Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể hồi năm 2016. Tín ngưỡng thờ Mẫu và việc thực hành tín ngưỡng từ lâu được coi như một bảo tàng văn hóa sống, trong đó bao chứa từ truyền thuyết, thần thoại, tính đa dạng của các hình thức văn học truyền miệng, nghệ thuật kiến trúc, trang trí, diễn xướng âm nhạc hay thậm chí là biểu hiện của nghề thủ công truyền thống của xứ sở.

Trong năm 2020, liên quan đến tín ngưỡng Thờ Mẫu, Lễ hội Bà Thu Bồn và Lễ hội Bà Phường Chào – hai lễ hội dân gian truyền thống vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cả hai lễ hội này đều nằm trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Cùng với các lễ hội dân gian gắn với sông nước, tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân miền biển Quảng Nam có những đặc trưng và giá trị riêng cần được xem xét bảo tồn ở mức nghiêm cẩn.

thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau
Sinh hoạt của cư dân vùng biển. Ảnh: Lê Trọng Khang

Đa dạng ở vùng biển

Ông Tôn Thất Hướng (Sở VH-TT&DL) cho rằng, vùng văn hóa xứ Quảng nói chung, văn hóa của cư dân ven biển Quảng Nam nói riêng còn lưu giữ rất nhiều giá trị, di sản văn hóa, có những tập tục đa dạng như tín ngưỡng thờ Mẫu.

“Đối diện với biển, họ cảm thấy mình thật nhỏ bé và đã có nhiều người đã gặp nguy hiểm, thậm chí không bảo toàn tính mạng nơi biển trong lúc đi đánh bắt xa bờ. Đó trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với cư dân biển và họ cần một chỗ dựa tinh thần trong những chuyến đánh bắt dài ngày ở biển khơi. Trong hoàn cảnh ấy tồn tại niềm tin tâm linh từ sự tôn thờ những vị thần biển, trong đó có các nữ thần” – ông Tôn Thất Hướng chia sẻ.

Đối với cư dân biển Quảng Nam, dù sống trên sông nước hay gắn liền với biển, vị thần cai quản và bảo trợ cho họ ngoài Đông hải Ngọc lân (cá Voi) và Long vương thì các nữ thần chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh, vì đó là lực lượng siêu nhiên gắn kết cuộc sống con người trong nhiều mặt: sức khỏe, sự bình yên và no ấm.

Các nữ thần như “Thiên Y A Na và các hóa thân; Thủy long Thần nữ; Đại càn Quốc gia Nam hải (thường gọi là bà Đại càn); Ngũ hành Tiên nương (thường gọi là bà Ngũ hành); Thủy tề Hải đế Ngọc nữ Tiên nương; Ngũ phương Hà bá Thủy quan (thường gọi là bà Hà bá); Cao sơn Chúa động Nương nương… Ngoài ra, cư dân ven biển Quảng Nam còn thờ một số vị nữ thần khác như thờ bà Chúa tiên – vị nữ thần cư dân biển Quảng Nam với các tôn xưng khác nhau, từ nữ thần có nguồn gốc Chăm đến hộ mạng cho nữ giới, Chúa ngung Man nương, Thiên hậu Thánh mẫu,…

Tín ngưỡng thờ Mẫu/Bà của các Bà có xuất xứ từ Trung Hoa, đây chính là sự tiếp biến giao thoa văn hóa đa nguyên giữa cư dân Việt với các cộng đồng cư dân khác trong khu vực Đông Nam Á trong lịch sử theo “Quảng Nam truyền thống văn hóa biển” của ông Tôn Thất Hướng.

Các nhà nghiên cứu nhận xét tính đa nguyên hay đa nguồn là nét đặc trưng nổi bật của hình thái tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân vùng ven biển Quảng Nam. Điều này được biểu hiện ở sự chồng xếp các sắc thái tín ngưỡng của những loại hình văn hóa khác nhau, những cộng đồng cư dân khác nhau cùng sinh sống trên vùng đất, vùng biển Quảng Nam. Đối với cư dân miền biển, việc tôn thờ Thiên Y A Na như vị thần bảo trợ giúp cư dân có niềm tin về sự an toàn. Không hướng đến cầu nước, cầu mưa như cư dân nông nghiệp, dưới dạng tín ngưỡng thờ Mẫu, việc thờ cúng các nữ thần chủ yếu cầu sóng yên bể lặng, mùa biển bội thu.

