Trời thương mình, mình thương người

Quận 8, TP.HCM có anh Lê Văn Lâu (48 tuổi, quê Tiền Giang) hơn 10 năm qua chắt chiu âm thầm xây nhiều cây cầu gần chục tỉ đồng, xây nhà tình thương, làm thiện nguyện, giúp đỡ những số phận khó khổ tại chính nơi mình lớn lên.

Một người đàn ông đi dép tổ ong, quần kaki nâu đất phối áo màu xanh lơ khá sờn cũ. Đó là chân dung anh Lâu, mà theo chị Trúc (vợ anh): “Chọn cho mình cách đơn sơ là tính cách của anh xưa nay rồi”.

Anh Lê Văn Lâu hướng dẫn con trai làm nghề thợ bạc. Ảnh: NHƯ HÙNG

Tự nhủ sẽ thay mới từng cây cầu

Anh Lâu và chị Trúc cùng ở xã Hòa Khánh (Cái Bè, Tiền Giang), quen và lấy nhau từ thuở đôi mươi. Vợ ở nhà buôn tấm, bán cám, chồng bôn ba mái chèo buôn lúa khắp miền Tây sông nước. Sau đó vợ chồng và con gái lên Sài Gòn. Anh Lâu học nghề thợ bạc, mở một tiệm bạc, còn vợ phụ bán hàng cho anh đến nay đã 25 năm.

Rồi cứ mỗi khi về quê, thấy bắc qua mỗi con nước, mỗi dòng sông là những chiếc cầu tre lắt lẻo; hoặc những thanh gỗ gác ngang bắt chéo như hình hài một chiếc cầu, anh tự nhủ sẽ thay mới từng cây cầu.

Mỗi năm tôi về quê nhiều lần, hễ đi tới đâu thấy chiếc cầu nào xập xệ, tạm bợ mà có con nít đi học, người dân đi nhiều thì tôi sẽ xây lại. Xây để vững chãi mà đi thì rất dễ, nhưng nghĩ bụng nếu làm đường, mở rộng con hẻm thì cầu bị nhỏ mất, nên khi đã xây bao giờ tôi cũng tính xa chứ không qua loa được” – anh giải thích.

Về quê rồi trở lại Sài Gòn cũng là khoảng thời gian anh tính toán, thuê thợ, đặt vật liệu xây dựng, báo qua chính quyền địa phương để bắt tay vào kế hoạch làm cầu.

Chục năm qua, không ồn ào, lặng lẽ giấu tên mình, anh một mình xây nên những cây cầu, trước hết là ở chính quê mình lớn lên.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, chủ tịch UBND huyện Cái Bè, cho biết: “Anh Lê Văn Lâu xây rất nhiều cầu lớn nhỏ với giá trị gần chục tỉ đồng.

Mới nhất, năm 2019 anh xây cầu Rạch Chùa và cầu Đập Lớn (xã Hòa Khánh, Cái Bè). Hai chiếc cầu cách nhau 1,5km với trị giá hơn 1 tỉ đồng. Đó hoàn toàn tự cá nhân anh lặng lẽ hỗ trợ cho quê. Ngoài ra, đều đặn 10 năm qua, mỗi năm anh trao tặng gần 500 phần quà đến tay người nghèo, xây nhiều căn nhà tình thương, và nhiều sự giúp đỡ khác. Tinh thần tương trợ cho cộng đồng của anh rất lớn“.

Cách ân cần, thơm thảo

Anh Lâu chia sẻ: “Tôi nói với bà xã mình có bao nhiêu giúp bấy nhiêu, cứ âm thầm làm thôi. Gia đình cứ “năng nhặt”, làm việc tốt mỗi ngày một ít và thấy hạnh phúc vì nghĩ mình làm đúng“.

Bà Nguyễn Thị An (xã Hòa Khánh) kể lại lúc ở quê, ở trong xóm có hai mẹ con nhà bà Dược ốm đau không tiền thuốc thang, nhà cửa xập xệ, là hộ rất nghèo nhưng cũng chưa nằm trong diện được hỗ trợ xây nhà tình thương. Thế là láng giềng bàn nhau hay thử gọi anh Lâu.

Tôi kết nối máy, xin hỗ trợ giúp đỡ cho mẹ con bà. Anh Lâu hỏi rất kỹ thông tin, sau đó một tuần hai vợ chồng anh đến tận nhà, giúp thuốc men và cho cả ngôi nhà giá trị gần 50 triệu đồng. Cả xóm vừa thương vừa mừng vì có người như anh“.

