Thị trường airbnb, sau bi quan là tín hiệu lạc quan?

Ngành du lịch, khách sạn bị tác động nặng nề nhất khi dịch Covid-19 diễn ra, với nguồn thu gần như bằng 0. Nền tảng chia sẻ dịch vụ lưu trú –đặt phòng toàn cầu airbnb cũng không ngoại lệ.

Với những người kinh doanh airbnb ở Việt Nam, khoảng thời gian từ sau Tết Nguyên đán đến nay thật sự u ám, trái ngược với tình hình nhà nhà, người người đổ xô kinh doanh airbnb rất sôi động vào những năm trước.

Tính riêng tháng 03/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn Sài Gòn so với tháng trước giảm 59% và so với cùng kỳ năm 2018 là 68,4%. Doanh thu từ du lịch lữ hành giảm sâu 64% so với tháng 02/2020 và giảm 77,4% so với tháng 03/2019. Vài con số khô khan cũng cho thấy dịch vụ đặt phòng toàn cầu này ở xứ Việt bị ảnh hưởng ra sao khi dịch càn quét.

Cơ hội nhìn lại và “thanh lọc” thị trường?

Airbnb xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2015 với khoảng 1.000 phòng được cho thuê và chỉ sau 2 năm, airbnb đã tăng trưởng ấn tượng và cung cấp hơn 16.000 đơn vị lưu trú tính (theo báo cáo khảo sát khách sạn năm 2017 của Grant Thornton); trong đó tăng mạnh nhất là Sài Gòn, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Sa Pa… Tất cả những tăng trưởng ấy đều đã đảo lộn kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Thị trường airbnb đã gặp một cú sốc lớn vì dịch sau nhiều năm phát triển sôi động.

Trong cơn khủng hoảng vì dịch, đây là dịp nhiều người nghiêm túc nhìn lại hiệu quả của việc tận dụng những căn phòng trống sẵn có, biệt thự thuê dài hạn, thậm chí mạnh tay mua, thuê lại những căn hộ, biệt thự bỏ trống để cho thuê lại ngắn hạn, tức đăng ký bán phòng trên airbnb với giá cao hơn. Kết quả, phòng tuy có bán được nhưng tổng kết lại, không ít trong số đó nhận ra rằng tổng doanh thu trong một tháng chưa chắc đủ để trả tiền lãi hoặc tiền thanh toán định kỳ cũng như nhiều chi phí bổ sung, phát sinh khác.

Đối với những người đang cho thuê phòng dư trong nhà hoặc sử dụng nền tảng này để bổ sung thu nhập chính của họ, thì mấy tháng vừa qua chưa phải là… tận thế. Nhưng với các nhà đầu cơ hăm hở hơn, những người đã mua căn hộ với mục đích cho thuê liên tục quanh năm, hoặc bung ra đi thuê một loạt căn nhà để cho thuê lại, công việc này là thu nhập chính, thì thời gian qua đúng là một thảm họa. Trong cộng đồng airbnb Việt Nam, có không ít người đã ký 20 hợp đồng thuê nhà với mục đích giữ chúng liên tục được đặt trước, hoặc những người đã vay các khoản vay ngân hàng lớn để mua căn hộ và sửa sang lại thành khách sạn. Anh Tuấn, người mới kinh doanh homestay một năm nay, với 3 căn nhà được thuê trong 5 năm, cải tạo thành homestay ở Đà Lạt, hiện đang đối mặt với các khoản vay ngân hàng đang có nguy cơ cao thành nợ xấu! Một “đồng nghiệp” khác của anh, sở hữu 3 căn hộ ở các khu căn hộ cao cấp thuộc quận Bình Thạnh, Sài Gòn thì tiến thoái lưỡng nan khi các chủ nhà thì kiên quyết không bớt một xu!

Những thông tin thanh ý, trả nhà, sang nhượng thường rất hay gặp trong các cộng đồng airbnb Việt Nam.

Cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người đặt cược lớn vào các nền tảng như airbnb. “Đây cũng là dịp để nhiều người tỉnh táo hơn trong việc tham gia lĩnh vực này, một lĩnh vực đã khiến thị trường sôi động hẳn lên cùng với những con thiêu thân và không ít rủi ro mà không phải ai cũng chịu tỉnh táo nhìn thấy. Là dịp để thị trường airbnb thanh lọc lại.” – Một chủ nhà có thâm niên airbnb từ những ngày đầu khi nền tảng này có mặt ở Việt Nam, kết luận.

Sau cơn mưa trời lại sáng?