Sự gặp gỡ tiếp biến giữa văn hóa Chăm và Việt đã tạo nên tính đa nguyên trong tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân vùng ven biển. Cư dân ven biển Quảng Nam quan niệm các bà mẹ là các vị thần sáng tạo văn hóa và các giá trị văn hóa, cũng là khởi nguồn của nhiều nghề truyền thống. Trong tiềm thức, việc đồng nhất gắn thiên nhiên là tính âm và nhân hóa là nữ tính, trong đó thuộc tính bảo vệ, sinh sôi và sáng tạo trong cuộc sống gắn liền với biển khơi. Dấu ấn trong tín ngưỡng Chăm còn được thể hiện qua các nghi lễ dâng lễ vật cúng như lễ dâng mâm, lễ dâng hoa thông qua các điệu múa thiêng, hay lễ tống ôn, tống phong, lễ khẩn đảo cầu cá… đều là dấu ấn của văn hóa Chăm trong đời sống tâm linh của cư dân miền biển.

Bảo tồn tín ngưỡng và thực hành

Bắt đầu từ tháng 12.2019, tại Công viên Văn hóa “Ấn tượng Hội An”, tín ngưỡng thờ Mẫu và việc thực hành được tái hiện tại đây. Ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, trong các thực hành tín ngưỡng ở Việt Nam, thờ Mẫu là tín ngưỡng nội sinh mang đậm bản sắc Việt.

“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như: Đạo giáo, Phật giáo” – ông Hiển nói. Do đó, theo ông, việc đưa tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành một hoạt động văn hóa thường xuyên tại khu vực tâm linh trong Công viên Ấn tượng Hội An sẽ ngày càng khẳng định biểu tượng của giá trị Việt tới bạn bè quốc tế hơn.

Trong gần 2 năm trở lại đây, dự án “Mẹ Việt – Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” với 108 bộ phim nhằm cung cấp cho công chúng những thông tin chuẩn mực về tín ngưỡng, cách thực hành tín ngưỡng, những nét đẹp và đặc trưng của tín ngưỡng này được biểu hiện qua góc độ điện ảnh. Bà Đàm Lan – Giám đốc dự án cho rằng, cái hay của tín ngưỡng thờ Mẫu là tính vùng miền, những cách hành lễ còn lưu truyền trong dân gian. “Mỗi một nơi sẽ có cách hành lễ riêng, nhưng vẫn có những nghi thức cơ bản cần phải chuẩn, ở đó có sự thành tâm, thành kính” – bà Đàm Lan nói.

Theo ông Tôn Thất Hướng, văn hóa truyền thống làng biển ở Quảng Nam hiện nay không còn nguyên trạng. Bởi trong những trường hợp thiết chế xã hội, văn hóa cộng đồng làng xã có chức năng như một “bảo tàng sống” góp phần duy trì các loại hình văn hóa vật thể/phi vật thể đã trải qua quá trình chuyển hóa bối cảnh để thâm nhập một môi trường mới khác hơn. Bên cạnh đó còn có sự tác động của những yếu tố phát triển xã hội hiện đại vào môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa của cư dân miền biển. Việc bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân vùng biển Quảng Nam cần phải được thực hiện cùng việc bảo tồn văn hóa sở tại.

Ngoài việc đẩy mạnh thông tin về tín ngưỡng này ở nhiều thế hệ, các loại hình nghệ thuật trong việc thực hành tín ngưỡng cũng cần được giới thiệu, quảng bá. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, Quảng Nam cần có bảo tàng để bảo tồn văn hóa biển vì đây vẫn còn là lĩnh vực ít người biết và chú ý đến. Bởi lẽ sự phong phú từ nền văn hóa khảo cổ, phong tục tập quán, lễ hội tín ngưỡng, ẩm thực, ngành nghề truyền thống liên quan đến biển, bảo tàng văn hóa biển sẽ đem đến cho công chúng, những nhà nghiên cứu về những giá trị lâu đời của cộng đồng cư dân ven biển…

Lê Quân

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa/thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-106552.html

Cùng chuyên mục