Mỗi năm, Tết đến ở miền sông nước quê anh Lâu không ai quên được những món quà chu đáo cho người nghèo ăn tết và cách thăm trao ân cần của vợ chồng anh.

Nhiều năm nay, Tết đến quê tôi ai cũng có quà của vợ chồng anh Lâu ở Sài Gòn gởi về. Người nghèo nhận được quà cũng như được chia sẻ, quý lắm. Không riêng gì tôi, mọi người đều quý cách ân cần, thơm thảo của vợ chồng anh Lâu” – bà Nguyễn Thị Dung (ấp Hòa Phú, xã Hòa Khánh) nhận xét.

Ông Nguyễn Dũng Hùng, nguyên chủ tịch UBND P.2 (quận 8, TP.HCM), nói vợ chồng anh Lê Văn Lâu là nhà hảo tâm “chính hiệu”. “Anh Lâu rất hay hỗ trợ bà con nghèo trong phường gạo, tiền, suất quà… Anh tự nguyện chung tay giúp đỡ nhưng với điều kiện… bí mật tên tuổi. Nhiều năm rồi chúng tôi ghi nhận tấm lòng của anh, lặng lẽ vì người nghèo“.

Những tô phở nghĩa tình mùa dịch

Anh Nguyễn Trung Hiếu chuẩn bị trao tặng những tô phở nghĩa tình. Ảnh: MINH TÂM

Gần hai tuần nay, anh Nguyễn Trung Hiếu, chủ quán Z Phở 586, đã tặng những tô phở do quán nấu đến hai điểm chốt khai báo y tế tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Việc làm này của anh Hiếu bắt đầu từ khi anh nhìn thấy các nhân viên trạm kiểm soát làm việc giữa nắng gió, bụi đường, kiểm tra sức khỏe người dân vào các cửa ngõ thành phố.

Anh Hiếu nói: “Mọi người làm việc 24/24 giờ, thật vất vả. Mình tiếp sức cho mọi người cũng là cách chung tay trong mùa dịch Covid-19“.

Vào quán của anh Hiếu thì thấy từ sáng sớm anh cùng hai nhân viên bận rộn làm không liền tay để kịp tặng 35 tô phở cho mọi người điểm tâm. Riêng nồi xúp sóng sánh nâu nhạt, ngọt lừ, đậm đà hương vị được anh nấu trước suốt 24 giờ đồng hồ.

Mỗi tô phở được quán anh bán ra với giá 45.000 đồng, tuy nhiên anh Hiếu cho biết để cung cấp thêm năng lượng cho các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch có một bữa điểm tâm rất ngon, quán đã tăng thêm lượng thịt, phở vào cho tô đầy vun hơn, giá trị tô phở theo đó cũng tăng lên 50.000 – 55.000 đồng.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ, tươm tất, anh Hiếu mang lên ôtô rồi tự lái đến các chốt kiểm soát để tận tay giao những khẩu phần phở nóng hổi cho mọi người.

Những tô phở nghĩa tình của anh Hiếu đã làm ấm lòng, tiếp thêm năng lượng tích cực cho người nhận những ngày chống dịch.

Bạn Nguyễn Tấn Tài, sinh viên Trường đại học Y dược Cần Thơ, tình nguyện viên ở điểm chốt tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, quận Cái Răng, cười tươi nói: “Nơi đây chúng tôi được người dân chia sẻ nhiều. Đặc biệt, những tô phở tạo nên bữa ăn sáng rất ngon, đầy đủ dinh dưỡng khiến chúng tôi thật sự xúc động“.

Cứ vậy, đến nay quán phở của anh Hiếu đã trao hơn 200 tô phở yêu thương đến cho mọi người. Dịch bệnh khiến doanh thu của tiệm phở giảm, chỉ cầm cự đủ trả tiền mặt bằng. Khó khăn là vậy nhưng anh Hiếu nói sẽ duy trì việc nghĩa tình này đến hết mùa dịch. “Tôi mong mọi người sẽ quay về nhịp sinh hoạt, mua bán như xưa trong những ngày tới” – anh Hiếu hy vọng. MINH TÂM

Đặng Thảo Thương

Theo Tuổi Trẻ Online

 

Link nguồn: https://tuoitre.vn/troi-thuong-minh-minh-thuong-nguoi-20200420081938467.htm

Cùng chuyên mục