Từ nay trên bàn ăn sẽ là thủy sản… có nguồn gốc thực vật

Khái niệm “thủy sản có nguồn gốc thực vật” đang ngày càng trở nên quen thuộc hơn với những người quan tâm đến yếu tố bền vững và muốn góp phần bảo vệ các sinh vật đại dương.

Thủy sản nguồn gốc thực vật là từ chỉ thực phẩm thuần chay, dùng để thay thế cho các loại thủy sản thông thường. Các nguyên liệu này phải được sản xuất bền vững, từ đó giúp giảm thiểu nạn khai thác thủy sản quá mức, bảo vệ đa dạng sinh học đại dương. Một yếu tố quan trọng là sản phẩm  tuy thay thế cho các món tôm, cá mà vẫn đem lại hương vị ngon lành, giàu dinh dưỡng và protein.

thuy-san-co-nguon-goc-thuc-vat
Thực phẩm giả cua và tôm càng được cho là ngon không kém hải sản thật

Xu thế ẩm thực mới

Tổ chức Bền vững Thế giới và Sáng kiến ​​Thủy sản Bền vững đã hợp tác thiết lập chương trình chứng nhận chung cho thủy sản có nguồn gốc thực vật. Theo đó, chứng nhận “Tiêu chuẩn vàng” sẽ giúp các thương hiệu thủy sản có nguồn gốc thực vật tạo cảm hứng cho người tiêu dùng quan tâm về tính bền vững của các nguyên liệu trên bàn ăn mỗi ngày.

Chứng nhận được thiết lập để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi thế bền vững của loại thủy sản thay thế dựa trên thực vật so với các sản phẩm thông thường.

Tiến sĩ Paolo Bray, người sáng lập Tổ chức Bền vững Thế giới, giải thích: “Những phương thức thâm canh nông nghiệp góp phần làm mất đa dạng sinh học nông nghiệp và tự nhiên, làm suy thoái hệ sinh thái và làm giảm các loài động thực vật. Các hoạt động như vậy cũng dẫn đến gia tăng phát thải khí nhà kính, cùng với các mối quan ngại khác.Thủy sản có nguồn gốc thực vật là thực phẩm được tạo ra bằng cách áp dụng các phương pháp bền vững mà không gây hại đến môi trường.”

thuy-san-co-nguon-goc-thuc-vat
Những người quan tâm đến thủy sản có nguồn gốc thực vật mong muốn góp phần bảo vệ sinh vật đại dương

Sự quan tâm của cộng đồng ngày càng nhiều

Để được công nhận theo “Tiêu chuẩn vàng”, các công ty sản xuất thủy sản có nguồn gốc thực vật phải có chính sách quản lý môi trường, có hành động bảo tồn hệ sinh thái, giảm sử dụng các chất tổng hợp, bảo tồn nước, đảm bảo sử dụng năng lượng tái tạo, duy trì các biện pháp giảm phát thải carbon và chứng tỏ trách nhiệm xã hội.

Các tiêu chuẩn này cũng có thể được áp dụng để chứng nhận các sản phẩm thịt có nguồn gốc từ thực vật. Các công ty sản xuất thực phẩm lớn và các nhà đầu tư coi động thái này như dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của cộng đồng về nguồn gốc thực phẩm bền vững ngày càng tăng. Tiếp sau ngành kinh doanh thịt làm từ thực vật ngày càng phát đạt, đáng mừng là thị trường tiêu dùng thủy sản thay thế được ghi nhận theo chiều hướng tương tự.

thuy-san-co-nguon-goc-thuc-vat
Nguyên liệu giả cá ngừ thích hợp để làm món salad

Thường thì cá ngừ nguồn gốc thực vật làm từ sáu nguyên liệu, bao gồm protein từ các loại đậu, bán dưới dạng sản phẩm trữ mát trong hộp thủy tinh và sẽ được bán trong bánh kẹp ở một số cửa hàng.Hãng Nestle cho biết họ phát triển dòng sản phẩm cá ngừ nguồn gốc thực vật trong 9 tháng, nhờ tận dụng chuyên môn sâu về khoa học protein và các công nghệ phù hợp. Đến nay, Nestlé đưa ra thị trường hàng loạt các sản phẩm nguồn gốc thực vật, bao gồm các sản phẩm thay thế burger, thịt xay, thịt viên, xúc xích, thịt đông lạnh, viên gà tẩm bột và phile gà.

Xu hướng lựa chọn nguyên liệu hải sản thay thế thuần chay còn được lý giải dưới góc độ khác. Những lo ngại của người tiêu dùng về môi trường bị ô nhiễm, hệ lụy của thủy ngân khiến ngành đánh bắt hải sản đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong những năm gần đây.

Thêm vào đó, đợt bùng phát đại dịch Covid-19 đã tạo thêm áp lực, bao gồm cả tình trạng khan hiếm thực phẩm sạch trong các cửa hàng, siêu thị. Tất cả những yếu tố này thúc đẩy đa số người tiêu dùng hướng tới những bữa ăn tối có tôm cá làm từ thực vật thay cho các loại hải sản như trước.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ GreenQueen

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/tu-nay-tren-ban-se-la-thuy-san-co-nguon-goc-thuc-vat/

Cùng chuyên mục