Trước giờ G của những người bán vé số dạo – Kỳ 2: Câu hỏi của người mù bán vé số

>> Trước giờ G của những người bán vé số dạo – Kỳ 1: Về hay ở?

Không ít người bán vé số dạo hài hước rằng đây là lần đầu tiên trong đời, họ có cơ hội nghỉ ngơi dài đến vậy.

Nhưng đây là một “kỳ nghỉ bất đắc dĩ”, là khó khăn mà họ phải vượt qua, khi phần lớn đều làm ngày nào chỉ đủ ăn ngày ấy. Làm một cuộc khảo sát nhỏ với 25 người bán vé số dạo, rằng họ sẽ làm gì trong thời gian tạm ngưng này, hầu hết đều trả lời rằng lo sao cho đủ ăn. Mẫu số chung là mua gạo, mua mì gói, mắm muối… để dùng dần, chấp nhận sống tằn tiện hết mức có thể để chờ ngày được đi bán trở lại. Chị Liên, người bán vé số dạo ở khu phố Phan Xích Long, Phú Nhuận cho biết, gia đình chị 3 người, chỉ cần mua 10.000 đồng rau ở chợ nhỏ gần nhà, là đủ cơm canh qua một ngày rồi.

15 ngày “nghỉ phép” và những thực tế không vui

Khó khăn lớn nhất của người bán vé số dạo không chỉ không có thu nhập, mà còn là chuyện tiền thuê nhà. Không phải ai cũng gặp chủ nhà thông cảm được tình cảnh chung mà giảm. Chỉ tay lên căn gác nhỏ vẫn nóng hầm hập dù trời đã xế bóng, chị Thanh nói gia đình mình muốn ở được phải bỏ tiền ra làm thêm miếng la-phông chứ mái tôn nóng chịu không nổi mà chủ nhà thì kiên quyết không chi thêm. Hổm rày năn nỉ xin giảm tiền nhà nhưng không được. Chủ nhà cứ nói thông cảm cho mấy người rồi ai thông cảm cho tôi. 

Một lực lượng không nhỏ người bán vé số dạo là những người khuyết tật, những người cần được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội.

Có một thực tế là hầu hết những người bán vé số dạo đều chỉ có làm một công việc duy nhất là nghề bán vé số. Việc tìm kiếm cơ hội việc làm, thu nhập khác khá hẹp và khó mà cạnh tranh được với các lao động trẻ, về yêu cầu chuyên môn lẫn tuổi tác khi tuổi đời trung bình của họ đều tầm 40 trở lên.

Cô Tâm, bán vé số và từng là một lao công tạp vụ cho một phòng khám ở quận 1 cho đến khi nơi này đóng cửa vì dịch Covid-19, cho biết: “Nếu đi phụ việc bán hàng, thì làm sao những người già như tụi tôi có thể chen chân trúng tuyển như các bạn trẻ. Mà nhân sự của các ngành dịch vụ ăn uống đang dư đầy người ra. Quán xá bây giờ người ta toàn chuyển sang bán online, mang đi, mình càng ít cơ hội. Các công việc lao động chân tay khác cũng tê liệt vì tình hình chung rồi. Chị Huệ, người bán vé số khu Miếu Nổi bổ sung thêm: “Nghề giúp việc hiện cũng thiếu, nhưng chủ nhà thường rất ngại, không nhận những người vốn đi bán vé số như tụi tui lắm. Họ ngại mang bệnh cho cả nhà. Mà họ nghĩ vậy cũng phải thôi. Tụi tôi đi bán khắp nơi mà, giờ nói cách gì cũng khó thuyết phục trong thời buổi dịch bệnh này.”

Với người mù, hai công việc mà họ thường chọn để kiếm sống là bán vé số dạo và massage. Cả hai việc này đều bị ảnh hưởng nặng nề trong mùa dịch.

Mấy hôm nay, người ta kể về sự hào hiệp của chủ đại lý vé số ở Vĩnh Long khi phát tiền, mua gạo phát cho người bán vé số dạo trong thời gian nghỉ bán. Nhiều người cũng có ý ngóng đợi những hành động tương tự ở các đại lý. Nhưng một chủ đại lý vé số ở quận 4 cho biết, thời gian qua doanh số tụt giảm rất nhiều, thêm tình trạng một số người bán dạo vì bán ế quá nên họ bỏ về quê luôn không quay lại trả tiền vé số. Số tiền thất thu này cũng khá nhiều. Nhiều đại lý cũng cho biết có cùng hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch, cho nên cũng ít ai có hỗ trợ được gì cho những người bán vé số dạo.

