Thương cảng vàng son

Một chương trình thực cảnh phục dựng đại cảnh trị thủy quái để kể về sự tích Chùa Cầu và tái hiện một phần không khí thương cảng Hội An sẽ được tổ chức vào đêm 30/1. Thêm lần nữa, vị trí, vai trò mậu dịch và sự hưng thịnh của thương cảng Hội An vào các thế kỷ 16, 17, 18 được nhắc nhớ…

thuong-cang-vang-son
Hình ảnh tàu bè các nước đến thương cảng Hội An được phục dựng phục vụ cho show diễn thực cảnh Hội An Show. Ảnh: K.L

Từ lịch sử

Với hơn 3.260km đường bờ biển, Việt Nam nằm trong tuyến hải thương quan trọng của thế giới và giữ một vai trò nhất định trong hải thương của khu vực. PGS-TS. Hoàng Anh Tuấn (Đại học KHXH&NV Hà Nội) cho biết, tác động của các cuộc giao lưu thương mại vào Đại Việt từ cuối thế kỷ 16 qua thế kỷ 17 tạo nên sự thay đổi có thể nói là bước ngoặt trong phát triển kinh tế, phát triển xã hội cũng như hội nhập của đất nước ta trong lịch sử. Một trong số các thương cảng hình thành sớm nhất của Việt Nam được ghi nhận là thương cảng Hội An.

Ông Trương Hoàng Vinh (Trung tâm Quản lý và bảo tồn Di sản văn hóa Hội An) cho biết, các nhà nghiên cứu và khảo cổ đã phát hiện ở Hội An nhiều di chỉ thuộc thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh có niên đại cách đây hơn 2.000 năm. Trong những di chỉ đó xuất hiện các hiện vật thể hiện tính giao lưu với bên ngoài như các đồng tiền thời Hán, đồ vật kim khí thời Hán.

Tại Bảo tàng Hội An còn lưu giữ các hiện vật của thời tiền cảng thị cũng như sự phát triển hưng thịnh của cảng thị Hội An thế kỷ 16, 17. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Hội An đã có giai đoạn tiền cảng thị ngay từ thời văn hóa Sa Huỳnh.

Ông Trương Hoàng Vinh cho biết, tại di tích Bãi Làng (Cù Lao Chàm) có niên đại từ thế kỷ 7 – 10, có nhiều hiện vật chứng minh cho sự giao lưu văn hóa của thời kỳ tiền cảng thị Hội An như thủy tinh mã não của khu vực Trung Cận Đông, hay còn gọi là thủy tinh mã não Islam. Ngoài ra, tại Bảo tàng Hội An còn có nhiều thư tịch liên quan các giáo sĩ và học giả đã từng đến Hội An từ giai đoạn nửa sau thế kỷ 16 đến thế kỷ 17. Cùng với đó, những bản sao tranh ảnh có nguồn gốc từ nước ngoài cũng đã chứng minh thời kỳ thương mại phát triển của cảng thị Hội An.

Từ bức tranh vẽ thương cảng Hội An của Samuel Barron hay những chiếc cân bằng đồng, gốm sứ Hizen của Nhật, gốm sứ Trung Quốc của thời Nguyên, Minh, Thanh… còn được lưu giữ cho thấy sự phồn thịnh của thương cảng Hội An cũng như sự trao đổi buôn bán của người Hội An với các cộng đồng thương nhân châu Á và châu Âu từ thế kỷ 17 – 19.

Tái hiện thương cảng xưa

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Minh cho rằng, người Đại Việt sau thế kỷ 15 đến nửa đầu thế kỷ 19 đã kế tục thương cảng xưa của người Sa Huỳnh và Chămpa để phát triển thành thương cảng Đại Việt.

Theo ông, thương cảng này là nơi giao thương, mậu dịch quốc tế rất hưng thịnh từ đầu thế kỷ 16 đến nửa cuối thế kỷ 19, thu hút thương nhân, thương gia từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đồ Nha… Vào giai đoạn này, thương thuyền chở hàng từ nước ngoài đến buôn bán từ bốn đến sáu tháng liền tại Hội An. Phố Hội An trở thành chợ quốc tế và chợ Hội An là nơi hội tập hàng hóa từ các nơi về để xuất khẩu.