Chị Minh Hiền, một Việt kiều Mỹ, vừa nhận một căn hộ mới toanh mua từ khi còn là dự án, ở một khu căn hộ dịch vụ 5 sao mới xây xong trên  đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, Sài Gòn. Chị vẫn giữ nguyên ý định cho thuê airbnb như dự tính và vẫn có niềm tin rằng việc cho thuê phòng, cho thuê nhà thông qua airbnb rồi sẽ tiếp tục và đây là hình thức giúp chị khai thác căn hộ mới của mình. Chị được bạn bè giới thiệu tìm tới một doanh nghiệp đang kinh doanh airbnb ở Sài Gòn để được tư vấn, hợp tác. Chị Hiền được người tư vấn – là nhà kinh doanh airbnb hứa hẹn một cách chắc chắn rằng, với nhu cầu của việc tìm thuê các căn hộ cao cấp, tình hình như hiện tại thì doanh thu có thể đạt ở mức $1000/ tháng chưa tính chi phí, đợi lúc thị trường khôi phục sau dịch thì doanh thu sẽ tốt hơn.

Không gian sân thượng của một khu căn hộ cao cấp ở Sài Gòn đang có nhiều chủ đầu tư cho thuê làm dịch vụ airbnb.

Ông Trương Lương Vinh, một người kinh doanh airbnb từ những ngày đầu dịch vụ này có mặt tại Việt Nam, và là một tên tuổi có tiếng trong giới kinh doanh này ở Việt Nam, tự tin cho biết, tương lai airbnb vẫn rất tiềm năng. Dù vẫn bị ảnh hưởng chung, doanh nghiệp của mình vẫn phải cắt giảm nhân sự nhưng tình hình này chỉ ảm đạm hiện tại.

Ông Vinh nói thêm: “Trong mùa dịch này airbnb có một chính sách khá ổn, đó là gửi cho chủ nhà 25% của tất cả booking chủ nhà bị huỷ. Tôi thấy các chủ nhà rất vui vì chuyện này. Tương lai airbnb ở Việt Nam vẫn phát triển nhiều và nhanh, tuy nhiên, với tình hình hiện tại, phải có bài bản, chứ không dễ kiếm nhiều tiền và nhanh như lúc trướcSự thay đổi, theo đó, phải xem việc tạo giá trị thêm cho khách là chiến lược bền bỉ lâu dài, từ những chuyện như nâng cao tiện ích căn hộ, phù hợp cho cả làm việc và nghỉ dưỡng, đầu tư đường truyền internet tốc độ cao đến dịch vụ giặt ủi, ăn uống, dọn phòng… khiến khách vui và ưu tiên lưu trú lâu hơn.

Bên trong nội thất của một căn hộ airbnb tại khu trung tâm Sài Gòn.

Đến lúc phục hồi là sẽ phát triển trở lại nhanh lắm. Dịch bệnh rồi sẽ qua, nhu cầu du lịch, di cư, lưu trú sẽ tăng cao hơn bao giờ hết, ngay sau khi chấm dứt kỳ “ngủ đông” dài nhất trong đời. Tôi tin kinh tế Việt Nam sau dịch sẽ phát triển mạnh hơn trước dịch nhiều lần, đem lại nhiều công việc, nhiều cơ hội cho những người trẻ tuổi muốn tạo giá trị phát triển xã hội.”

Từ năm ngoái “ông trùm” của chuỗi airbnb khu vực phía Nam này đã nhắm vào lượng khách dài hạn vì nguồn thu ổn định hơn. Nắm tình hình và phân tích hướng đi của mình, thay vì theo phong trào homestay phục vụ khách du lịch, thì tập trung vào thị phần công tác, làm việc và du học. Bởi du lịch thường theo mùa nên doanh thu không ổn định. Được biết, lượng khách dài hạn của ông Vinh chiếm 70% thị phần, khách ngắn ngày du lịch chiếm 30% thị phần doanh thu.

Trong thời gian này, ông Vinh vẫn tích cực tìm kiếm, lấy thêm nhà, chuẩn bị bung ra đón đầu cơ hội. “Lúc người ta lo lắng, thị trường eo xèo là cơ hội của mình. Giờ thuê nhà cũng dễ thương lượng giá, chủ nhà dễ thương hơn”.

Ai cũng có mong muốn cơ bản là đi du lịch để khám phá, tận hưởng và khi họ phải ở nhà quá lâu vì dịch Covid-19, nhu cầu đó sẽ tăng mạnh hơn bao giờ hết. Có lẽ, nên tin là như vậy.

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/thi-truong-airbnb-sau-bi-quan-la-tin-hieu-lac-quan/

Cùng chuyên mục