Một cuộc “chạy đua” chung tay

Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ từ chính quyền và các cơ quan chức năng, không ít những tấm lòng hảo tâm trong xã hội đã kịp thể hiện sự quan tâm của mình. Các nghệ sĩ, doanh nhân cũng không đứng ngoài cuộc, những người có tiếng và chuyên gắn bó với các công việc thiện nguyện như Đại Nghĩa, Hồng Vân, Thanh Sơn… vừa mở đợt kêu gọi mọi người chung tay với các nghệ sĩ để giúp đỡ những người bán vé số, vô gia cư, nhận được sự hưởng ứng rất lớn.

Nếu như người bán vé số ngày cuối cùng phải chạy đua để bán cho hết hoặc về quê cho kịp trước giờ G thì các nhóm đoàn thiện nguyện cũng vậy. Hầu như họ chỉ có một ngày hay chính xác hơn là hơn nửa ngày để triển khai các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà. Một sự quan tâm mà phải nói là chạy đua với thời gian và cho phù hợp với các quy định mới về phòng chống dịch bệnh đang được cập nhật liên tục. Thậm chí là khá nhanh nhạy, uyển chuyển cho phù hợp với tình hình.

Nhiều nhóm thiện nguyện đã chạy đua với thời gian để kịp gửi tặng chút quà cho người bán vé số dạo.

Khác với mọi khi người bán vé số đầy đường, mấy hôm nay các hàng quán nơi những người bán vé số có lượng khách lớn đóng cửa gần hết, thế là cả nhóm chia thành 2 nhóm “truy tìm” người bán vé số”. Anh Minh Đức, thành viên của một nhóm thiện nguyện đi tặng quà, phát khẩu trang, gel cho người bán vé số kể lại. Còn một bạn trẻ khác, chiều 31/3 phải vừa đi vừa xem kỹ ngoại hình của những người đi bộ ăn bận bình dân để đoán ai là người bán vé số. Vì không còn ai cầm xấp vé số trên tay để mà “nhận biết” cả!

Được biết, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM có phương án hỗ trợ những người bán vé số. Đạo diễn Thanh Sơn hào hứng chia sẻ: “Bà Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn Hóa – Thể Thao vừa cho biết một thông tin rằng sắp tới sẽ có khu cách ly tập trung trong mùa dịch cho những người lang thang cơ nhỡ, bán vé số, vô gia cư… Nếu vậy thì hay quá, những hoạt động giúp đỡ họ sẽ được thuận tiện hơn.”

Câu hỏi của người bán vé số hơn ¼ thế kỷ

Nếu ai hay đi ngang qua con đường Nguyễn Thông, đoạn ngã tư giao với Võ Thị Sáu, Q.3, Sài Gòn, sẽ thấy một hình ảnh quen thuộc ngay góc đường này. Đó là người đàn ông kiên nhẫn cầm dù đứng hoặc ngồi cạnh bãi cỏ, bên gốc cây thưa lá bất kể nắng mưa, với xấp vé số trên tay.

Ông Ninh và góc ngã tư mưu sinh quen thuộc 25 năm qua của mình.

Ông tên là Ninh, người gốc Sóc Sơn, Hà Nội, vào Sài Gòn ở trọ mưu sinh. Bị mù, không đi lại được nên chọn gốc cây này suốt 25 năm qua với công việc bán vé số. Ông nói hầu như vé số tỉnh thành nào trên cả nước ông cũng đều đã bán qua hết. Ông Ninh là lao động chính trong gia đình, thu nhập trông chờ vào tấm vé số. Ông có hai đứa con gái, trong đó một đứa đang bị liệt. Ông bảo nhờ trời thương, người thương nên bán cũng tạm đủ sống. Ông bảo mình hoàn toàn thoải mái chấp nhận chủ trương chung vì dịch bệnh, dù biết là sẽ rất chật vật.  Rồi ông nói, giọng trầm ngâm: Bán vé số suốt 25 năm cho tất cả các công ty xổ số kiến thiết, vậy chớ từ nào tới giờ cũng không mong họ có một cái gì làm quà cảm ơn cả. Nay dịch, tui cũng mong lắm một sự hỗ trợ nào đó, mà chắc là không hy vọng gì?

Có vẻ như không chỉ ông Ninh, mà nhiều người vẫn đang đợi xem những nghĩa cử cần thiết ngày một nhiều hơn trong thời điểm này, từ các công ty xổ số kiến thiết, những đơn vị mà nguồn thu của họ có được đều chủ yếu nhờ những đôi chân và đôi tay bán dạo trên khắp nẻo đường Sài Gòn, khắp nẻo đường Việt Nam, từ bao lâu nay…

Bài & ảnh: L.M.Hạ

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/truoc-gio-g-cua-nhung-nguoi-ban-ve-dao-ky-2-cau-hoi-cua-nguoi-mu-ban-ve/

Cùng chuyên mục