Ông Minh cho rằng, đô thị thương cảng Hội An một thời có vai trò quyết định để phát triển trung tâm thương mại mậu dịch quốc tế hùng mạnh và góp phần tạo nên sự trù phú ở Đàng Trong. Thương cảng Hội An là cánh cửa mở giao lưu, giao thương với kinh tế thế giới.

Ông Minh cho rằng, đó cũng là nền móng để tạo nên tư duy rất cởi mở của người Quảng Nam. Điều này đã được tiếp nối trong rất nhiều các quyết sách cũng như hoạt động phát triển kinh tế sau này của đất Quảng.

Sau rất nhiều năm với ý tưởng phục dựng một đoạn thương cảng xưa, một chương trình nghệ thuật tái hiện thương cảng Hội An một thuở sẽ được ra mắt. Hội An Show – chương trình nghệ thuật thực cảnh sẽ trình làng vào đêm 30.1 tới tại Hội An. Ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng đạo diễn chương trình chia sẻ, show diễn là một lát cắt văn hóa của vùng đất Hội An gắn với những câu chuyện từ các làng nghề trên đoạn sông Mẹ Thu Bồn, lụa tơ tằm; các sinh hoạt văn hóa truyền thống như bài chòi cho đến dấu ấn của văn hóa Chămpa… Theo ông Vinh, Hội An Show có một tổng thể bối cảnh dàn dựng từ Chùa Cầu, sông, phố, đến thương cảng.

“Một thương cảng cổ, những cánh buồm, những mái chèo lớn bé, những cụm thuyền xòe nở như bông hoa súng, quốc kỳ nhiều quốc gia, những dây chão, những ụ neo thuyền, những bến bốc hàng… tất cả phác họa một Hội An kéo ngược thời gian ký ức từ hôm nay đến 400 năm xưa trong những trình thức sắp đặt, biểu diễn, bố cục, thực và dựng, lung linh và sâu lắng cho một Hội An Show mới lạ, đẹp, ấn tượng, gần gũi, lôi cuốn. Hai điểm nhấn được xem hay nhất chính là phục dựng cảnh đánh thủy quái dựa trên sự tích Chùa Cầu và thương cảng Hội An xưa. Trong đó, một thương cảng với nhiều kiểu dáng thuyền buồm cổ mang quốc tịch Anh, Tây Ban Nha, Nhật, Pháp, Ấn Độ, Hoa… và ghe bầu, thuyền buồm Việt. Và điều quan trọng, dáng vẻ của những chiếc thuyền buồm thế kỷ 16, 17, 18 của nhiều nước đã tới Hội An, phải phục dựng chính xác, bởi những chiếc thuyền buồm cổ của các nước chính là lịch sử của nước họ, văn hóa của họ. Đây là điều ê-kíp đã trăn trở và mất khá nhiều thời gian để phục dựng theo đúng nguyên trạng lịch sử” – ông Nguyễn Quang Vinh viết.

Điểm khác biệt của show diễn chính là sự tương tác của hình thức nghệ thuật thực cảnh. Trong khi bối cảnh sân khấu của show diễn kéo dài từ Chùa Cầu đến sông Hoài, thì mọi sinh hoạt thường nhật của người Hội An vẫn diễn ra bình thường. Chương trình nghệ thuật này sẽ được bàn giao lại cho Trung tâm Văn hóa TP.Hội An và sẽ trở thành sản phẩm du lịch về đêm của đô thị này. Dự kiến thời lượng chương trình kéo dài 120 phút, sau đó, khi trở thành hoạt động nghệ thuật của phố cổ sẽ được rút gọn còn 65 phút.

Thư Quân – Vinh Hoàng

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa/thuong-cang-vang-son-107836.html

Cùng chuyên mục