng trong môi trường hoàn hảo nhất”, ông nói thêm.

Việc xác định phôi chất lượng nhờ máy nuôi phôi công nghệ mới chỉ tạo điều kiện để đánh giá tiềm năng làm tổ của phôi thai. Trong khi đó, các chuyên gia tại Đại học Stanford (Mỹ) phát hiện ra rằng, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đánh giá phôi tự động (Eeva test) trong việc xác định thời gian phân chia tế bào sớm chính là yếu tố quyết định khả năng sống sót và sức khỏe tiềm ẩn của phôi.

Vì vậy, khi phần mềm trí tuệ nhân tạo tích hợp vào tủ nuôi cấy phôi sẽ giúp đánh giá tiềm năng của phôi thai ở giai đoạn đầu (Eeva test). “Đây cũng là xét nghiệm IVF không xâm lấn đầu tiên và duy nhất trên thế giới có khả năng tăng độ chính xác trong việc lựa chọn các phôi thai tiềm năng để nuôi lên giai đoạn phôi nang. Từ đó, các kỹ thuật viên và bác sĩ IVF có thể chọn chính xác phôi tốt nhất để chuyển, giúp tăng cơ hội mang thai thành công“, bác sĩ Lê Hoàng giải thích.

Trí tuệ nhân tạo tăng khả năng sống của phôi

Theo bác sĩ Lê Hoàng, Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (IVFTA) là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, đưa vào sử dụng hệ thống tủ nuôi cấy time-lapse geri plus (Geri+) kết hợp trí tuệ nhân tạo (phần mềm Eeva bản quyền) trong xác định, lựa chọn phôi chuyển.

Điều này giúp tiên lượng được phôi có tiềm năng phát triển cao nhất đến giai đoạn phôi nang (phôi ngày 5), có khả năng bình thường về nhiễm sắc thể cao nhất, giúp tăng tỷ lệ phôi làm tổ, tỷ lệ trẻ sinh sống khỏe mạnh, giảm tỷ lệ sảy thai trong thụ tinh ống nghiệm, đồng thời giảm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân vô sinh hiếm muộn.

Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (IVFTA) được đầu tư trang thiết bị hiện đại và đi đầu trong ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến của thế giới.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (IVFTA) được đầu tư trang thiết bị hiện đại và đi đầu trong ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến của thế giới.

Thụ tinh ống nghiệm (IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại, mang lại cơ hội làm cha mẹ cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Tỷ lệ thành công IVF trung bình trên thế giới hiện nay 45-50%.

Trong một chu trình thực hiện IVF, trứng và tinh trùng được thụ tinh trong ống nghiệm để tạo thành phôi. Bước đánh giá và lựa chọn phôi thai chất lượng tốt để chuyển phôi đóng vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của việc thụ tinh ống nghiệm. Với bản chất là một “vật thể lạ” đối với cơ thể người mẹ, phôi thai phải có chất lượng tốt mới có thể tồn tại trong môi trường tử cung, thích ứng với các điều kiện dinh dưỡng và căng thẳng (stress), đồng thời vượt qua những rào cản kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt trong cơ thể.

Phôi thai được nuôi cấy trong điều kiện đạt chuẩn càng cao thì càng thuận lợi cho việc thúc đẩy sự tăng trưởng tốt, giúp phôi phát triển tối ưu, tăng khả năng đậu thai trong thụ tinh ống nghiệm IVF“, Phó giáo sư Lê Hoàng nói.

Với việc đưa vào ứng dụng thiết bị hiện đại và công nghệ trí tuệ nhân tạo trong nuôi cấy phôi, các chuyên gia tại Việt Nam nói chung và IVF Tâm Anh nói riêng một lần nữa khẳng định sự tiếp cận nhanh chóng với các công nghệ khám, chữa bệnh hiện đại hàng đầu thế giới. Từ đó giúp người dân thêm tin tưởng và không cần phải ra nước ngoài để sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao như trước đây.

Năm 2019, IVF Tâm Anh cho biết có tỷ lệ IVF thành công trung bình lên tới 60,9%, trong đó có nhiều trường hợp phụ nữ lớn tuổi, nam giới không có tinh trùng, bệnh nhân có bệnh lý kèm theo. Tỷ lệ IVF thành công 61,8-80% với nhóm bệnh nhân dưới 30 tuổi.

Thảo Trang

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/suc-khoe/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-thu-tinh-ong-nghiem-4036580.html

Cùng chuyên mục